Có con mới biết "bồ" nhiễm HIV

ANTĐ - Thật lạ lùng, khoảnh khắc sợ hãi ấy đi qua tôi rất nhanh, tựa hồ cơn gió thoảng. Một điều duy nhất hiện hữu trong đầu tôi: Tôi yêu anh và muốn lấy anh làm chồng, cho dù anh bị nhiễm HIV.

LTS: Nhìn người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, sở hữu làn da trắng muốt, đôi mắt tròn đen lấp láy trước mặt, nếu không phải đang vận bộ quần áo sọc đen trắng, có lẽ, không bao giờ tôi tin Nguyễn Thị Huyền Trang là một phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Xuân Nguyên. Đôi mắt to tròn, nhuộm màu nhung huyền ấy hợp với chân dung một cô gái trẻ, vô lo, vô nghĩ hơn là số phận một người đàn bà đa đoan. Bản thân Trang cũng thừa nhận, tuổi trẻ nông nổi, bồng bột của Trang đã phải trả giá bằng những năm tháng mất tự do nơi phía sau song sắt.

Thời gian thụ án là những tháng ngày lắng đọng, dạy Trang biết hối hận về một thời trẻ dại, biết suy tư về cuộc đời ngỡ như được trải sẵn hoa hồng. "Trang đã chín chắn hơn xưa rất nhiều" - bản thân Trang thừa nhận với tôi điều đó. Và trong một buổi chiều nhạt màu nắng, Trang đã có những phút giây trải lòng về quãng đời đã sống. Dù có thể đó là những trang kí ức chồng chéo nỗi buồn, còn niềm vui chỉ như hạt cát bé nhỏ, nhưng nó tuyệt nhiên không thể thay đổi, càng không thể xoá bỏ, và quan trọng hơn, mảng quá khứ ấy giúp Trang vỡ vạc, trưởng thành hơn rất nhiều trên bước đường đời.

Cuộc hôn nhân liều lĩnh chứa nhiều dự cảm phiền muộn

Con gái đất Mỏ nổi tiếng xinh đẹp, kiều diễm, điều ấy đúng với tôi. Tôi may mắn được sinh ra trên mảnh đất Hạ Long, Quảng Ninh trong một gia đình khá giả. Bố mẹ tôi là công nhân của nhà máy than Quảng Ninh, là con út, trên tôi có một chị gái và một anh trai. Là con gái, lại là con út, tôi được bố mẹ và anh chị yêu thương, chiều chuộng lắm. Thừa biết những "đặc quyền, đặc lợi" của con út, nhưng không phải vì đó mà tôi đâm ra chảnh choẹ, đanh đá. Trái lại, các cô dì, chú bác gần nhà luôn quý mến tôi bởi sự hiền lành, nhu mì, ngoan ngoãn, ăn nói lễ phép, dịu dàng. Đi học, tôi được bạn bè, thầy cô yêu mến lắm. Học lực cũng không phải nổi trội ở lớp, nhưng tôi luôn được thầy cô và bè bạn đánh giá là một cô gái thông minh, nhận thức nhanh.

 

Tốt nghiệp Trung học, tôi đeo đuổi giấc mơ trở thành nữ sinh báo chí của Phân viện Báo chí và tuyên truyền, nhưng năm đó, tôi thi thiếu nửa điểm vào khoa Phát thanh của trường. Rớt Đại học, tôi học tiếng Trung ngay tại Quảng Ninh và trong khoảng thời gian này, số phận đã đưa đẩy tôi gặp anh - chồng tôi sau này, cũng là người đàn ông ảnh hưởng và làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của tôi.

Anh tên Phương, là chủ tiệm cà phê gần nhà. Anh sinh ra trong một gia đình giàu có, thuộc đẳng cấp thượng lưu, quý tộc. Cha anh làm trong công ty than và giữ chức vụ quan trọng. Phương sinh năm 1979, ga lăng, hào hoa và có duyên ăn nói, chẳng vậy, trò chuyện cùng anh, sự dí dỏm, đáng yêu, có tài chọc cười người đối thoại khiến tâm hồn tôi ngập ngừng, xao xuyến. Trái tim thiếu nữ đang ở độ tuổi đẹp nhất, phơi phới, căng tràn nhựa sống chẳng mấy chốc ngả nghiêng trước chàng trai hào hoa, duyên chết người ấy.

