Chuyến về rừng đầy cảm xúc của "người rừng" Hồ Văn Lang sau 3 năm

ANTĐ - 3 năm sau khi trở về hòa nhập với cộng đồng, “người rừng" của Việt Nam – anh Hồ Văn Lang đã có một chuyến đi đầy cảm xúc quay trở lại khu rừng anh và cha mình từng gắn bó suốt 40 năm qua. Điều đặc biệt hơn, trong “lần trở về” này, anh Lang được đồng hành cùng nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha Alvaro Cerezo – người vô cùng hứng thú với những gì trải qua trong cuộc sống của anh và cha mình.

Cách đây 3 năm, truyền thông trong nước vô cùng quan tâm đến trường hợp của cặp bố con người dân tộc Cor sinh sống trong một căn chòi cao chót vót trong khu rừng ở huyện Tây Trà, Quảng Ngãi.

Dưới sự giúp sức của chính quyền địa phương, người thân của ông Hồ Văn Thanh (85 tuổi) và anh Hồ Văn Lang (44 tuổi) đã vào rừng, trực tiếp đưa hai cha con trở về hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Anh Hồ Văn Lang nhìn chằm chằm vào căn chòi cao chót vót, nơi anh từng sống 41 năm 

Sau 3 năm, cuộc sống đầm ấm của gia đình, tình làng nghĩa xóm sẻ chia, nhưng nhiều lúc vẫn không khiến anh Lang nguôi nỗi nhớ rừng. Dù nhiều lần thổn thức trong tiếng gọi của rừng già, nhớ không gian hoang dã từng gắn bó suốt hơn 40 năm nhưng anh Lang chưa được dịp trở lại.

Tưởng chừng như cuộc sống trước đó của người rừng Hồ Văn Lang cùng những ký ức này sẽ ngủ quên, đi vào dĩ vãng, thì mới đây, anh Lang lần đầu tiên được quay về thăm lại khoảnh rừng – nơi cha con anh từng sống.

Chuyến đi của người đàn ông được mệnh danh là người rừng không chỉ gây hứng thú với truyền thông trong nước mà còn thu hút được sự quan tâm rất lớn từ nhiều công chúng trên thế giới. Trong đó, rất nhiều tờ báo lớn của Anh như Dailymail, International Business Times, The Sun đã đưa tin về sự trở lại đầy cảm xúc này.

Nhiếp ảnh gia Alvaro Cerezo đã vô cùng hứng thú với cuộc sống và sự sinh tồn của "người rừng" Việt Nam

Trong chuyến đi lần này, người đồng hành của anh Lang có một vị khách vô cùng đặc biệt, đó là nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha Alvaro Cerezo.

Anh Alvaro là người sáng lập ra trang web Docastaway, luôn luôn hứng thú với những vùng đất hoang dã nguyên sơ và những con người từng có cuộc sống thả mình vào thiên nhiên như Hồ Văn Lang.

Chuyến đi đến khu rừng Tây Trà cùng anh Lang không chỉ giúp Alvaro thêm trải nghiệm về phong cảnh, đất nước Việt Nam mà còn là cơ hội để anh đưa cuộc sống trước kia của anh Lang đến với những người ưa tìm hiểu, yêu sự khám phá về cuộc sống của con người.

Viết trên Website của mình, anh Alvaro nói rằng anh biết đến câu chuyện của anh Lang vào tháng 11-2015 và vô cùng hứng thú về những gì anh ấy đã trải qua. Chính vì vậy, Alvaro cùng phiên dịch viên đã trải qua 3 ngày tìm kiếm nhà của anh Lang, gặp gỡ người đàn ông này và mong muốn được tìm hiểu về cách sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã của anh.

Anh Lang thời điểm được đưa về hòa nhập cộng đồng cách đây 3 năm

“Tôi nhớ như in lần đầu tiên tôi gặp anh ấy. Đó là vào một buổi tối, em trai anh Lang (anh Hồ Văn Tri) đã đón tiếp chúng tôi trong một căn phòng có một chiếc ti vi nhỏ đang mở. Sau vài phút nói chuyện, anh ấy vào gọi anh Lang từ trong buồng tối".

"Ban đầu người đàn ông này tỏ ra khá căng thẳng và e dè, sau đó anh ta chỉ tập trung vào chiếc ti vi không dịch chuyển cũng không hề quan tâm đến sự có mặt của tôi. Tôi có thể quan sát thấy một vài điều khác biệt ở anh khi anh đến gần: đó là cách đi lại và cách thể hiện sự hồi hộp với tôi”, Alvaro viết.

Sau nửa ngày hôm sau nói chuyện thông qua phiên dịch và em trai, Alvaro đã tiếp xúc gần hơn với anh Lang. Alvaro thấy rõ được sự phấn khích, vui mừng của anh trước lời đề nghị quay trở lại thăm nơi từng gắn bó gần nửa đời người. “Khi tôi đề nghị, anh Lang đã không ngần ngại một giây nào, sáng hôm sau chúng tôi đã cùng nhau lên đường”.

“Sau một ngày đi bộ xuyên rừng, chúng tôi đã đến được khoảnh rừng, nơi có căn chòi cao chót vót của anh Lang từng ở. Vào thời điểm đó, anh Lang hầu như bị hấp dẫn hoàn toàn bởi không gian yên tĩnh của rừng rú, anh nhìn chằm chằm vào nó gần một giờ đồng hồ. Sau 3 năm mặc quần áo hiện đại, anh đã cởi bỏ tất cả chúng và khoác lên người bộ quần áo làm từ rễ cây, lá cây với vẻ mặt hạnh phúc nhất”.

Anh đã có một cuộc sống mới cạnh người thân, hàng xóm láng giềng. Trong ảnh là một em bé sợ hãi khi anh Lang bế nhưng anh đã biết cách thổi nhẹ vào mặt để dỗ dành

Alvaro đã có 5 ngày ở cạnh anh Lang, tìm hiểu cuộc sống của con người này và cảm nhận rằng: “Tôi sớm nhận ra rằng anh ấy là một người vô cùng đáng yêu, như một đứa trẻ thích cười và yêu sự tự do. Dần dần đối với tôi, việc tìm hiểu về sự sinh tồn của con người không còn quan trọng bằng cách mà Lang tận hưởng cuộc sống của anh ấy tự nhiên nhất”.

Những khoảnh khắc nguyên sơ của người rừng Việt Nam qua ống kính và ngòi bút của Alvaro đã nhanh chóng được truyền tải lên website Docastaway, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Được biết, Alvaro đã nuôi ý tưởng làm một bộ phim tài liệu về người rừng Hồ Văn Lang và bộ phim này đang được anh từng bước hoàn thành.

Alvaro tin rằng sự chân thực đến hoang sơ tuyệt đối trong cách sống, cách thể hiện mình của Hồ Văn Lang sẽ mang lại những cái nhìn đầy giá trị, đầy ý nghĩa. 

Chùm ảnh được nhiếp ảnh gia Alvaro Cerezo đăng tải lên Website:

Chuyến về rừng đầy cảm xúc của "người rừng" Hồ Văn Lang sau 3 năm ảnh 5

Anh Lang vô cùng phấn khích với lời đề nghị trở về thăm khoảnh rừng từng sống gần nửa đời người

Chuyến về rừng đầy cảm xúc của "người rừng" Hồ Văn Lang sau 3 năm ảnh 6

Nhanh chóng cởi bỏ quần áo của người hiện đại và khoác lên mình quần áo làm từ rễ cây, lá cây

Chuyến về rừng đầy cảm xúc của "người rừng" Hồ Văn Lang sau 3 năm ảnh 7

Hòa nhập cộng đồng đã 3 năm nhưng "người rừng" vẫn giữ được những nét nguyên sơ, chân thực đến tuyệt đối

Chuyến về rừng đầy cảm xúc của "người rừng" Hồ Văn Lang sau 3 năm ảnh 8

Sự đáng yêu, tự do, thoải mái của anh Lang khiến Alvaro Cerezo vô cùng thích thú

Chuyến về rừng đầy cảm xúc của "người rừng" Hồ Văn Lang sau 3 năm ảnh 9

Anh Lang được cha là ông Hồ Văn Thanh đưa vào rừng năm 1 tuổi sau cú sốc vì vợ và 2 người con trai bị bom đạn dội trúng nhà, gây tử vong

Chuyến về rừng đầy cảm xúc của "người rừng" Hồ Văn Lang sau 3 năm ảnh 10

Sống trong rừng, họ dựng chòi cao 5m để tránh thú dữ, trồng lúa, mè, ngô, ớt, chế tạo nông cụ, săn bắn thịt thú rừng để ăn

Chuyến về rừng đầy cảm xúc của "người rừng" Hồ Văn Lang sau 3 năm ảnh 11

Trong ảnh, anh Lang đang ăn thịt chuột - món ăn chính trong suốt thời gian sống trong rừng.