Chuyện tình Đakrông

ANTĐ - Hễ cứ nghĩ tới dòng sông Đakrông là trong lòng lại rộn vang câu hát quen thuộc: “Đakrông ơi, Tây Nguyên ơi! Cái suối đổ về sông, cái sông ra biển lớn. Ta nối tấm lòng dân bằng tình yêu cách mạng, đi suốt Truờng Sơn xanh, nghe dòng sông chảy mãi. Đakrông ơi, dòng sông xanh thắm”.

Chuyện tình Đakrông ảnh 1Dòng Dakrông xanh thắm, chảy giữa đại ngàn hùng vĩ Trường Sơn

Đakrông, tên của một xã, cũng là tên của một huyện và con sông huyền thoại giữa đại ngàn Trường Sơn. Đarkông nằm cách thị trấn Đông Hà, tỉnh Quảng Trị 50 cây số theo Quốc lộ 9 và là điểm đầu tiên của Quốc lộ 14A xuôi về phía nam Trường Sơn.

Sông Đakrông bắt nguồn từ vùng động Co Ka ở phía Đông Trường Sơn, gần biên giới Việt - Lào hợp với sông Rào Quán, chảy dọc theo đường 9, xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt theo sông Thạch Hãn. Vì vậy sông Đakrông cũng là một phần của thượng lưu sông Thạch Hãn. Trong những câu chuyện sử thi của cộng đồng các dân tộc sống trên đại ngàn Trường Sơn, chuyện về nàng Đakrông gắn với sự hình thành của dòng Đakrông huyền thoại cùng cây đàn Tơ’rưng. Đó là một chuyện tình tuyệt đẹp, thể hiện sự thủy chung, son sắt của người con gái Tây Nguyên mạnh mẽ như dòng nước Đakrông, tha thiết như tiếng đàn Tơ’rưng trong núi. 

Chuyện rằng, xưa, trong một bản làng dưới chân núi có hai vợ chồng sinh được mười người con trai. Sau khi cha mẹ chết, sáu người con đầu vốn có tính tham lam và lười lao động nên đã chiếm hết nương rẫy và bắt bốn người em còn lại phải đi làm để nuôi các anh vốn suốt ngày rong chơi săn bắn. Cũng thời gian đó, trên một ngọn núi cao có một cặp vợ chồng sinh được mười người con gái. Cũng như sáu người anh đầu ở dưới bản, sáu cô chị đầu chỉ ham vui chơi, bắt bốn cô em lao động nặng nhọc cung phụng mình.Thời gian qua mau, mười người con trai ở dưới bản đến tuổi lấy vợ. Họ kéo nhau lên núi xin hỏi mười cô gái. Nghe tin vui ấy, sáu cô chị bắt đầu trang điểm cho lộng lẫy với hy vọng các chàng sẽ chú ý đến mình hơn. Bốn cô em gái bận lao động suốt ngày nên không trang điểm gì mà còn lấy nhọ bôi đen mặt, nhìn xấu hơn. Khi các chàng kéo đến, nhìn các cô gái ăn mặc đẹp đẽ nên những người anh trai quyết định theo thứ tự tuổi tác hai bên, mỗi người chọn một cô làm vợ. Người con trai út lấy cô con gái út Đakrông.

Sau khi lấy nhau, mười cặp vợ chồng vẫn ở chung trong một ngôi nhà. Gian đầu của vợ chồng anh trai đầu. Gian cuối của vợ chồng cô út Đakrông. Dù ai cũng có gia đình nhưng cách sống của họ vẫn không có gì thay đổi. Vợ chồng bốn người em sau suốt ngày phải đi làm nương rẫy để nuôi vợ chồng các anh chị chỉ mải mê vui chơi. Có điều, càng làm lụng nặng nhọc, các cô em dâu ngày càng xinh hơn. Sáu người anh thấy bốn cô em dâu ngày càng đẹp hơn vợ mình nên muốn tìm cách cướp lấy. Không chịu đựng được nỗi khổ sở phải sống chung, ba vợ chồng của các em bỏ đi xa, riêng vợ chồng em út Đakrông không muốn xa nương rẫy nên vẫn ở lại.

Lúc này sáu người anh mất vợ nên ai cũng có ý đồ chiếm Đakrông nên bày trò hãm hại. họ cách ly vợ chồng Đakrông. Quá nhớ thương vợ, một đêm trăng sáng, chồng Đakrông ngồi trước ngôi nhà chung, dùng khèn A-rên thổi điệu nhạc pô-xu, nhắn gửi lòng mình với nàng. Đakrông lúc này bị nhốt trong buồng kín, nghe tiếng khèn của chồng liền hát lên một khúc nhạc pô-xu khác để nhắn cho chàng hay mối tình son sắt của hai người nàng luôn giữ mãi. “Nếu anh không đến thì em sợ/ Nếu đêm nay ở đầu nhà đung-ta-ra-đát/Có tiếng khèn A-rên của anh gọi thì em chờ/ Mẹ không buộc váy em vào cột/ Mẹ còn cho thêm đôi vòng cổ/ Vì biết anh là a-long-pa-roi”. 

Nghe tiếng khèn A-rên, biết đó là tiếng khèn của chồng đang đi tìm mình nên Đakrông lấy ống cây mung làm thân và tách thành hai sợi như dây đàn. Và, đó là cây đàn Tơ’ rưng đầu tiên ở miền núi Quảng Trị. Đakrông gảy lên từng điệu đàn nghe trầm bổng, thiết tha. Tiếng đàn Tơ’ rưng ngân xa, vượt qua rừng núi đến bên tai chàng. Chồng Đakrông lần theo tiếng đàn đi về hướng tây. Anh vừa đi vừa thổi khèn A-rên, Đakrông đang ở trong hang đá nghe được tiếng khèn mỗi lúc một gần nên phá cửa hang đi về phía đông và hai vợ chồng gặp được nhau.

Người anh biết được, nhắm hướng ngọn núi cao chạy đến. Thấy người anh, vợ chồng Đakrông dắt nhau chạy trốn, vừa chạy vừa mong có một dòng nước sâu nào đó chảy ra từ núi để ngăn bước chân người anh đứng lại.Thật bất ngờ, điều kỳ diệu mà vợ chồng Đakrông mong muốn liền xảy ra. Một dòng nước lớn từ núi cao xuất hiện ngăn bước chân người anh tàn độc. Người anh tức giận liền vác từng hòn đá lớn ném xuống chân núi để ngăn dòng nước lại. Song nước vẫn cứ vượt lên đá mà chảy theo bước chân của hai vợ chồng Đakrông, con nước dài như sông ngày nay. Người anh vừa chạy vừa ném đá đến lúc đuối sức ngã xuống, vĩnh viễn không bao giờ trở về.

Vợ chồng Đakrông dắt tay nhau trở về bản trong niềm vui hạnh phúc. Tình yêu trong sáng của họ như dòng nước của con sông mãi chảy theo chân họ để bảo vệ cho hạnh phúc bình yên của hai vợ chồng. 

Ngày nay, đến với đại ngàn Trường Sơn, đến với những bản làng người Vân Kiều, Tà Ôi, du khách đứng bên dòng hùng vĩ Đakrông  lịch sử, càng thấm hơn những câu chuyện sử thi về câu chuyện tình nàng Đakrông, để ngấm cái hồn của Trường Sơn, của đại ngàn. Bao năm qua, dòng sông xanh thắm ấy vẫn uốn lượn mềm mại, hiền hòa như mái tóc của nàng Đakrông thuở nào.