Thật khó để có những lời biện minh cho những phút giây cuồng say lúc ấy. Yêu và chúng tôi "vượt rào" để có thể hiểu thấu nhau tới tận cùng. Khi tôi báo tin với Phương rằng tôi đang mang trong mình dòng máu của anh ấy, Phương ngần ngừ im lặng. Thái độ của anh khiến tôi hẫng hụt vô cùng. Ở cương vị một người đàn ông, khi người đàn bà của mình báo tin về một giọt máu đang phập phồng trong cơ thể, ắt hẳn anh ta phải sướng vui hạnh phúc, đằng này, nỗi lo lắng, ngập ngừng trong từng lời nói của anh làm tôi buồn rất nhiều. Tôi hỏi anh căn nguyên lạ lùng ấy, Phương chọn cho mình sự im lặng.

Cho tới khi mẹ của anh gọi tôi tới và nói chuyện riêng. Tôi vẫn nhớ, giọng bà bồi hồi, thổn thức: "Cháu có biết thằng Phương nhà bác bị nhiễm HIV không?". Trời ơi, những chữ cái "H-I-V" nhảy múa nhũng nhiễu trong đầu tôi. Tai tôi ù đặc đi. Bấy lâu nay tôi yêu một người bị nhiễm H, và quan trọng hơn, anh ấy không hề nói với tôi. Có vô vàn lý do cho sự che giấu ấy, có thể vì quá yêu tôi, vì sợ mất tôi, sợ tôi vì sợ hãi mà rời xa anh ấy... Nhưng dù vì bất cứ lý do gì, đáng lẽ Phương phải nói với tôi ngay từ đầu. Nhưng, thật lạ lùng, khoảnh khắc sợ hãi ấy đi qua tôi rất nhanh, tựa hồ cơn gió thoảng. Một điều duy nhất hiện hữu trong đầu tôi: Tôi yêu anh và muốn lấy anh làm chồng, cho dù anh bị nhiễm HIV.

Mẹ tôi đưa tôi tới trung tâm xét nghiệm. Khi cầm kết quả xét nghiệm máu, mẹ tôi bật khóc. Bà quá hạnh phúc bởi tôi vẫn hoàn toàn bình thường, chưa hề bị lây nhiễm từ Phương. Lúc ấy, tôi hoàn toàn có quyền lựa chọn con đường từ bỏ Phương, đẩy Phương ra khỏi cuộc đời mình, song muôn đời là vậy, trái tim mù loà của tôi đã trao trọn cho anh ấy. Tôi quyết định đến với anh trong sự ngỡ ngàng của gia đình tôi và bạn bè thân thiết.

Rõ ràng, tôi có hơn một sự lựa chọn và dĩ nhiên, có nhiều lựa chọn tốt hơn rất nhiều người đàn ông kia. Tôi có nhiều chàng trai có gia cảnh bề thế theo đuổi, nhưng Phương đã đánh cắp trái tim tôi. Về làm vợ anh là quyết định liều lĩnh, táo bạo nhất cuộc đời tôi. Và có thể, vì những biến cố sau này, tôi không phán xét đó là quyết định đúng hay sai, nhưng sống là biết chấp nhận, và tôi sẵn sàng đón nhận tất cả những biến cố trong cuộc sống mà cuộc hôn nhân kì lạ ấy mang lại.

Con chúng tôi chào đời. Đó là một bé trai kháu khinh và xinh đẹp. Tôi trở thành bà mẹ trẻ ở tuổi 19. Nhìn vào gia đình tôi, chỉ thấy đó là một ngôi nhà hoa hồng toàn hương thơm, màu sắc và ấm áp tình yêu. Khi con trai tôi tròn 2 tuổi, tôi và mẹ đưa cháu đi xét nghiệm máu. Có lẽ đó là một ngày không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi. Khoảnh khác bác sĩ đưa mẹ tôi tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm báo tin con trai tôi hoàn toàn khoẻ mạnh giống như những đứa trẻ khác, tôi và mẹ ôm nhau khóc nức nở. Niềm hạnh phúc, niềm sung sướng chẳng có bất cứ từ ngữ nào có thể diễn tả. Vầng mặt trời chiếu rọi cuộc đời tôi, hạt ngọc lung linh trong gia đình nhà chồng tôi chính là đứa trẻ tuyệt vời ấy.

Sau khi kết hôn, chúng tôi hào hứng với việc tô màu cho bức tranh cuộc sống vợ chồng, vượt qua cú sốc khi biết tin chồng là một con nghiện ma tuy cấp độ nặng và đã là nô lệ cho nó một thời gian dài, tôi hăm hở, ôm ấp mộng "cải biến" con người anh ấy. Việc đầu tiên trong "chiến lươc dài hơi" ấy là cai nghiện cho chồng. Anh tỏ ra vui vẻ nhất trí, hợp tác và biết nghe lời vợ.

