Chuyện vui khi nhà văn xuất ngoại

ANTD.VN - Sau nhiều năm đảm nhận công việc đưa các nhà văn “xuất ngoại” đi thực tế hoặc giao lưu văn hóa, dịch giả Đào Kim Hoa - chuyên viên Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam rút ra một “kinh nghiệm” khi đưa đón đoàn: trong cùng một chuyến bay, người cuối cùng ra khỏi sân bay chính là nhà văn, bởi vì họ luôn có những sự... ngu ngơ đáng yêu. 

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng

Giao tiếp bằng ngôn ngữ... hội họa

Trong chuyến thăm Ấn Độ và dự liên hoan thơ mùa xuân năm 2014, nhà thơ Hoàng Việt Hằng chỉ mang theo mấy cây bút màu và tập giấy nhỏ thay cho việc học cấp tốc tiếng Anh du lịch. Bà rất tự tin một mình đi theo lịch trình riêng, đến thăm các làng quê Ấn Độ và những khu rừng tuyệt đẹp ở đó dù không nói được một câu tiếng Anh. 

Mỗi khi cần “nói” với người bản địa điều gì đó, bà lại lôi giấy bút ra vẽ hình. Chẳng hạn cần mua pin cho máy ảnh, bà ra phố chợ ở Kolkata, lấy giấy vẽ một đôi pin tiểu, rồi vẽ máy ảnh đưa cho người bán hàng, thế là mua được pin. Chợ Ấn Độ cũng nói thách chẳng kém gì Việt Nam, muốn mặc cả, nhà thơ xòe 3 ngón tay nếu người bán giơ lên 5 ngón.

Vào phòng khách sạn bật mãi không thấy đèn sáng, bà đánh liều chạy ra hỏi nhà thơ Zahid Nabi người Pakistan bằng... hình vẽ. Nhà thơ Zahid Nabi xem “tranh” xong liền chạy ngay sang phòng bà bật công tắc trên tường, hóa ra nhà thơ Việt Nam quên bật cầu dao tổng. 

Đến Kushinagar, bà mau mắn làm quen được với một cậu lái xe cỡ tuổi con trai mình và nhờ làm hướng dẫn viên. Thật may, cậu lái xe khá nhanh trí, hiểu được hết những hình vẽ để giúp đỡ nhà thơ. Đi chợ mua con dao gọt táo, mua nho, mua đậu, lạc đều nhờ cậu ta mua và đếm tiền giúp. Cậu dạy cho nhà thơ từ “ba bu” nghĩa là “con trai”, thế là gần hết một ngày bà được “ba bu” mượn xe đạp đưa vào làng quê để tìm hiểu đời sống của người dân Ấn Độ. Bà dạy “ba bu” chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc dạo chơi ở thành phố Sarnath. 

Khi trở lại Việt Nam, nhà thơ Hoàng Việt Hằng truyền ngay bí quyết độc đáo này cho bạn bè: “Giả thiết khi đặt chân đến sân bay, nếu bạn đi theo tour thì rất nhẹ nhàng, nếu đi theo đoàn không cần làm phiền phiên dịch, bạn chỉ cần vẽ, dẫu có khi đi, xem, nhìn, mua sắm đắt một tý, mất đi một tý tiền thì bạn đừng lấy đó phiền lòng. Chỉ vẽ để đối thoại, âu cũng là điểm tựa cho bạn khi du lịch nước ngoài”.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Giơ vé lên... vẫy để ra sân bay

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã vào tuổi “cổ lai hy” nhưng vẫn không bớt niềm hứng thú xê dịch, cứ có dịp thuận tiện là bà đặt vé đi du lịch nước ngoài. Lần đi Nhật Bản, sau khi thăm thú nhiều nơi ở đất nước hoa anh đào, chỉ còn ngày cuối cùng trước khi ra sân bay, nhà thơ quyết định thả bước ngắm nghía hàng hóa thay cho việc vào trung tâm Tokyo thăm tượng Con chó nhỏ huyền thoại. 

Đi hết gian hàng này đến con phố khác đến 4 tiếng đồng hồ, trong túi chỉ còn đúng 100 đô la nên bà không mua bán gì cả. Đến giờ hẹn quay lại chỗ cũ để cùng mọi người ra sân bay, nhà thơ “Hương thầm” không nhớ mình đã vào siêu thị nào, muốn về khách sạn cũng không được vì không nhớ rõ tên khách sạn. Giờ bay sắp đến, nhà thơ lo phát khóc nhưng vẫn cố lao ra vẫy một chiếc taxi, lên xe đưa vé máy bay cho ông lái xe rồi huơ tay lên trời. 

Lái xe hiểu ra, xòe tay ý hỏi có tiền không, bà đưa tờ 100 đô la cuối cùng. Lái xe nhấn ga lao về hướng sân bay bằng con đường vắng và qua nhiều vùng dân cư thưa thớt với núi đồi hoang vu, chắc người lái xe đi theo đường tắt để nhà thơ không bị trễ giờ bay. Đến nơi, ông còn đổi đô la ra tiền yên Nhật trả lại nhà thơ một nửa và dẫn bà vào chỗ xếp hàng lên máy bay về Việt Nam. 

Dịch giả Lê Bá Thự

Khất quà vợ khi đi nước ngoài

Dịch giả Lê Bá Thự có nhiều năm công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Chính trong thời gian công tác trong ngành ngoại giao, được tiếp xúc với một nền văn học lớn ở châu Âu, “máu văn học” trong ông đã trỗi dậy. Vốn thông thạo tiếng Ba Lan lại đam mê văn chương, ông đã đọc nhiều tác phẩm văn học Ba Lan và nghĩ mình phải dịch sang tiếng Việt những tác phẩm mình thích để tạo điều kiện cho bạn đọc nước nhà cũng được thưởng thức những tác phẩm văn học giá trị của “cường quốc văn học” này, bởi ông hiểu rằng văn học chính là nhân học. 

Dịch giả Lê Bá Thự đã cần mẫn làm đầy đặn kho tàng văn học dịch bằng một hệ thống các tác phẩm đương đại của Ba Lan như: Pharaon, Hoang thai, Xin cạch đàn ông, Quà của Chúa, Các người khắc biết tay tôi, Hy vọng… Ngoài ra còn khá nhiều thể loại khác như truyện cười, truyện cực ngắn, truyện ngắn, truyện vừa, thơ và phê bình văn học của Ba Lan. Nhà nước Ba Lan đánh giá rất cao sự đóng góp âm thầm mà tràn đầy nhiệt huyết này, năm 2012, dịch giả Lê Bá Thự đã được Tổng thống Ba Lan trao tặng Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan.

Mỗi lần sang Ba Lan, ông thường ghé vào các nhà sách và cố gắng mua thật nhiều cuốn sách hay. Một lần về nước, vợ dịch giả ra sân bay đón chồng, nhìn thấy ông chở một chiếc vali to đùng, nặng trịch  từ trong nhà ga đi ra, bà chắc mẩm trong đó hẳn là quà ông mua cho gia đình. Khi về nhà mở ra thì thấy một vali chất đầy những sách. Bà hỏi: “Quà của em đâu?”. Dịch giả đành trả lời nửa đùa nửa thật: “Lần sau anh sẽ mua quà cho em, tạm thời lần này anh mua quà cho bạn đọc của anh!”.