Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ ô tô

Có hạn chế được xe cá nhân?

ANTĐ - Gia tăng lượng ôtô cá nhân với tốc độ chóng mặt được nhiều chuyên gia cho là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông - bài toán đang làm đau đầu các nhà quản lý. Mới đây, với mục đích là hạn chế nhập siêu và hạn chế lưu hành phương tiện cá nhân trên đường phố, Bộ Công Thương lại tiếp tục đề xuất các giải pháp hạn chế nhập khẩu ôtô bằng biện pháp là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với mặt hàng này.

Trong văn bản đề xuất các giải pháp kiềm chế nhập siêu của Bộ Công Thương gửi tới các đơn vị chức năng, Bộ này đã đề nghị Quốc hội điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ ngồi lên mức cao hơn từ năm 2012, đồng thời tăng phí trước bạ ôtô tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên kịch trần 20%.

Đề xuất này nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan. Tổng cục Thuế cho rằng việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô là đương nhiên, được thực hiện theo lộ trình ban hành  Luật của Quốc hội và Bộ Tài chính cũng đang xây dựng phương án sửa đổi bổ sung Luật trên cơ sở lộ trình đã được thông qua. Riêng đối với phí trước bạ, cả Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đều nhất trí với đề nghị áp mức cao nhất với Hà Nội, TP.HCM là 20%. Lý do là hai thành phố này đang có mật độ xe cao và tình trạng ùn tắc giao thông đang hết sức bức xúc. Trước đó, Bộ Tài chính cũng quyết định tăng trần phí trước bạ đối với mặt hàng ôtô từ 15% lên mức 20%. Căn cứ vào khung phí này, các tỉnh thành trong cả nước sẽ ban hành mức cụ thể phù hợp với địa phương mình. Tuy nhiên, chưa địa phương nào đưa ra quyết định tăng phí trước bạ theo mức trần đã được phép. Hiện mức phí trước bạ áp dụng đối với Hà Nội cao nhất là 12%, còn TP.HCM là 10%.

Tuy nhiên, trước thông tin này, còn nhiều ý kiến trái chiều. Liệu tăng thuế có đạt được mục tiêu hạn chế nhập siêu, hạn chế sự gia tăng ôtô, giảm ùn tắc giao thông. Bởi lẽ, tỷ lệ 20% chỉ áp dụng với các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, vì vậy có thể xảy ra tình trạng người mua xe sẽ nhờ người thân đứng tên, mua xe ở tỉnh khác và đưa về Hà Nội, TP.HCM để sử dụng. Với các doanh nghiệp nhập khẩu thì họ đã được giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), còn với người tiêu dùng, những người đủ sức chi hàng tỷ đồng để mua ôtô thì việc nộp thêm lệ phí trước bạ với vài trăm triệu đồng không phải là khó khăn. Đó có thể là biện pháp làm tăng giá thị trường, tiếp tay cho lạm phát?

Đối với xe ôtô cũ, nếu không áp dụng mức thuế 20% thì đồng nghĩa với việc không thể hạn chế được lượng ôtô lưu hành trong thành phố bởi thị trường ô tô cũ đang diễn ra hết sức rầm rộ. Còn nếu  phí trước bạ mức 20% lên ôtô cũ cũng không khả thi vì việc mua bán xe cũ diễn ra phổ biến, phù hợp với những người ít tiền và do tâm lý ngại mức phí trước bạ cao nên các chủ xe không sang tên hoặc dùng hợp đồng ủy quyền, vấn đề này gây thêm khó khăn cho việc quản lý.

(Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính): Mục tiêu hạn chế nhập siêu là chưa rõ ràng

Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ ôtô là cần thiết, không những thế tôi còn tán thành với việc thu phí lưu thông với ôtô, chẳng hạn một người có thể mua nhiều ôtô, nhưng mỗi năm sẽ phải đóng một khoản phí lưu thông nhất định cho mỗi xe… Tuy nhiên, việc tăng thuế, phí có hạn chế được nhập siêu hay giảm phương tiện ôtô cá nhân tham gia giao thông hay không thì chưa chắc chắn. Hiện nay, đại đa số người dân khi đã có đủ tiền để mua sắm những chiếc ôtô bạc tỷ thì việc bỏ thêm vài trăm triệu thì cũng không phải là việc quá khó đối với họ. Từ trước đến nay, giá ôtô tại Việt nam vẫn luôn cao hơn so với thế giới nhiều lần nhưng không vì vậy mà sức mua - bán ôtô trên thị thường Việt Nam bị “nguội”. Theo lộ trình cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì thuế nhập khẩu ôtô của chúng ta đang giảm, nên việc tăng thêm phí trước bạ cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến việc mua xe của người tiêu dùng. Vì vậy, tôi không tán thành quan điểm tăng thuế, phí ôtô với mục đích là hạn chế nhập siêu. Mục tiêu đó là chưa rõ ràng, nó không những khó đạt được mà còn làm mất đi vai trò tái phân phối, đảm bảo công bằng xã hội.

(Ông Đỗ Chính, tổng giám đốc tập đoàn command): Mức tăng chưa giảm được nhiều

Với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt loại xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô được thực hiện theo lộ trình ban hành Luật của Quốc hội. Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa nhưng theo khung chương trình phải đến năm 2013 mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đề xuất tăng thuế tiệu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Công Thương sẽ không thực hiện được ngay trong năm 2012. Còn đối với việc tăng phí trước bạ tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên 20% thì theo Nghị định 45 quy định khung tối đa phí trước bạ ôtô là 20%, căn cứ khung trước bạ này UBND tỉnh, thành phố sẽ nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. Đề xuất tăng phí trước bạ lên khung cao nhất 20% nhằm hạn chế lưu lượng xe cá nhân lưu thông trên đường phố, tuy nhiên với mức tăng thêm 8% thì theo tôi cũng chưa giảm được nhiều.

(Ông Phạm Thái Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Tân Thái Dương): Hướng đi đúng ở thời điểm hiện tại

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là rất đúng. Thứ nhất việc tăng thuế chắc chắn nguồn ngân sách Nhà nước sẽ được bổ sung đáng kể. Thứ hai việc tăng thuế sẽ tác dụng trực tiếp, dù ít tới việc ít giảm lượng phương tiện ôtô lưu hành. Tôi thiết nghĩ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ là một hướng đi đúng trong thời điểm hiện tại. Khi đề xuất này của Bộ Công Thương được đưa ra chắc chắn sẽ có rất nhiều luồng ý kiến phản đối bởi trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích một bộ phận cá nhân. Nhưng nhìn rộng ra chúng ta nên hạn chế nhập siêu trong thời điểm hiện tại để tránh lạm phát cao. Theo con số thống kê, 9 tháng đầu năm đã có gần 45.000 chiếc ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam, đây là một con số không nhỏ, trực tiếp gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông. Việc tăng thuế, phí sẽ làm giảm lượng ôtô nhập khẩu và làm giảm nhập siêu vốn đã rất cao trong thời điểm hiện nay.

(Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phòng 211, KTT Bộ Văn hóa - Thông tin); Chưa giải quyết được triệt để vấn đề

Đề xuất này được áp dụng là một phương án tốt và cần thiết trong thời điểm hiện tại chứ chưa phải là phương án lâu dài. Người dân thì ai cũng mong tình hình giao thông ở Việt Nam được cải thiện, chưa bàn đến cơ sở hạ tầng, trước tiên muốn vậy thì phải điều tiết lưu lượng các phương tiện giao thông. Những luồng ý kiến trái chiều chắc chắn sẽ xuất hiện nhưng dần mọi thứ sẽ đi vào ổn định; đồng hành với nó chúng ta sẽ phải có những kế hoạch khác phù hợp hơn. Đề xuất tăng thuế, phí để hạn chế nhập siêu và phương tiện cá nhân nhưng chúng ta chưa bàn đến việc có giải quyết được không. Bởi với những gia đình khá giả tại Hà Nội và TP.HCM thì việc tăng  phí trước bạ lên 20% hay cao hơn nữa cũng không tác động nhiều đến việc mua xe ôtô. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng vậy, nếu tiếp tục tăng thì các doanh nghiệp vẫn cứ nhập và bán ra thị trường như bình thường. Tôi nghĩ việc tăng thuế và phí chưa thể giải quyết được triệt để mà vẫn phải tìm những giải pháp khác cho tương lai.