Cô bé khiếm thị "ngắm nhìn" cuộc sống qua âm nhạc ​

ANTD.VN -Cô bé Nguyễn An Như (SN 2003) luôn thấy mình bay bổng giữa những thanh âm trong trẻo của đàn tranh, thấy mình có thể cảm nhận các sắc màu của cuộc sống qua âm nhạc.

Duyên “gặp gỡ”...

Mẹ của An Như, cô Nhữ Thị Tuyết Anh (Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) nhớ lại: “Đầu năm 2003, tôi sinh bé đầu lòng, niềm hạnh phúc của gia đình là con trắng trẻo, bụ bẫm như bao đứa trẻ khác. Đến hồi 11 tháng tuổi, tôi gửi con tại một nhà trẻ tư, đón về thấy con có nhiều biểu hiện lạ, đưa con đi khám, phát hiện máu tụ ở não. Trải qua nhiều cuộc đại phẫu và điều trị, cuối cùng chúng tôi cũng giữ được mệnh của con...”

Tai nạn đó đã cướp đi của An Như những gam màu, đường nét về cuộc sống qua đôi mắt.

Tuy nhiên, An Như lại có đôi tai khá nhạy cảm và dường như cô bé có thể trò chuyện với thế giới xung quanh bằng âm nhạc. Khi nghe những đĩa nhạc của mẹ, cô bé yêu thích và xin mẹ cho đi học.

An Như  là cô bé tự lập, muốn học cách tự làm mọi việc.

Mẹ An Như chia sẻ: “Thật may mắn, con đã có âm nhạc bầu bạn và kể cho con nghe về thế giới, nên gia đình cũng cố gắng ủng hộ cho con thỏa đam mê, để con đỡ mặc cảm. Một phần nhờ âm nhạc, con cũng học được cách sống tự lập hơn cho bản thân từ rất sớm”.

Tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm, 3 tuổi đã bắt đầu học piano, nhưng An Như thực sự “nặng lòng” với đàn tranh hơn cả. Như yêu những thanh âm trong trẻo với những điệu nhạc vẽ lên một không gian vui tươi, trong sáng. Như chia sẻ thần tượng của mình là nghệ sỹ đàn tranh Võ Vân Ánh.

Năm 2016, nghệ nhân, nhạc sư đàn tranh Nguyễn Vĩnh Bảo (SN 1918) đã tặng cho Như một món quà tuyệt vời. Đó là một chiếc đàn tranh, một món quà tạo động lực cho Như càng thêm yêu và gắn bó với đàn tranh hơn nữa.

  Trong một chuyến đi biểu diễn ở miền Nam, An Như may mắn được nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (SN 1918) tặng một chiếc đàn tranh.

Hành trình đến với cuộc sống sắc màu bay bổng

Hiện nay, An Như đang vừa là cô học sinh lớp 8A1 trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, vừa là học viên hệ trung cấp 3/6 khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cô Phạm Hồng Hạnh, giáo viên đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, là người luôn ân cần bên cạnh An Như với những bản nhạc từ những ngày đầu học vào Học viện. Cô Hạnh chia sẻ: “Cô trò không thể trao đổi với nhau qua những trang nhạc phổ trên giấy, mà thường dùng máy ghi âm thu lại bản nhạc do cô gảy làm mẫu, Như nghe, nhớ nốt nhạc rồi tập luyện theo. An Như sáng dạ nên học cũng nhanh”.

    Buổi “trả bài” của An Như với cô Hồng Hạnh, giáo viên đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

An Như luôn đạt kết quả xuất sắc tại Học viện trong suốt hơn hai năm học qua. Các thầy cô bộ môn đàn tranh, sáo trúc cũng dành nhiều lời nhận xét tốt trước khả năng lắng nghe và học tập của cô học trò.

Năm 2016, Như đã vinh dự được nhận học bổng Vallet, do Tổ chức khoa học và giáo dục “Gặp gỡ Việt Nam” trao tặng. Đó là minh chứng cho sự nỗ lực học tập của cô học trò khiếm thị, cũng là động lực để luyện rèn nhiều hơn.