Nhưng, tình yêu thương của tôi, sự kiên trì và nỗ lực của tôi thôi chưa đủ, anh vẫn dấm dúi hút chích sau lưng tôi, bỏ mặc tôi trong nỗi bất lực mệt mỏi, rệu rã không lối thoát. Anh là kẻ chiến bại trong cuộc chiến không gươm đao đó. Mâu thuẫn vợ chồng từ đó nảy sinh, chúng tôi thường cãi nhau và kết thúc những cuộc khẩu chiến ấy là hình ảnh anh lao vút xe ra khỏi nhà, biến mất trong màn đêm hun hút và chỉ trở về nhà ở giữa canh khuya hoặc vài ngày sau đó.

Cú trở mặt không thể cứu vớt của mối tình vội vã

Tôi đã hi vọng đứa con bé bỏng sẽ ghì chặt bàn chân anh ấy trong cánh cửa gia đình. Những tưởng có được vợ đẹp, con khôn sẽ giúp anh ấy thôi "đi hoang", nhưng anh như con ngựa bất kham mải mê chinh phục những vùng đất mới, tiếp tục mải mê chiếm lĩnh vùng đất non xanh, màu mỡ. Mầm mống đau khổ nảy nòi từ khi hai vợ chồng kết hôn được một thời gian ngắn, giữa chúng tôi liên tục bùng nổ sự mâu thuẫn, bất hoà.

Những nguyên nhân bé xíu, lặt vặt chồng nối, gối đầu lên nhau như những con sóng nhỏ, ngỡ rằng êm đềm, hiền hoà lắm, nào ngờ sóng thứ bảy trở nên bất kham và quẫy mình nổi giận. Thêm tính nết tôi hồi đó vẫn còn con trẻ, quen được chiều chuộng nên sinh ra đành hanh với chồng, nhiều lần lớn tiếng cãi chồng. Đó là một trong rất nhiều lý do đẩy vợ chồng tôi xa nhau.

Chuyện chồng tôi có người đàn bà khác nhiều lần xì xầm vào tai tôi. Ban đầu, tôi không tin đâu. Phần bởi tôi quá tự tin vào bản thân mình, tự tin vào tổ ấm tôi và anh cùng chung tay xây góp sau không ít sóng gió, cho tới khi lời ong tiếng ve liên tục dội vào tai. Không muốn trở thành một người đàn bà mù loà trong ảo ảnh của tình yêu, tôi nhờ một người bạn đèo đi "xác minh". Tôi chết lặng như Từ Hải giữa trận tiền khi tận mắt chứng kiến trong ngôi nhà trọ tồi tàn, anh và người đàn bà xen vào giữa gia đình tôi đang chung sống với nhau. Tôi thật không dám tin, một người đàn ông quen sống đủ đầy trong nhung lụa lại có thể chấp nhận sống tạm bợ trong ngôi nhà lụp sụp ấy cùng một người đàn bà không - có - gì - hơn - tôi. Lòng tôi ngập tràn một niềm uất hận.

Rời khỏi ngôi nhà ấy, trở về nhà, tôi thu dọn hành lý, đồ đạc và ôm con trở về nhà ngoại. Quả tình, lúc ấy tôi thực sự bơ vơ. Chợt nghĩ đời mình như con thuyền nhỏ lênh đênh giữa sóng nước, chới với chẳng biết đâu là bến bờ, như cánh hoa mỏng chao đảo trong cơn cuồng phong tố bão. Ôm con trong lòng, nhìn gương mặt thơ ngây, non nớt của con trai, lòng tôi buốt nhói, vỡ vụn toàn bộ niềm tin về thế giới xung quanh mình, và cũng chừng ấy niềm hận thù người đàn ông bội bạc, đổi thay lòng dạ.

Anh ấy đã tới tìm tôi rất nhiều lần, cầu xin sự tha thứ ở tội. Bình thường, tôi là người phụ nữ rất dễ mềm lòng, yếu đuối, nhưng không hiểu sao, trước anh, tôi hoàn toàn vô cảm. Tôi không muốn nghe bất cứ lời giải thích nào. Mọi lời anh nói tôi đều coi là dối trá. Tôi viết đơn ly hôn gửi tới anh, đề nghị anh kí vào đó để giải thoát cho cuộc đời nhau.

