CIEM: Điều kiện kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương vẫn tập trung vào kho bãi, bể chứa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngày 16-11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã công bố báo cáo: Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương và đề xuất, kiến nghị.
Điều kiện kinh doanh xăng dầu vẫn tập trung vào yêu cầu kho bãi chứa

Điều kiện kinh doanh xăng dầu vẫn tập trung vào yêu cầu kho bãi chứa

Báo cáo “Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương và đề xuất, kiến nghị” rà soát, đánh giá và phân tích một số ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công thương, bao gồm:Kinh doanh xăng dầu; Kinh doanh khí; Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; Xuất khẩu gạo; Hoạt động thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng CIEM cho biết, đây là những lĩnh vực không mới nhưng tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Điển hình như lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, luôn nhận được sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp; trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam những năm qua luôn đạt thứ hạng rất cao trên thế giới, còn thương mại điện tử đang được đánh giá là lĩnh vực rất tiềm năng của Việt Nam, là nền tảng quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nói về kết quả báo cáo, ông Nguyễn Anh Dương- Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho hay, không ít điều kiện kinh doanh hiện hành đã có sự phù hợp và bảo đảm nhất quán, các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được nêu nhất quán giữa các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, không tập trung vào một lĩnh vực cụ thể của kinh doanh xăng dầu.

Các điều kiện kinh doanh liên quan đến lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý hiện vẫn tập trung vào các yêu cầu về cơ sở vật chất như: kho, cầu cảng, bể chứa… Ví dụ phổ biến là yêu cầu cụ thể về kho, cầu cảng đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xuất khẩu gạo.

“Các điều kiện kinh doanh này có vẻ như giúp sàng lọc các doanh nghiệp có năng lực. Tuy nhiên, việc có kho chứa đủ lớn có thể khác biệt so với dự trữ thực tế của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc yêu cầu cụ thể về các cơ sở vật chất có thể làm tăng thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”- ông Nguyễn Anh Dương nói.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất, Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát, nhận diện những bất cập những điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương. Từ đó, cần tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.