Chuyện vỉa hè ở Hà Nội xưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời vua Tự Đức (1847-1883), chỉ một vài đường phố đông đúc được lát gạch, còn lại hầu hết là đường đất. Không có vỉa hè, không có rãnh thoát nước nên sau mỗi trận mưa, mặt đường nhão nhoét. Mỗi khi có xe ngựa qua lại, người đi bộ phải dạt sang hai bên, đứng dưới bùn lõng bõng.
Vỉa hè hồ Gươm thời Pháp thuộc

Vỉa hè hồ Gươm thời Pháp thuộc

Vỉa hè đầu tiên

Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội năm 1883, Công sứ Bonnal đưa ra chủ trương cải tạo khu vực quanh hồ Gươm. Bonnal cho làm con đường quan trọng từ khu nhượng địa Đồn Thủy (nay là phố Phạm Ngũ Lão) vào thành để chở vũ khí, lương thực cho binh lính Pháp. Con đường bắt đầu từ Đồn Thủy qua Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền và Hàng Khay), Tràng Thi và đến Cửa Nam rồi vào thành được làm xong cuối năm 1885. Đường rộng hơn 10 mét, đôi bên có vỉa hè lát gạch và trồng phượng. Đây là vỉa hè đầu tiên theo kiểu phương Tây ở Hà Nội.

Vỉa hè Hà Nội thời bao cấp còn là nơi tắm giặt và hứng nước sinh hoạt

Vỉa hè Hà Nội thời bao cấp còn là nơi tắm giặt và hứng nước sinh hoạt

Để có một Hà Nội văn minh, Thống sứ Bắc Kỳ đã ra nghị định quản lý đô thị (đăng trên công báo ngày 21-4-1890) trong đó Điều 1 ghi rõ: “Những phố hiện có và sẽ được tạo nên có chiều rộng lòng đường và vỉa hè được chỉ định”, kèm theo đó là một phụ lục gồm các phố đã có và các phố sẽ mở. Với các phố ở khu vực “36 phố phường”, vỉa hè hẹp nhất cũng phải 3m, một số phố sẽ là 4m. Với các phố ở phía Đông và phía Nam của hồ Gươm như: Ngô Quyền, Lê Phụng Hiểu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... vỉa hè tối thiểu phải rộng 5m, phố rộng nhất là 7,5m.

Chính quyền còn ra các quy định về xây dựng đối với nhà mặt tiền để hài hòa với vỉa hè, tạo mỹ quan kiến trúc đô thị. Sau nhiều năm thực hiện chủ trương đến năm 1897, chiều dài các con đường ở khu “36 phố phường” là 45.500m, tuy nhiên nhiều phố vẫn là đường đất. Trong cuốn “Xứ Đông Pháp và những kỷ niệm” (L'Indochine Francaise souvenirs) của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902), ông ta viết: “Khi tôi đến Hà Nội vào tháng 3-1897 thì khu phố của người An Nam với những cửa hàng lấn ra đến tận đường, phố xá không có vỉa hè, chen chúc những người là người. Đó chính là những thứ đích thực của Hà Nội”.

Cùng với việc xây khu phố mới ở phía Đông và Nam hồ Gươm theo quy hoạch, kiến trúc giống như Paris, Tòa đốc lý ra nhiều quyết định cải tạo khu vực “36 phố phường”, cấm dân không được làm nhà lá, các hộ phải xây thẳng theo quy định, phải chừa đất làm vỉa hè, làm rãnh thoát nước. Năm 1902, số km đường đã tăng thêm 22.121m. Trong khi các phố phía Nam hồ Gươm (nay là Trần Hưng Ðạo, Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Bà Triệu,...) từ năm 1897 đến 1901 người ta tiếp tục lát vỉa hè được khoảng 5km. Trong kế hoạch cải tạo, Hội đồng thành phố đã biểu quyết lấy tiền từ ngân sách để tiếp tục lát vỉa hè ở những phố lớn khu trung tâm.

Vỉa hè được lát bằng đá hình vuông, khổ 30x30cm, dày 3cm, trên mặt khía chéo để tránh trơn trượt cho người đi bộ. Mép hè là đá xanh chôn sâu xuống mặt đường, vừa làm rãnh thoát nước, vừa làm vật chắn phòng xe ngựa lao lên hè gây thương tích cho người. Trên vỉa hè bao quanh nhà Godard (nay là Tràng Tiền Plaza), trước lối vào có dòng chữ tiếng Pháp “Khu vực cấm để xe đạp” bằng đá trắng gắn chìm vào vỉa hè.

