Có công tâm, chính xác?

ANTĐ - Cho tới nay, không có cơ quan quản lý nào đứng ra công bố chính xác số liệu nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Tài chính vừa chỉ ra các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nợ ngân hàng khoảng 415.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là khoảng 3,2-3,6% tổng dư nợ, chênh lệch khá xa mức 13% mà Tổ chức định mức tín nhiệm Fitch công bố. Còn các chuyên gia tài chính khẳng định chừng 10%. Hiện tại dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng ước 2,5 triệu tỷ đồng. Giả sử tỷ lệ nợ xấu là 10%, tức là tương đương 250.000 tỷ đồng hay 12 tỷ USD.

Các chuyên gia cảnh báo khoản nợ “khủng” này hầu như đang bất động, chỉ nhúc nhích trong một vài trường hợp mua bán nợ thành công. Muốn giải quyết nợ, trước hết phải làm cho nó chuyển động. Nói ngắn gọn, để xử lý nợ xấu phải có ai đó đứng ra gánh lỗ lãi hoặc ngân hàng hoặc người vay. Có hai cách xử lý, một là mua đứt bán đoạn, Nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức tài chính khác phải vào cuộc. Hai là Nhà nước bỏ vốn thông qua Ngân hàng Nhà nước vào công ty mua bán nợ. Công ty này thông qua mua nợ, trở thành cổ đông của các ngân hàng bán nợ. Rốt cuộc, dù bằng cách nào thì Nhà nước cũng phải bỏ tiền ra. Chẳng hạn khi xử lý nợ ở Vinashin, Habubank, ngân sách Nhà nước đã phải bỏ tiền ra thông qua ưu đãi thuế thu nhập 3 năm cho Ngân hàng SHB; cho trích lập dự phòng nợ Vinashin dần từng năm, cho phép phát hành trái phiếu với sự bảo lãnh của Chính phủ. Khi Nhà nước phải bỏ tiền ra, câu hỏi đặt ra là ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất và liệu có ai phải chịu trách nhiệm về gánh nặng tăng thêm của ngân sách?

Theo một tiến sỹ tài chính  - ngân hàng, nợ xấu tại khu vực doanh nghiệp Nhà nước rất khó giải quyết vì khu vực này khó bán tài sản hoặc cổ phần Nhà nước theo giá thị trường trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Trong khi đó, tỷ lệ nợ công của nước ta rất cao, lên tới 54,8% GDP năm 2011, thâm hụt ngân sách năm 2012 tăng trở lại thì khả năng ngân sách Nhà nước nai lưng “cõng” nợ cho doang nghiệp lại căng thẳng hơn. Một thành viên hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, trong tình thế các doanh nghiệp lún sâu trong nợ nần thì chuyện hy vọng “đòi nợ” và quyền được bán tài sản thế chấp như nhà máy, dây chuyền là hết sức mong manh. Điều này đồng nghĩa, nợ xấu không thể giải quyết một sớm một chiều. Ngay cả giải pháp thành lập công ty mua bán nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước, được coi là lối thoát khả dĩ nhất cũng cần cân nhắc hết sức thận trọng.

Theo phân tích của giới chuyên gia cũng như kinh nghiệm quốc tế, cần phải thỏa mãn một số nguyên tắc cơ bản sau: Nguyên tắc thị trường là người tạo ra nợ xấu phải trả giá để họ phải thận trọng hơn trong tương lai. Xử lý được các yêu cầu cấp thiết trong ngắn hạn của nền kinh tế. Đó là sự giải thể và phá sản của những doanh nghiệp vừa và nhỏ; tỷ lệ thất nghiệp gia tăng do các doanh nghiệp giải thể, đóng cửa. Chi tiêu giải cứu ngân hàng mà không nhận lại được gì, tức là dùng tiền thuế của người dân để mua nợ xấu của các ngân hàng là không đảm bảo nguyên tắc thị trường, hiệu quả, công bằng. 

Ý tưởng thành lập công ty mua bán nợ, theo ý kiến của phần lớn chuyên gia, nên cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo. Giá trị của các khoản nợ là sự “mặc cả” giữa công ty của Ngân hàng Nhà nước và chủ nợ thì sẽ không có gì đảm bảo giá trị các khoản nợ được xác định công tâm và chính xác. Giá mua cao quá thì công ty mua bán nợ sẽ chịu lỗ và ngân hàng có nợ xấu vẫn yên tâm và yên vị. Giá mua quá thấp thì chẳng có ý nghĩa giải cứu nợ xấu.