Chuyện xây dựng dinh thự Phủ Toàn quyền Đông Dương thế kỷ trước, nay là Phủ Chủ tịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị Đông Dương, để phô diễn quyền lực, chính phủ Pháp đã xây dựng 3 dinh toàn quyền ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt. Vì khi ấy chính quyền thực dân coi Hà Nội là Thủ đô của Liên bang Đông Dương (1902-1945) nên dinh toàn quyền Đông Dương tại Hà Nội lớn nhất và cũng sang trọng nhất.
Phủ Chủ tịch (trước kia là Dinh toàn quyền Đông Dương)

Phủ Chủ tịch (trước kia là Dinh toàn quyền Đông Dương)

Bước chuẩn bị

Với mưu đồ chiếm đóng lâu dài, năm 1887 thực dân Pháp lập Chính phủ Đông Dương, bổ nhiệm Constant là Toàn quyền đầu tiên. Ban đầu chính quyền thực dân dự định xây dinh toàn quyền trên một khu đất lớn ở phố Ngô Quyền, nhưng vì thấy rằng khu đất này không đủ rộng để phô diễn kiến trúc và thể hiện quyền lực nên đã trì hoãn.

Khi công việc phá dỡ tường thành Hà Nội hoàn tất năm 1897, quỹ đất rất dồi dào nên chính quyền thực dân quyết định lấy một phần ở phía Tây Bắc thành và một phần đất của Vườn thực vật (nay là Bách Thảo) để xây dinh. Công việc quy hoạch được giao cho kiến trúc sư người Pháp gốc Nga là Vladimir de Gontcharoff, ông này quyết định tổng diện tích của dinh là 12.000m2.

Trên diện tích đó sẽ xây một tòa nhà chính, các dãy nhà phụ, còn lại là vườn hoa và trồng cây, phía trước sẽ là một quảng trường rộng. Vẽ phối cảnh và thiết kế ban đầu giao cho kiến trúc sư Henry Vildieu và những bản thiết kế hoàn thành vào năm 1899. Dù viên toàn quyền chỉ ở Hà Nội vài tháng trong một năm khi đón khách quan trọng, họp Hội đồng tối cao Đông Dương và chủ trì lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp, nhưng vì dinh là bộ mặt, là nơi thể hiện quyền lực của nước Pháp nên Henry Vidieu vẽ rất hoành tráng.

Theo thiết kế, tòa nhà chính cao 4 tầng gồm tầng hầm, tầng trệt và 2 tầng gác. Tầng hầm có 11 phòng với các chức năng: Kho lương thực, thực phẩm, rượu; khu bếp, khu dành cho nhân viên phục vụ, trong đó có bàn giấy và phòng lưu trữ công văn. Tầng trệt có 6 phòng chính gồm: Phòng khánh tiết lớn, phòng ăn lớn, 3 phòng làm việc và thư viện. Tầng 1 gồm 10 phòng chính trong đó có: 1 phòng khách, 1 phòng ăn, 3 phòng ngủ, phòng làm việc của toàn quyền, 1 phòng họp của Hội đồng tối cao Đông Dương, 1 phòng chơi bi-a, 1 phòng của sỹ quan tùy tùng, 2 phòng làm việc và 1 phòng của nhân viên phục vụ. Tầng 2 gồm 9 phòng chính với 2 phòng khách, 2 phòng ngủ lớn, 5 phòng ngủ nhỏ và có sân trời.

Phòng tiếp tân chính của Phủ Toàn quyền

Phòng tiếp tân chính của Phủ Toàn quyền

Tiêu chuẩn khắt khe, nội thất cầu kỳ

Bảng tiêu chuẩn vật liệu xây dựng công trình do kiến trúc sư Lichtenfelder lập để đấu thầu gồm những vật liệu tốt nhất. Gạch là gạch của nhà máy gạch Hà Nội và Đáp Cầu (Bắc Ninh). Đá xây móng phải là đá ở vùng Đông Triều (Quảng Ninh) và Kẻ Sở (Hà Nam). Đá cầu thang ngoài trời phải là đá hoa cương trắng Thanh Hóa. Đá mảnh nhỏ dùng để ghép là đá Biên Hòa. Gỗ làm cầu thang, cửa ra vào là gỗ lim, gụ Thanh Hóa, Nghệ An. Gỗ lát sàn là lãnh sam (họ của gỗ thông) nhập khẩu từ Mỹ và Na Uy. Xi măng sản xuất ở Pháp, sắt thép, kính, tôn... đều phải là của Pháp.

Lichtenfelder cũng đưa ra những yêu cầu rất khắt khe, chi tiết, với gỗ phải thẳng thớ, không có mắt, không có mấu và phải đảm bảo khô, không co ngót. Từng viên gạch phải nung đủ chín, vuông vắn, xi măng chở từ Pháp sang phải đóng trong thùng kín. Với vôi, nhà thầu vận chuyển đến công trình và tỷ lệ vôi chưa chín phải dưới 10%, nhưng sau khi được các kỹ sư chấp thuận mới được tôi. Trong quá trình thi công thì cát phải rửa sạch không lẫn tạp chất. Đá trộn bê tông cũng phải được rửa sạch, kỹ sư giám sát chấp thuận mới được trộn.

