Cô giáo dạy Văn 76 tuổi ra mắt triển lãm mỹ thuật gây bất ngờ cho giới họa sĩ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cô giáo dạy Văn Nguyễn Ngọc Dậu, 76 tuổi có một cuộc đời không suôn sẻ. Với phòng tranh vừa ra mắt, cô đã làm các họa sĩ chuyên nghiệp trong Nam ngoài Bắc bất ngờ, ngẩn ngơ với một không gian nghệ thuật đẹp mắt, vừa hồn nhiên vừa dân gian, đề tài xoay quanh mối tình ký ức và phong cảnh nơi cô từng sống ở Thái Nguyên, Tây Bắc....

Theo lời cô giáo Dậu kể, năm 21 tuổi cô gặp anh, một anh bộ đội, chưa kịp hẹn hò gì thì anh chuyển quân. 3 năm sau, cô gặp lại anh khi anh lên đường vào Nam chiến đấu. Những lá thư anh gửi không đến được tay cô vì những lý do khác nhau. Rồi bất ngờ , anh hy sinh tại Tây Nguyên đúng tháng 3/ 1975 khi mở màn đánh Buôn Ma Thuột. Từ đó, cô không yêu ai nữa. Anh luôn theo cô như một vệ sỹ , như một cái bóng trong những giấc mơ chập chờn hiện về.

Rồi hòa bình, cuộc sống cuốn cô đi theo năm tháng với những bài giảng trên lớp cho các học trò. Cô chỉ thực sự cầm bút vẽ khi đã 73 tuổi, sau 20 năm rời bục giảng. Và điều ấy làm bất ngờ với bất cứ ai, bởi ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhiều người đã buông bút, đã cạn kiệt niềm hứng thú với cuộc chơi của sắc màu, cô Dậu mới bắt đầu... khởi nghiệp.

Trong 3 năm ấy, cô vẽ được hơn 100 bức xoay quanh mối tình ký ức và những nơi cô từng sống ở Tây Bắc, Thái Nguyên... Khi phòng tranh được ra mắt tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, nhiều họa sĩ chuyên nghiệp đã rất bất ngờ với sức sáng tạo và khả năng về hình họa vững vàng của cô. Không gian mà cô tạo ra qua các tác phẩm của mình là mênh mang ký ức, là nỗi nhớ về những năm tháng của tuổi trẻ và những vùng đất, con người cô đã gắn bó. Đó thực là một phòng tranh lạ mắt, hoài niệm và giàu cảm xúc.

Tranh đẹp đã đành, cuộc đời của tác giả tạo nên nó cũng rất đáng để kể. Cô Dậu cho biết, dù cô không được học về hội họa nhưng cô có cách nhìn và am hiểu về hội họa. Trong gia đình cô có 3 anh em là họa sĩ nhưng chưa ai có phòng tranh. Em trai cô đang thực hiện phòng tranh thì đột ngột qua đời. Điều đó thúc đẩy cô vẽ nhiều hơn để có phòng tranh cá nhân.

Hoàn cảnh của cô khó khăn. Cuộc sống độc thân lúc tuổi già đã khó với đồng lương hưu còm cõi, giờ cô còn trông nom cậu em ruột là họa sỹ Nguyễn Đê Thích bị liệt do tai nạn giao thông. Dù khổ trăm bề, lại chưa cầm bút vẽ bao giờ, tuổi cao và biết bao vất vả lo toan trong cuộc sống nhưng cô đã miệt mài vẽ. Nếu không mê vẽ, chắc không ai có đủ kiên nhẫn để theo đuổi niềm yêu thích với hội họa một cách say sưa như cô Dậu.

Họa sĩ Đỗ Đức nhận xét, 55 tranh trưng bày ở triển lãm cá nhân của cô Nguyễn Ngọc Dậu hầu hết có bố cục người. Mà lạ thay, bức nào cũng ngay ngắn chẵng chạc, màu sắc tươi sáng nhuần nhị. Trực cảm về màu của cô là thứ trời cho, học cũng chẳng được thế. Những bức tranh vẽ về núi sâu thẳm một cảm xúc sống mãnh liệt. Họa sĩ Đỗ Đức nhận ra, miền kí ức của cô hiện dần lên từng bức tranh như bức ảnh trong chậu thuốc phóng ảnh ở buồng tối. Mà đúng như vậy. Tranh của cô Ngọc Dậu từ con người đến không gian vừa thực vừa hư. Nhìn tổng thể, bố cục và màu sắc chặt chẽ như họa sĩ chuyên nghiệp. Sự truyền cảm cũng vậy, nhưng nhìn chi tiết thì sự ngây thơ chân tình trên từng nét vẽ cũng đồng điệu theo cấu trúc.

Họa sĩ Lê Trí Dũng chia sẻ, mong cho sau triển lãm chị bán được ít tranh đỡ phần nào cho cuộc sống vất vả của một kiếp người. Nhưng tranh chị thì đẹp thật. Mới chưa được một hôm mà dậy sóng cả "họa đàn", nhiều người rất khó tính trong đánh giá cũng phải khen.

Triển làm của nhà giáo Nguyễn Ngọc Dậu trưng bày 60 bức với nhiều đề tài: phong cảnh, tĩnh vật, chân dung và những sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật. Để có phòng tranh này, cô lo từ khung toan màu vẽ đến thuê phòng trưng bày chừng 30 triệu, không có tài trợ nào. Cô làm chỉ để thực hiện ý nguyện của mình.

Cô tâm sự, với cách nhìn dung dị trong các tác phẩm, cô mong muốn gửi tới người xem những điều chân thực nhất. Triển lãm của cô diễn ra từ nay đến hết ngày 28/5 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Một số tác phẩm trong triển lãm của cô giáo dạy Văn Nguyễn Ngọc Dậu: