Chuyện tình cảm động của chàng trai đạp xe xuyên Việt để cầu hôn người yêu

ANTĐ - Bây giờ, mỗi khi kể lại câu chuyện tình khởi đầu cho cuộc sống hạnh phúc gia đình hiện tại của mình cho ai nghe, anh Phạm Quốc Tuấn cũng say sưa với vẻ đầy tự hào.  Không ai tin chàng trai Tuấn, lúc đó chỉ là một luật sư tập sự, mới ra trường lại có quyết định táo bạo đến vậy, một mình đạp xe từ TP.HCM ra tận Thủ đô Hà Nội để cầu hôn người yêu. Sau 10 năm, chàng thanh niên đó đã trở thành người đàn ông của gia đình, có cuộc sống hạnh phúc mà nhiều người mơ ước bên vợ và con gái trong căn nhà tại huyện Nhà Bè TP.HCM.

Tình yêu vượt mọi khoảng cách 

Hồi tưởng lại duyên số từ những ngày đầu biết nhau của hai vợ chồng, chị Vũ Thị Dung (vợ anh Tuấn) nhớ lại, “hai vợ chồng mình biết nhau từ lúc nhỏ, cùng nhau lớn lên tại Thái Bình. Chỉ biết nhau vậy thôi chứ ít khi hai người nói chuyện”. Rồi anh Tuấn chuyển vào Nha Trang sinh sống khi vừa mới học THPT, tiếp đó là vào TP.HCM học tại trường Đại học Luật thì hầu như chị Dung và anh Tuấn đều không có liên lạc. Ở quê nhà Thái Bình, chị Dung thi đậu vào trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội rồi chuyển lên Thủ đô trọ học. Tuy đã có cuộc sống mới ở miền Nam nhưng anh Tuấn vẫn còn giữ được liên lạc với những người bạn ở quê. 

Một bước ngoặt có thể nói là định mệnh trong mối quan hệ của hai người là bức thư chúc mừng mà anh Tuấn đã gửi cho các bạn chung lớp thời cấp ba khi hay tin bạn thi đậu đại học, trong đó có cả chị Dung. “Mình còn nhớ rất rõ đó là thời điểm năm thứ nhất bước vào giảng đường, từ TP.HCM anh Tuấn vẫn quan tâm đến bạn bè, dù lúc đó chỉ là bạn bè bình thường điều đó cũng làm cho mình phải suy nghĩ” - chị Dung chia sẻ. Rồi chị Dung và mọi người cũng viết thư hồi âm, hỏi thăm tình hình của cậu bạn có thân hình nhỏ sống xa quê. Khi vợ đang kể tiếp câu chuyện thì anh Tuấn chen ngang, “trong số những người bạn viết thư cho mình thì lá thư của vợ (tức chị Dung - PV) đã làm mình xúc động hơn cả. Trước đó cả hai gặp mặt nhiều nhưng không nói chuyện được bao nhiêu nên mình cũng hồi âm cho cô ấy chuyện trò”. 

Bất đầu từ đó, mỗi tháng anh Tuấn viết hai lá thư gửi ra Hà Nội cho chị. Chị Dung cũng đáp lại những lá thư anh Tuấn gửi, không biết do từ ngữ chị diễn đạt trong thư nghe tình cảm hay tấm lòng chân thành của người bạn gái mà khiến cho anh Tuấn ngày càng háo hức mong chờ sau mỗi lần dán con tem bỏ thư vào thùng thư chờ chuyển đi. “Cũng không nhớ được từ khi nào, tình cảm của hai người đã bước lên một nấc thang mới, vượt ngưỡng tình cảm của hai người bạn, đó là tình yêu”, anh Tuấn nói rồi cười hạnh phúc. 

