Cơ cấu ngành nghề đào tạo đang thay đổi

ANTĐ - Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu hay dư thừa nguồn nhân lực ở một số ngành đào tạo đang diễn ra trong khối các trường ĐH, CĐ khiến các trường bắt buộc phải có những thay đổi về cơ cấu ngành nghề.

- Việc các trường đổ xô mở các ngành “hot” đang dẫn đến tình trạng nơi dư thừa, nơi thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực. Bộ có giải pháp gì để khắc phục thực trạng này?

- Việc giao chỉ tiêu cho các trường hiện nay là do các trường tự xác định. Bộ chỉ quản lý chỉ tiêu tổng hợp còn việc phân chỉ tiêu cho từng ngành tùy theo thị trường lao động và các hiệu trưởng phân bố cho phù hợp.  Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch nguồn nhân lực đến 2020, đây là tài liệu căn bản để cho các trường, các cơ sở giáo dục và bộ dựa vào đó để định hướng  đào tạo các ngành nghề cho phù hợp. Bộ đang tiến hành  điều chỉnh lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ  cho đến năm 2020 cho phù hợp với quy hoạch nhân lực và điều phối mở ngành. Bộ cũng khuyến cáo các trường về những ngành nhân lực đang dư thừa, khuyến khích mở những ngành xã hội đang cần.

- Hiện Bộ GD-ĐT chưa có trung tâm dự báo thị trường nhân lực, vậy Bộ căn cứ vào đâu để định hướng các trường?

- Như tôi đã nói, Quy hoạch phát triển nhân lực đã được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 10-2012 và dự báo đến năm 2020. Đây là số liệu tổng thể của từng ngành, từng địa phương, từ đó sẽ có bức tranh tổng thể để các trường đào tạo trên cơ sở đó. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương cũng có trung tâm dự báo nhân lực. Như thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm này hoạt động rất tốt. Đây là những căn cứ thực tế cần thiết cho các trường điều chỉnh cơ cấu đào tạo ngành nghề của mình.

- Căng thẳng nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 là việc các trường ngoài công lập không tuyển sinh được. Bộ sẽ giải quyết ra sao?

- Khó khăn vừa rồi không chỉ  các trường ngoài công lập mà ngay cả các trường công lập cũng rất khó  khăn như ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Đây là tình trạng chung, do kinh tế khó khăn, cán bộ quản lý kinh tế cũng đã bão hòa. Vấn đề này, Bộ đã cảnh báo 2 năm do lượng đào tạo gấp đôi nhu cầu thực tế. Đa số các trường  khó khăn năm nay là các đơn vị tuyển sinh đơn ngành như kinh tế quản lý, còn những trường đa ngành thì vẫn tuyển bình thường. Khó khăn năm nay cũng là để các trường có thể nhìn lại chiến lược phát triển của mình. Năm nay, theo báo cáo của các đơn vị thì cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi, nhiều trường đã nghiêng hẳn về khoa học công nghệ, kỹ thuật, giảm bớt kinh tế. Hy vọng năm nay, cơ cấu nhân lực có nhiều thay đổi theo đúng nhu cầu của xã hội. Sự điều chỉnh này mang tính tích cực. Năm nay Bộ giao quyền tự chủ rất cao cho các trường, do đó công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường các khâu liên kết  đào tạo, mở ngành, chất lượng đào tạo. Tất cả những trường không thực hiện đúng quy định sẽ được chấn chỉnh xử lý kịp thời.