Anh dùng dằng mãi không đồng ý, cho tới sau 2 năm sống ly thân, khi cánh cửa hoà giải, hàn gắn hoàn toàn bị đóng sập trước mặt, anh buộc lòng phải kí vào đơn ly hôn và chúng tôi rẽ hai ngả đường khác nhau, không thể chăm sóc, quan tâm tới nhau như những lời hẹn ước ngày trước, mà chỉ có thể nhìn ngầm, ngưỡng vọng cuộc đời của nhau một cách âm thầm mà thôi.

Sau cuộc ly hôn nặng nề đó, tôi lao vào chơi bời, đàn đùm bạn bè hòng quên đi nỗi muộn phiền, buồn bã. Ban ngày ở nhà ôm ấp con, ban đêm tôi lên sàn cắn lắc, nhảy nhót điên cuồng cùng đám bạn ham chơi. Tôi chẳng lo nghĩ bất cứ điều gì cho tương lai. Thương tôi hôn nhân lận đận, bố mẹ và anh chị không bắt tôi lao động, tự lập. Tôi được chu cấp đầy đủ từ gia đình để không phải mó tay, động chân tới bất cứ việc gì. Cuộc đời tôi nối dài những chuỗi ủ ê, nhàm chàm với căn phòng thênh thang ở nhà bố mẹ đẻ, ánh đèn nhấp nháy, tiếng nhạc chát chúa nới vũ trường nhộn nhạo, ồn ã.

Để tạm quên đi nỗi buồn trong cuộc sống riêng, ngày 10/8/2008, tôi gọi điện rủ đám bạn lên tiêu khiển. Trong đám bạn chơi, tôi gọi điện cho Quỳnh và Cương, đề nghị chúng gọi thêm hội cho xôm tụ. Để đạt đến cảm giác "phê", có thể thăng hoa đến biên độ cao nhất, tôi chủ động mua một ít ma tuy tổng hợp cho đám bạn. Thứ chất bột ấy thật kì diệu, nó có khả năng đẩy lùi cảm giác buồn chán, ủ ê của tôi và đưa tôi tới một vùng đất mới - nơi chỉ có ngọt ngào, sung sướng ngự trị. Sau khi tàn cuộc ở sàn, tôi lại rủ đám bạn tìm một "bãi đáp" khác, và trong khi chúng tôi đang điên cuồng nhảy nhót tại nhà nghỉ, công an ập vào và cả lũ bị giải lên phường.

Lúc ấy, tôi không hề cảm thấy sợ hãi. Có chăng chỉ là cảm giác hẫng hụt khi cuộc vui bị gián đoạn. Các anh lấy lời khai của tôi, chẳng có gì phải giấu giếm, tôi khai báo thành khẩn, ngoan ngoãn, chờ đợi được thả về ngay lập tức sau khi xử phạt hành chính. Nhưng, mọi chuyện không đơn giản như tôi nghĩ. Tôi bị kết tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và bị tạm giữ để tiến hành điều tra tiếp. Lúc ấy, tiếng nhạc còn vương sót lại mới chịu rũ bỏ khỏi con người tôi. Tôi choàng tỉnh khi tiếng khóa cửa lách cách ở cánh cửa buồng giam. Một mình trong căn phòng nhỏ, tôi co rúm người như lá cây xấu hổ chạm phải tay người lạ. Lúc đó, tôi mới hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tôi bật khóc vì sợ hãi và cả đêm ấy, tôi không chợp mắt được chút nào cả.

Cuối cùng, tôi bị kết án 7 năm tù giam cho hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, Quỳnh và Cương - hai người bạn, hai kẻ "đồng loã" của tôi - bị xử phạt đứa 7 năm, đứa 8 năm cùng với tội danh như trên. Nghe toà tuyên án, một màu đen nặng nề phủ kín bầu trời của tôi. Tôi sợ hãi khóc không nên tiếng trong tiếng thở dài sầu thảm của bố và tiếng khóc nỉ non của mẹ phía sau lưng.