Cô Nguyễn Quỳnh Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Phải sẻ chia quỹ thời gian để học tập, thi cử giữa hai trường học văn hóa và năng khiếu, An Như vẫn nỗ lực để hoàn thành tốt chương trình. Trên lớp, Như luôn là một cô học trò ngoan ngoãn, một cô bạn hòa đồng và hay quan tâm người khác”.

Ngoài âm nhạc, Như yêu thích môn Ngữ Văn hơn cả, cô giáo chủ nhiệm cũng cho biết Như học Văn tốt hơn các môn khác. Văn học mang đến cho cô bé những mảng màu sắc cảm xúc trong cuộc sống. Mối liên kết giữa âm nhạc và văn học ít nhiều tác động tới cảm nhận của cô bé. Đã có không ít thi liệu được phổ nhạc trong nền âm nhạc cổ truyền. Hoặc tiếng đàn tranh mà An Như say mê từ lâu cũng là nguồn cảm hứng dồi dào cho các bậc thi nhân mặc khách. Bạch Cư Dị viết “Đàn tranh trong đêm”, Lí Đoan viết “Nghe đàn Tranh”, Tô Thức viết “Đàn tranh ở chùa Cam Lộ”.

    Một buổi tập nhạc cụ truyền thống của dàn nhạc dân tộc trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu với nhạc sỹ Nguyễn Luận.

Bên cạnh việc tập piano tại nhà, học đàn tranh và sáo trúc ở trường, hiện nay An Như còn được tham gia sinh hoạt ca trù cùng Giáo phường Ca trù Thăng Long với ca nương Phạm Thị Huệ.

   Yến Anh (bên phải), cô bạn thân mắt sáng của An Như luôn chia sẻ những câu chuyện thú vị.

Như luôn giữ nụ cười tươi trên gương mặt: “Em chưa bao giờ thấy buồn để phải băn khoăn những câu hỏi như: ‘Ôi, sao mắt mình lại bị như thế này?’ hay ‘Mắt mình mà sáng lại thì sẽ thế nào?’... Em thấy mình may mắn vì được lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, được hòa nhập với bạn bè ở trường và được bầu bạn với âm nhạc”.

An Như tham gia Dàn nhạc dân tộc trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, nhưng do lịch học cùng lúc hai trường và sinh hoạt ca trù khá bận rộn, Như chỉ tham gia tập cùng các bạn vào những dịp chuẩn bị biểu diễn.

Trần Trung Hiếu (học sinh lớp 9A1), người bạn cùng chơi trong dàn nhạc dân tộc với Như chia sẻ: “An Như thực sự là một cô bé rất giỏi và hòa đồng. Em ấy vừa học tốt trên lớp vừa chơi tốt nhiều nhạc cụ, lại ngoan ngoãn nên ai cũng quý”.

Hòa đồng, dễ mến, An Như không chỉ chơi thân với các bạn cùng lớp mà còn dành được nhiều tình cảm của các bạn khác lớp. Lê Nguyễn Yến Anh (học sinh lớp 9A1), là cô bạn thân mắt sáng của An Như cũng cho biết: “Mình rất ngưỡng mộ An Như, một cô bạn nhỏ tuổi hơn mình, lại không may mắn được nhìn thấy thế giới có màu sắc thực như thế nào, nhưng vẫn luôn phấn đấu, luôn học hỏi và rèn luyện vì đam mê, vì mơ ước của bản thân”.

   An Như (ở giữa) sinh hoạt trong Giáo phường Ca trù Thăng Long vào mỗi tối thứ 5 hàng tuần, tại 28 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Khi được hỏi về ước mơ, An Như trở nên rất hào hứng: “Ước mơ của em là trở thành một giáo viên dạy âm nhạc cho những bạn khiếm thị khác, giống như các thầy cô đang mang những nốt nhạc tặng cho em từng ngày”.

   Ngoài việc học đàn piano, An Như cũng học thanh nhạc. Không nhìn thấy bài hát, cô bé nhờ thầy đọc lời bài hát để chép lại bằng chữ nổi và học thuộc.

Cô bé có nhiều dự định, muốn được học thêm trống, đàn tỳ bà, đàn tơ rưng, đàn tam thập lục. Cùng với đó, Như cũng muốn trau dồi khả năng ngoại ngữ, tiếng Anh, tiếng Nhật và muốn được ra nước ngoài biểu diễn.

Tin cùng chuyên mục