Vỉa hè trên đường Rue Paul Bert - Henri Rivie (nay là phố Tràng Tiền - Ngô Quyền) Hà Nội năm 1940

Vỉa hè trên đường Rue Paul Bert - Henri Rivie (nay là phố Tràng Tiền - Ngô Quyền) Hà Nội năm 1940

Quản lý vỉa hè và không gian

Vì vỉa hè dành cho người đi bộ nên nhà mặt phố phải có kiến trúc hài hòa. Trong “Quy chế lục lộ” ban hành ngày 21-9-1891 ghi cụ thể: “Vỉa hè rộng 3m thì bậc cửa ra vào chỉ được phép cao 10cm, vỉa hè rộng 5m thì bậc cửa là 15cm và vỉa hè rộng 7,5m thì bậc cửa cao 20cm...”. Bên cạnh đó có quy định về chiều cao, cửa sổ, ban công... rất chi tiết. Quy chế cũng quy định: “Tất cả chủ nhà mặt phố, người thuê phải có trách nhiệm dọn vệ sinh hè phố trước cửa nhà, khơi thông rãnh thoát nước, nếu không thực hiện sẽ bị phạt theo các điều của Bộ luật Hình sự nước Pháp”.

Cũng trong quy chế, cửa các nhà mặt tiền phải mở vào trong, không được mở ra ngoài, tránh lúc mở vô tình gây thương tích cho người đang đi trên hè. Năm 1889, Hà Nội chỉ có vài phố quanh hồ Gươm có vỉa hè, nhưng ngày 20-12-1889, Đốc lý Hà Nội là Landes đã ban hành một nghị định cho thuê vỉa hè để dân mở cửa hàng hay bán cà phê với giá 40xu/m2.

Đầu thế kỷ 20, các khách sạn hạng sang xuất hiện ngày càng nhiều quanh khu vực hồ Gươm thì chủ khách sạn đã thuê vỉa hè mở quán cà phê dọc theo mái hiên. Không chỉ người Pháp sống ở Hà Nội, khách du lịch châu Âu đến thành phố này rất thích thú khi ngồi uống cà phê vỉa hè ngắm phố. Cùng với cho thuê vỉa hè, đầu thế kỷ 20, những quy định về vỉa hè có sửa chữa đôi chút nhưng cơ bản nó vẫn giữ nguyên và được thực hiện cho đến năm 1945.

Thập niên 30, Hà Nội đã quá chật, dân số tăng lên 30 vạn, số lượng xe tay tăng lên đáng kể, đường phố ngày càng nhiều xe đạp và nó là phương tiện giao thông cá nhân phổ biến. Năm 1930, cả Bắc Kỳ có 5.500 ô tô các loại thì riêng Hà Nội chiếm tới 4.000 xe. Quy hoạch cũ không còn phù hợp nên Toàn quyền Đông Dương quyết định giao cho Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương mà người chịu trách nhiệm chính là kiến trúc sư Henri Ceruti thiết kế lại. Bản quy hoạch mới này được phê duyệt năm 1943, trong đó đã tính tới phương án các bãi đỗ xe, quy định các trung tâm thương mại phải có khoảng trống rộng cho khách hàng để xe đạp, ô tô. Tuy nhiên lúc này quân đội Nhật đã chiếm đóng Đông Dương nên quy hoạch không thể thực hiện.

Người dân phố Hàng Đào tát nước khỏi hầm trú ẩn trên vỉa hè năm 1972

Người dân phố Hàng Đào tát nước khỏi hầm trú ẩn trên vỉa hè năm 1972

Nơi mưu sinh

Sau 1954, các quy định cũ về quản lý đô thị Hà Nội bị bãi bỏ, nhưng người dân vẫn tự giác vệ sinh vỉa hè theo nếp đã hình thành trước đó. Việc cho thuê vỉa hè bị chấm dứt và nó trở thành tài sản công. Khi Mỹ ném bom miền Bắc, vỉa hè đẹp đẽ bắt đầu có thêm một sứ mạng mới là nơi đào hầm trú ẩn. Cứ cách 6-8m lại có 1 hầm cá nhân. Người đang đi trên đường nếu nghe còi báo động từ nóc Nhà hát Lớn thì sẽ nhảy xuống đó tránh mảnh bom. Tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam, miền Bắc được sống trong hòa bình thì các hầm trú ẩn đó bị lấp.

Ở các phố trung tâm, xí nghiệp quản lý vỉa hè còn cho láng xi măng, nhưng các phố khác thì nó trở thành hố trũng đọng nước mỗi khi trời mưa. Rồi tiếp đó nước sạch thiếu trầm trọng, nước từ đường ống chính không chảy nổi vào các vòi trong nhà nên dân hàng phố đua nhau đào bể trên vỉa hè và lấy nước từ đường ống chính. Vỉa hè thành chỗ rửa rau, vo gạo, giặt giũ quần áo, tắm táp vào mùa hè, luộc bánh chưng vào dịp Tết.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nó còn được gọi một cách tếu táo theo kiểu Pháp là khách sạn “đờ la hiên” cho các bác xích lô. Suốt thời bao cấp, vỉa hè là nơi các ông chữa xe đạp chiếm cứ dưới chân cột điện, góc ngã ba, ngã tư. Và vỉa hè các phố trở thành chợ, dân gian có câu “vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng”. Trong kiến trúc đô thị, vỉa hè là đường diềm trang trí cho đường phố, góp phần tôn cảnh quan. Nhưng bây giờ thì chẳng rõ công năng là dành cho khách đi bộ, buôn bán hay điểm đỗ xe nữa...

Tin đọc nhiều