Khoảng thời gian tôi ở Trại tạm giam của Công an tỉnh Quảng Ninh, gia đình tôi lên thăm và báo tin Phương - chồng cũ của tôi - đi bước nữa. Anh và người đàn bà nhân tình ngày xưa trở thành vợ chồng. Dù là người chủ động đề nghị ly hôn, nhưng không hiểu sao khi nghe tin anh lấy vợ, cảm xúc ngậm ngùi, man mác dâng ngập lòng tôi. Rút cuộc, anh cũng tìm được một bến bờ bình yên mới, tìm được một hạnh phúc mới không lâu sau khi chia tay với tôi. Tôi tặc lưỡi nhủ lòng đó là trò đùa của số phận, tôi tự nhủ mình đã bước chân vào thì phải chấp nhận luật chơi, dù biết, có thể bản thân sẽ phải chịu không ít thương tổn và đau đớn.

 

Ngày 6/5/2009, tôi được chuyển lên Trại Xuân Nguyên (Hải Phòng) cải tạo. Không lâu sau đó, vợ chồng Phương có tới thăm tôi. Tôi đã thú nhận với anh ấy rằng tôi đã tự nhủ lòng sẽ không nuối tiếc, không tủi thân khi chứng kiến anh ấy có được hạnh phúc. Nhưng, đó chỉ là lớp vỏ bề ngoài tôi tự tạo cho mình. Làm sao tôi có thể không tủi thân, không chạnh lòng khi ở thế giới bên kia - nơi chỉ cách tôi một tấm kính trắng ở phòng thăm gặp, là một cuộc đời tự do phơi phới, là anh và chị ấy sánh bước bên nhau tràn trề hạnh phúc và hừng hực lửa tình? Tôi hỏi anh ấy, tại sao ngày xưa khi sống cùng tôi và con, anh không chín chắn, chỉn chu như bây giờ -cai nghiện thành công, hai vợ chồng mở tiện salon tóc ăn nên làm ra? Anh bảo với tôi một câu, có lẽ khiến tôi nhớ suốt đời: "Sông có khúc, người có lúc" em ạ.

Ngày xưa cả anh và em đều nông nổi, bồng bột, hiếu thắng, chúng ta cậy có trong tay tuổi trẻ, tự cho phép mình cái quyền được sai lầm, được đứng trên người khác để ngạo nghễ. Tự chúng ta đánh mất, vứt bỏ cơ hội được hạnh phúc của chính mình". Cả tôi và anh ấy đều nhận ra điều ấy khi đã quá muộn, anh mang trong mình bệnh tật không thể cứu chữa, còn tôi phải trả giá cho sai lầm của mình bằng quãng đời thanh xuân nơi phía sau song sắt.

"Cay đắng sẽ qua và ngọt bùi sẽ đến"

Những ngày mới nhập trại, tôi ngỡ rằng đó là những ngày tháng dài nhất cuộc đời mình. Đêm nào tôi cũng khóc, tự dằn vặt lương tâm: đáng lẽ giờ này tôi đang được ở bên cạnh con trai, nâng giấc ngủ cho con, ôm con vào lòng vỗ về, đón con về sau mỗi chiều tan học, bón cho con thìa cơm ăn dặm. Đáng lẽ ngần này tuổi đầu, tôi phải chăm lo, phụng dưỡng, đền đáp công ơn cha mẹ, thay bằng việc hàng tháng họ lặn lội vào trại thăm nuôi đứa con gái tội lỗi... Bao nhiêu cái "đáng lẽ" mạch lạc như những véc-tơ toán học đâm vào trái tim tôi buốt nhói. Sự hối hận không sao tả xiết.

Điều khiến tôi cảm thấy được an ủi nhiều nhất là dù không còn là con dâu của bố mẹ chồng trên giấy tờ, luật pháp, nhưng bố mẹ vẫn thương và lo lắng cho tôi. Không lên thăm tôi được, nhưng bố mẹ luôn hỏi thăm tôi qua bố mẹ đẻ, thậm chí ông bà còn gửi quà, gửi tiền lưu kí nuôi tôi trong tù. Đó là niềm an ủi, là sự khích lệ rất có ý nghĩa với tôi, giúp tôi có thêm niềm tin phục thiện. Có thời điểm sau ly hôn, gia đình nhà tôi và gia đình nhà chồng không nhìn mặt nhau. Mối bất hoà sâu sắc cực đỉnh chỉ vì bên nào cũng muốn nhận nuôi đứa trẻ. Nhưng, mâu thuẫn được giải quyết và điều tuyệt vời nhất là hiện tại, dù không còn là thông gia, nhưng họ vẫn coi nhau là bằng hữu.

