Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM:

Có giảm được ùn tắc?

ANTĐ - Với số lượng ôtô trên 400.000 chiếc đang lưu thông tại khu vực trung tâm TP.HCM cùng khoảng 100 xe đăng ký mới mỗi ngày, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn là bài toán chưa có lời giải, tác động đến sự phát triển của thành phố.
 

Theo số liệu của Sở GTVT TP.HCM, hàng năm toàn thành phố có trên 60 vụ ùn tắc lớn với mật độ dày, thời gian trên 1 giờ, trên 10 vụ ùn tắc tới 4-9 giờ tập trung tại các khu vực hướng đường Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Cách mạng Tháng Tám, rạch Bùng binh, vòng xoay Công trường Dân chủ... TP.HCM cũng đang phải “gánh” gần 4,2 triệu phương tiện chưa kể hàng trăm nghìn phương tiện ngoại tỉnh lưu thông liên tục trong khi diện tích mặt đường thành phố chỉ chiếm 5% diện tích mặt đường cả nước, số phương tiện tham gia giao thông lại chiếm 1/3 quốc gia.

Để hạn chế tình trạng gia tăng các phương tiện giao thông, TP.HCM đã đề xuất lập các trạm thu phí trên địa bàn thành phố với hệ thống thu phí điện tử tại các tuyến đường thường xuyên ùn tắc và cho phép Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD) nghiên cứu xây dựng hệ thống thu phí tự động ôtô vào khu vực trung tâm. Cuối tuần qua, việc xây dựng mô hình thí điểm được TP.HCM đưa ra trao đổi. Ông Lâm Thiếu Quân, TGĐ Công ty ITD cho biết, khi phương án thu phí ôtô vào trung tâm được triển khai sẽ góp phần kéo giảm khoảng 16% tỉ lệ sử dụng ôtô cá nhân (cả taxi) vào trung tâm, kéo giảm ùn tắc giao thông khoảng 40% cho các trục đường chính nối với trung tâm có lưu lượng xe cao.

TS Nguyễn Hữu Hường, Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật giao thông ĐHBK TP.HCM cho biết: Tại đô thị hiện đại ở nước ngoài người dân đi bộ 1-2 km, còn ở Việt Nam thì ngồi trên xe máy từ trong nhà phóng ra tới chợ, dù chỉ cách 200-300m, làm sao xác định được người tham gia giao thông sẽ vào những tuyến đường đang kẹt hay đường đã kẹt, thu phí như thế nào; nếu thu chỉ 10.000-20.000 đồng/lượt, sự đầu tư hệ thống ERP đắt tiền, sẽ lãng phí. Việc lắp hệ thống thu phí tự động chỉ thuận lợi ở những đô thị có làn đường dành riêng cho từng loại xe chứ không phải “hỗn tạp” và rối loạn như TP.HCM, bởi người đi ôtô ở TP.HCM đa số là người có thu nhập cao sẵn sàng trả phí, rất khó để hạn chế phương tiện vào trung tâm, thu cứ thu mà kẹt xe cứ kẹt...

PGS TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Hội ôtô và thiết bị động lực TP.HCM cho rằng, khi đưa ra giải pháp chống kẹt xe mà không có cơ sở xã hội học và nghiên cứu hợp lý, sẽ không nhận được sự đồng thuận của người dân. Nhất là khi hệ thống tự động đếm mật độ xe lưu thông trên đường mới được lắp đặt thử nghiệm trên một số tuyến đường thuộc quận 5, 6, 11 đã mắc lỗi, không thể kết nối với trung tâm điều khiển, không ghi nhận tình hình giao thông đúng với thực tế. PGS TS Phạm Xuân Mai, trường ĐHBK TP.HCM cũng lo ngại, kết quả nghiên cứu của Công ty ITD vẫn trên lý thuyết, cần phải kiểm chứng. Mặt khác, nếu người dân không được giải thích mục đích của thu phí là kéo giảm kẹt xe và lấy tiền đầu tư cho các hệ thống phương tiện công cộng, dân sẽ phản ứng. Tuy nhiên cũng xuất hiện việc nhiều lái xe sẽ “né” trạm, nhiều tuyến đường nhỏ, hẻm dẫn vào khu vực trung tâm sẽ bị tắc, lực lượng CSGT sẽ càng khó khăn hơn trong công tác điều hành, xử lý vi phạm giao thông.

Việc tăng thu là cần thiết nhưng không thể chắp vá. Muốn hạn chế lưu lượng xe trong trung tâm, TP.HCM nên xây dựng nhiều khu phố đi bộ, hạn chế bãi đỗ xe trên đường, đặc biệt là các tuyến đường hay ùn tắc; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng metro, xe điện trên cao... hơn là đầu tư vào các nhóm giải pháp ngắn hạn vừa tốn kém lại không hiệu quả, gây nhiều phản ứng trong nhân dân.