Chuyện về người lưu truyền nghề sản xuất nông cụ Việt

ANTD.VN - Với sự cơ giới hóa về nông nghiệp hiện nay, hình ảnh “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” giờ đây đang ngày một hiếm gặp. Tuy nhiên, ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, nghề làm cày, bừa, một nông cụ dùng để canh tác ở những thửa ruộng nhỏ vẫn được lưu truyền. 

Được truyền nghề từ nhỏ

Đến thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, hỏi ông Nguyễn Phú Lâm, dường như từ đầu đường cuối ngõ, ai cũng biết, bởi gia đình ông là hộ duy nhất tại làng quê Xứ Đoài này còn lưu truyền, gìn giữ nghề làm cày, bừa.

Dù ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Lâm vẫn rất trăn trở với nghề. “Gắn bó với nghề từ nhỏ, rồi mở lò cày, bừa đầu tiên ở làng, cả đời tôi đã lăn lội với nghề để nuôi các con ăn học. Giờ già rồi, con cháu đi làm việc nhà nước hết, làng cũng chẳng còn ai theo nghề nhưng tôi vẫn giữ cái nghề này, làm để nhớ về thời trẻ, theo các cụ ra đồng”, ông Lâm chia sẻ.

Để làm ra được những chiếc bừa, người thợ đã phải rèn từng mũi khuy rất tỉ mỉ

Cũng theo ông Lâm, nghề cày bừa của làng Vĩnh Lộc có từ lâu đời, nhưng thực sự phát triển từ sau năm 1954, khi các hợp tác xã nông nghiệp được thành lập.

Hàng làm ra được hợp tác xã nông nghiệp nhập với giá cao để phân phối trên toàn tỉnh Hà Tây cũ. Nhà ông Lâm và một số gia đình khác giỏi nghề đã mở lò rèn để làm cày, bừa.

Ngày ấy, phụ nữ trong làng chỉ được phép làm các công đoạn phụ như kéo bễ, quay lò còn việc chính của nghề, do tính chất bí mật chỉ truyền cho cánh đàn ông.

Chứng kiến từng công đoạn làm bừa, mới thấy nghề này cũng rất công phu. Điều quan trọng nhất trong nghề làm cày bừa là phải làm sao để “cày ăn giả, bừa ngã non” như thế mới dễ cho người nông dân trong việc làm đồng.

“Cày ăn giả” nghĩa là khi cày lên làm thế nào để cho đất đổ sang 1 bên không lắc lư. Muốn được như vậy, thì phải làm mũi cày 1 bên mỏng, 1 bên dày và phải có tay nghề lâu năm thì mới làm được. “Bừa ngã non” nghĩa là bừa không xúc đất, khi tay cầm buông xuống thì đất đổ văng về đằng trước, ông Lâm vừa làm vừa giảng giải về nghề.

Thăng trầm cùng nghề

Nhìn người nông dân vất vả bên đồng ruộng với con trâu, cái bừa, mấy ai biết rằng những người thợ làm ra những chiếc bừa đó cũng nhọc nhằn chẳng kém. Tay bừa thường được làm từ gỗ nghiến, bởi nó bền và chịu được mưa nắng, không dễ bị mục nát sau quá trình sử dụng. Còn những chiếc lưỡi cày làm bằng gang, người dân phải đi thu mua từ tỉnh Bắc Ninh.

Những phần khác của bừa như răng, chằng, đén đều được người thợ tận dụng từ sắt phế liệu. Ít có một loại nông cụ nào mà để làm ra nó, người thợ phải vừa khoan, vừa đục, vừa rèn, vừa đẽo như cái bừa.

Có nhiều loại lưỡi cày, nhưng phổ thông nhất vẫn là lưỡi chữ A. Cái đặc biệt của nghề làm cày, bừa là không có một công thức nào cố định, người thợ phải ứng biến theo thổ nhưỡng, thổ ngơi từng nơi, từng vùng để tạo cân bằng trong quá trình cày ruộng.

Trước khi xuất xưởng, người thợ dựng cái cày để mũi cách đất 1cm, từ lưỡi cày lên đến hò cày, tức là tay cầm, đến gần cạnh thắt lưng người là vừa. Người thợ là cái thước sống, mắt quan sát ba điểm từ hò cày, láng đứng đến mũi cày, ba điểm đó làm thành một đường thẳng là chuẩn. Thợ mộc có mực thước, còn thợ cày chỉ dùng duy nhất là mắt. 

Ông Nguyễn Phú Lâm cần mẫn bên những chiếc cày, bừa

Hiện nay, với sự phát triển của các máy móc nông nghiệp, cũng vì thế mà hình ảnh những chiếc bừa dường như thưa bóng hơn trên những cánh đồng. Tuy nhiên, không vì thế mà những chiếc bừa bị lãng quên. Ở những thửa ruộng có diện tích nhỏ, máy móc, thiết bị khó vào được, thì con trâu, cái bừa vẫn là những trợ thủ đắc lực cho người nông dân, như từ xưa đến nay vẫn thế.

Cả đời gắn bó với nghề nên mỗi khi có khách đến đặt hàng, dù số lượng không nhiều nhưng ông Lâm vẫn rất vui vì chí ít, nó cũng giúp ông nguôi ngoai nỗi nhớ nghề làm nông cụ, một vật không thể thiếu trong nền văn minh lúa nước của người Việt.