Con trai tôi là một đứa trẻ rất đặc biệt. Chẳng biết có phải sợi dây rung cảm của một người mẹ luôn dành sự ưu ái cho giọt máu của mình hay không, nhưng quả tình đứa bé thực sự rất thông minh và ngoan ngoãn. Hồi tôi còn ở trại tạm giam, mẹ chồng dẫn con lên thăm tôi. Đứa nhỏ hồn nhiên hỏi bà nội: "Nội ơi, mẹ con làm gì ở trong đó mà có cả ông công an nữa?". Câu hỏi của đứa trẻ lên 3 làm tôi và mẹ chồng bối rối, đôi mắt ầng ậng nước không biết phải đáp lại lời con ra sao.

Chính tôi đã đề nghị người nhà không dẫn cháu lên thăm mẹ. Tôi chôn chặt nỗi nhớ con trong lòng còn hơn để con chứng kiến cảnh mẹ lầm lụi sau song sắt. Thời gian thấm thoát thoi đưa, giờ cháu đã 7 tuổi, thi thoảng điện về cho con, tôi được nghe giọng con líu ríu qua điện thoại khoe những điểm 9, điểm 10 đạt được ở trường, và không lần nào cháu quên hỏi mẹ một câu duy nhất: "Khi nào mẹ Trang về với con?". Tôi chỉ biết nựng con chăm ngoan, học giỏi, mẹ sắp trở về rồi, nhưng cái "sắp về" ấy sẽ là nhiều đêm trắng, nhiều canh thâu trong đời nữa.

Khi có cuộc thi Sự hối hận và niềm tin hướng thiện dành cho những phạm nhân như tôi, không hiểu điều gì thôi thúc, tôi đã cầm bút và kể về quãng đời của mình, về những năm tháng lầm lạc, bán rẻ tương lai trước đây. 2 tháng ròng rã, dồn nén biết bao cảm xúc, tôi lắng lòng nhâm nhi, chiêm nghiệm, nhìn nhận lại quá khứ. Những khóc cười về đoạn đường đã đi qua tựa hồ như con thuyền nhỏ xuôi chèo qua từng khúc sông sâu chảy trôi trong kí ức.

Một sự thức tỉnh, hồi sinh chảy trong huyết quản tôi, thật khó để diễn tả thành lời, nhưng tôi cảm nhận được nó rõ ràng và rành mạch. Tôi đã sai lầm, đã phải trả giá, nhưng tôi khao khát được làm lại, được sống tiếp phần đời dang dở phía trước. . Tôi muốn trọn thiên chức làm mẹ với đứa con trai vốn chịu nhiều thiệt thòi của tôi, muốn đền đáp lòng bao dung, vị tha, luôn mở rộng vòng tay đón nhận tôi trở về từ nơi cùng đường tuyệt lộ của bố mẹ. Và, tôi muốn chuộc lại lỗi lầm với tuổi thanh xuân của mình bằng những năm tháng sống có ích, ý nghĩa sau này.

Trải qua không ít sóng gió của cuộc đời, cô gái sinh năm 1986 từng vứt bỏ tuổi trẻ, từng sống buông thả, không mục đích, không tương lai - là tôi đã hiểu đâu mới là bến bờ bình yên thực sự của mình, và trong hoàn cảnh khó khăn tột cùng, tôi dạy cho mình lối sống lạc quan, không ngừng hi vọng vào tương lai giống như một câu hát vẳng xa từ miền biên viễn nào đó vọng về: "Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng...".

Thanh âm cuối

Bài dự thi mang tên: "Cay đắng sẽ qua và ngọt bùi sẽ đến" của Nguyễn Thị Huyền Trang đạt giải khuyến khích trong cuộc thi sự hối hận và niềm tin hướng thiện do Tổng cục VIII, Bộ Công an phát động. Đó không đơn giản là sự khích lệ tinh thần của người đàn bà đẹp này, mà hơn hết, nó còn là món quà, ghi nhận sự cố gắng của cô, là lời nhắn nhủ của xã hội dành cho những người từng lầm lạc như Trang:

Cuộc đời luôn đón nhận mầm thiện hồi sinh trong những tâm hồn từng sa ngã. Trang còn trẻ lắm, và cô còn vô vàn cơ hội để giảng hoà và gắn bó với cuộc đời dài rộng này. Chừng nào Trang còn cố gắng ươm mầm thiện trong tâm hồn, ắt hẳn nơi ấy rực rỡ nắng mai sưởi ấm tâm hồn những người như Trang, như hàng vạn những con người - từng - sai - lầm khác.

Ghi theo lời kể nhân vật Nguyễn Thị Huyền Trang, phạm nhân Trại giam Xuân Nguyên