Cố công gìn giữ nét riêng

ANTĐ - “Đã có ý kiến rằng phải thành lập công ty quản lý và kinh doanh rối nước để giúp đưa hình thức nghệ thuật này đến với khán giả. Lại có ý kiến phải cải biên, biến tấu rối cổ cho phù hợp với đối tượng là khách nước ngoài vốn không hiểu nhiều về rối nước và văn hóa Việt. Rồi phải chèo hóa, hiện đại hóa sân khấu rối nước cổ tại đình làng để phù hợp với việc biểu diễn cho du khách... Tuy nhiên, sau nhiều năm thực tế, đến nay Phường rối nước Đào Thục vẫn kiên trì với sân khấu cổ, với nghệ thuật cổ“.

Làng rối Đào Thục giữ truyền thống là để phát triển

Làng nghề rối nước hồi phục mạnh mẽ 

Đào Thục, ngôi làng nhỏ thuộc xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội nằm gọn ghẽ giữa khúc quanh đê sông Cà Lồ uốn lượn. Làng được hình thành từ thời Hùng Vương là nơi hội tụ những nét đặc sắc và điển hình nhất của một làng quê Bắc bộ đất lề quê thói. Làng còn được biết đến và nổi tiếng nhờ biết giữ gìn những giá trị văn hóa cổ truyền của cha ông để lại, môn nghệ thuật dân gian Múa rối nước.

Rối nước Ðào Thục đã ngót 300 năm tuổi, có giai đoạn khá dài nghề rối nước bị quên lãng, tưởng đã thất truyền. Nhưng rồi, với sự cố gắng bảo tồn và phát triển của những người con Đào Thục, những giá trị và truyền thống quý giá của cha ông được hồi phục và ngày càng phát triển. Chuyện rằng: Ông tổ nghề múa rối nước là cụ Nguyễn Đăng Vinh. Cụ sinh trong một gia đình nhà nho, đỗ tiến sỹ, làm tới chức quan Nội giám, Đại Nguyên Soái. Vào triều đại Lê Ý Tông, đến cuối đời Lê Chiêu Thống, triều đình suy vong nên cụ bỏ việc quan về quê hương cùng vợ là bà Lê Thị Cảnh xây lại đình chùa, làng xóm, cung tiến cho làng hơn 4 mẫu ruộng và 500 quan tiền, đặt ra các ngôi lệ cho làng, đón thầy về dạy chữ, dạy võ, dạy nghề đóng cối, trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm, cấy lúa nước. Đặc biệt là dạy cho dân nghệ thuật múa rối nước - môn nghệ thuật mà người dân trong làng ưa thích nên mới tồn tại và lưu truyền mãi cho đến hôm nay. 

Nhiều làng quê Bắc bộ cũng có phường rối nước, mỗi làng rối lại có phong cách biểu diễn riêng. Tuy nhiên, phường rối Ðào Thục là phường rối có lịch sử lâu đời nhất, nghệ thuật biểu diễn rối Đào Thục sử dụng loại rối máy sào dây, con rối lắc đều và vung vẩy được cả hai tay, dễ dàng sang phải, sang trái, đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Các tích trò là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá... các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa... hay là diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh....

Quyết tâm gìn giữ vốn cổ

Gặp anh Nguyễn Văn Trách, phó trùm phường rối nước cổ Đào Thục sau một buổi diễn cho khách du lịch, được biết: Phường rối hiện có hơn 30 nghệ nhân, người nhiều tuổi nhất đã hơn 70, người trẻ nhất vẫn còn đang học phổ thông, trong đó có khoảng hơn 20 nghệ nhân là tham gia biểu diễn thường xuyên. 

Anh Trách chia sẻ: “Làng nghề hơn 300 năm tuổi, có những giai đoạn tưởng đã mất nghề nhất là mấy chục năm chiến tranh loạn lạc, phường rối cứ thành lập rồi lại giải tán, mãi đến năm 1984 mới được cụ trùm trưởng Tô Sanh thành lập lại và phát triển mạnh từ 1998 trở lại đây. 

Nói về chuyện tìm hướng đi cho phường rối, anh Nguyễn Văn Quảng, Trùm trưởng hiện nay của phường cho biết: “Mấy năm trước, khi bắt đầu có các công ty du lịch đưa khách về làng xem biểu diễn, chính là một cơ hội mới cho công tác bảo tồn và phát triển của phường. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức khiến cho nhiều lớp nghệ nhân trăn trở. Đã có ý kiến rằng phải thành lập công ty quản lý và kinh doanh rối nước để giúp đưa rối nước đến với khán giả. Lại có ý kiến phải cải biên, biến tấu rối cổ cho phù hợp với đối tượng là khách nước ngoài vốn không hiểu nhiều về rối nước và văn hóa Việt. Rồi phải chèo hóa, hiện đại hóa sân khấu rối nước cổ tại đình làng để phù hợp với việc biểu diễn cho du khách... Tuy nhiên, sau vài năm thực tế, đến nay phường rối nước Đào Thục vẫn kiên trì với sân khấu cổ, với nghệ thuật cổ của cha ông”. 

Giải thích cho định hướng này của phường rối. Anh Nguyễn Văn Trách cho biết: “Phường rối của làng đã từng được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Từ đó thấy rằng, khán giả trong nước và nước ngoài có những cái nhìn và nhu cầu khác nhau khi xem múa rối nước dân gian. Muốn tìm định hướng tốt cho sự bảo tồn và phát triển thì phường phải nhìn vào giá trị lịch sử, văn hóa của môn nghệ thuật dân gian này để xem xét. Thực tế cho thấy, du khách về Đào Thục xem múa rối tại sân khấu rối nước của làng vì họ muốn xem cái vốn cổ từ lịch sử, cái văn hóa cổ gắn với không gian thực của nó, không gian văn hóa cửa đình, nơi khai sinh và bảo tồn nó đến ngày nay nên họ mới cất công về làng để trực tiếp xem, trực tiếp cảm nhận bằng thực tế. Còn nếu như họ chỉ muốn xem những cái đã cải biên, đã biến tấu thì họ chỉ cần đến Nhà hát múa rối Thăng Long, ngay bên hồ Gươm cho đơn giản, không cần phải cất công về tận Đào Thục để làm gì cho tốn kém, xa xôi”. Cũng chính bởi những suy nghĩ và định hướng này mà hiện giờ phường rối Đào Thục vẫn giữ được những giá trị tiết mục cổ còn nguyên gốc, những lối diễn, những quân rối cổ riêng biệt chỉ có ở làng và truyền thống đó sẽ không bị mất đi.