Tòa nhà chính được khởi công từ năm 1903 và hoàn thành năm 1905. Trong quá trình thi công, kiến trúc sư Lichtenfelder cũng thiết kế chi tiết nội thất các phòng và lập các bảng tiêu chuẩn để đấu thầu. Phong cách trang trí của dinh thự rất cầu kỳ và tỷ mỉ. Phòng khánh tiết được thiết kế theo phong cách vua Louis XIV, đường kẻ chỉ hình hoa hồng, mũ cột hình tam giác theo kiểu co-ranh-tơ (Hy Lạp).

Bàn họp, ghế ngồi sơn men trắng có đường chỉ mạ vàng. Đèn chùm pha lê theo phong cách thời đế chế, đèn vách 5 bóng theo phong cách Phục hưng. Đèn chùm 32 bóng, đèn vách, đèn chùm 3 bóng theo phong cách Louis XIV. Đèn chùm 5 bóng có quạt trần theo phong cách hiện đại. Phòng ăn lớn theo phong cách Phục hưng.

Phòng riêng của toàn quyền theo phong cách đại đế Pháp. Đá ốp lò sưởi ở phòng khánh tiết phải là đá hoa cương màu. Bếp là bản thiết kế do hãng Ateliers Briffaut Pháp cung cấp với bệ rửa bát hoàn toàn bằng bạc và bản thiết kế này đã giành được giải Vàng tại Triển lãm kiến trúc quốc tế năm 1900.

Hành lang của Phủ Toàn quyền

Hành lang của Phủ Toàn quyền

Những biến cố đáng nhớ

Ngày 12-11-1900, Phủ toàn quyền tổ chức đấu thầu xây dựng, trúng thầu là nhà thầu Leyret, sau khi biết tin Leyret quá hân hoan khiến huyết áp tăng vọt. Sự cố này khiến quan toàn quyền phải ra quyết định đấu thầu lại vào ngày 31-12-1900 và trúng thầu là nhà thầu khoán Labeye.

Trong quá trình xây dựng còn có một sự cố khác xảy ra. Trúng thầu cung cấp đồ nội thất phòng khánh tiết là hãng Viterbo, tuy nhiên khi giao hàng thì ghế ngồi dành cho các thành viên Hội đồng tối cao phải sơn màu men trắng và nẹp chỉ vàng, trong khi công ty này lại mạ đồng, sai với cam kết. Một sự cố khác là Công ty Vien-Cheong-Nguyen trúng thầu làm cửa và hàng rào của dinh cũng trục trặc.

Vì không có kẽm, công ty này đề xuất lên Lichtenfelder cho thay bằng gang và được Lichtenfelder chấp thuận. Nhưng khi quyết toán thì Phủ Toàn quyền lại từ chối khoản tiền phát sinh do thay đổi nguyên liệu. Thương thảo không thành nên Công ty Vien-Cheong-Nguyen buộc phải đưa vụ việc ra Tòa trọng tài Trung-Bắc Kỳ. Tòa đã ra phán quyết Phủ Toàn quyền phải thanh toán khoản tiền phát sinh đó và phủ toàn quyền phải chấp hành.

Từ năm 1914 đến 1944, dinh sửa chữa 20 lần không kể quét vôi và sơn cửa. Phòng riêng của toàn quyền cũng nhiều lần được tu bổ và sửa chữa theo ý thích. Đầu năm 1922, Toàn quyền Maurice Long có ý định sửa sang lại khu vực này, ông ta giao cho kiến trúc sư Hebrard vẽ lại kiểu thành một tổng thể kiến trúc. Tuy nhiên, trên đường về Pháp, Maurice Long bị chết dọc đường nên công việc bỏ dở, bản quy hoạch bị lãng quên trong ngăn kéo.

Có một chuyện diễn ra ở dinh toàn quyền cho đến nay vẫn còn bí mật. Tuần báo Thức tỉnh kinh tế Đông Dương số 516 năm 1927 viết: “Vào khoảng 9 giờ tối ngày 30-6-1909 có một đám đông dân chúng không rõ bao nhiêu người, nhưng đông lắm, kéo đến trước hàng rào Phủ Toàn quyền. Một hạ sỹ quan Pháp ra cản họ lại, nhưng đám đông tràn qua cửa, trèo qua hàng rào và tiến lên bậc thềm. Toàn quyền Bonhous và Chánh văn phòng Pierre Pasquier ra trước công chúng hiểu dụ, hứa xét đơn thỉnh cầu của mọi người. Đám đông giải tán”.

Không rõ đám đông thỉnh cầu chuyện gì và quan toàn quyền hứa gì mà đám đông giải tán. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, dinh toàn quyền Pháp trở thành dinh toàn quyền Nhật từ tháng 3 đến tháng 9-1945. Khi quân đội của Tưởng Giới Thạch được phe Đồng minh đồng ý cho vào phía Bắc Việt Nam để giải giáp quân Nhật thì tướng Lư Hán đã dùng dinh làm nơi giam giữ một số người Pháp. Sau Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, quân Pháp tiến vào tái chiếm Hà Nội, họ chiếm dinh dù khi đó Việt Nam là nước độc lập. Từ năm 1948 đến 1954, dinh này thành dinh quốc trưởng.

Ngày 10-10-1954, Việt Minh tiếp quản Thủ đô, dinh toàn quyền trở thành Phủ Chủ tịch từ đó đến nay. Tuy nhiên hàng rào và cổng có sự thay đổi, cổng trông ra quảng trường có mái cong trổ 3 cửa ra vào bị dỡ bỏ, hiện chỉ còn lại cổng chính và cổng nhỏ có mái ở đầu đường Hoàng Hoa Thám.