Thư đi, thư về giữa hai miền Nam - Bắc, khoảng cách dường như là vô tận với những người yêu nhau. Nhưng anh Tuấn và chị Dung vẫn đều đặn liên lạc, bao giận hờn, buồn vui đều gửi hết vào những lá thư. Thời điểm tốt nghiệp cũng tới, anh Tuấn ra trường tốt nghiệp ngành luật và bắt đầu xin vào tập sự tại một văn phòng luật sư tại quận 4, TP.HCM. Còn chị Dung, sau khi học xong đại học thì may mắn nhận được học bổng tại Đại học Perugia (Italia). Khi trở về chị lại được nhận vào làm việc trong một tổ chức nước ngoài tại Hà Nội có mức thu nhập khá cao. Đó là rào cản lớn nhất cho tình yêu của anh Tuấn vì giờ đây người yêu đã là một người có thể nói là thành đạt, trong khi đó anh Tuấn là chàng sinh viên mới ra trường, hằng ngày vẫn đi làm bằng chiếc xe đạp cà tàng, thu nhập thì không ổn định. “Biết anh Tuấn có tình cảm chân thành với mình nhưng với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, bao khó khăn trước mắt như vậy khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Với mức thu nhập bấp bênh của anh thì sẽ có nhiều khó khăn trong cuộc sống…Trong khi đó bạn bè cùng lứa với mình, đứa nào đứa nấy đều có “mốt” lấy chồng Việt kiều hay chí ít một người đàn ông kinh tế phải khá giả” - chị Dung hồi tưởng quá khứ...

Hành trình đạp xe xuyên Việt cầu hôn người yêu 

 Rồi một quyết định táo bạo đã được Tuấn đưa ra đó là một mình đạp xe từ TP.HCM ra tận Hà Nội để cầu hôn người yêu. Phần vì muốn người yêu hiểu được tình cảm của mình, phần Tuấn muốn thể hiện quyết tâm ý chí kiên cường của một chàng trai “đầu đội trời, chân đạp đất”. Bạn bè biết chuyện anh Tuấn chuẩn bị cho chuyến đi cũng rất đỗi ngạc nhiên, nhưng ai nấy cũng ủng hộ cho quyết định này. Khi được hỏi nguyên nhân nào đã làm cho anh có ý định thực hiện điều không tưởng đó, anh Tuấn cười nói: “Cũng không hiểu tại sao lúc đó mình lại liều lĩnh như vậy, có lẽ là do tình yêu mãnh liệt quá!”. Nhưng “nói thì lúc nào cũng dễ hơn làm”, đoạn đường từ TP.HCM ra Thủ đô Hà Nội có chiều dài gần 2000km mà chỉ đi bằng xe đạp cũng làm cho anh Tuấn không chùng bước. Một kế hoạch rõ ràng cho công cuộc chinh phục đoạn đường dài, và lớn hơn nữa là chinh phục cô gái của cuộc đời đã được chàng thanh niên vạch ra khá chi tiết. Đầu tiên là vấn đề về thể lực. Để chuẩn bị sức khỏe đạp xe trên quãng đường xuyên Việt, anh Tuấn bắt đầu tập chạy mỗi buổi sáng và chiều để có sức bền. Tiếp đó là đạp xe vòng quanh TP.HCM. Để tập làm quen với những đoạn đèo cao anh Tuấn tập đạp xe lên xuống cầu Sài Gòn mỗi ngày 5 vòng. Gần 1 năm trời chuẩn bị thể lực, đạp xe làm quen, anh Tuấn mới bắt đầu cuộc hành trình. 

Nhẩm tính với đoạn đường gần 2000 km, anh Tuấn đề ra kế hoạch mỗi ngày phải vượt 100 km, và nếu “xuôi chèo mát mái” thì 18 ngày anh sẽ đến được Thủ đô. “Tính là vậy thôi chứ khi đi thì mới gặp nhiều khó khăn mà mình không thể lường trước được”, anh Tuấn kể lại chuyến đi. Ngoài nỗi lo về xe cộ hư hỏng, nắng gió khắc nghiệt của miền Trung hay những đoạn đường đèo cao ngút đầy nguy hiểm anh Tuấn còn phải tìm chỗ để trú ngụ qua đêm an toàn và phải gắng sức đi nhanh vì “mình đã lỡ hứa với cô ấy thì phải ra cho đúng hẹn” . Vượt qua bao khó khăn, trở ngại cuối cùng sau 17 ngày liên tục đạp xe anh Tuấn đã ra đến Thủ đô Hà Nội. “Trước đó anh nói sẽ ra thăm và dành tặng cho mình một món quà tình yêu, mình nghe xong rất dửng dưng, vô cảm bởi mình không nghĩ rằng anh sẽ làm được gì khiến mình có thể bất ngờ”, chị Dung nhớ lại. 

Vào một buổi sáng mùa thu năm 2003, chị Dung nhận được điện thoại của anh nói ra đường Giải Phóng đón, thì chị tưởng tượng rằng anh sẽ bước xuống từ chiếc xe khách Bắc - Nam nào đó. Rồi từng chiếc, từng chiếc xe khách cứ vụt qua nhưng không thấy bóng dáng anh đâu. Chờ gần 2 tiếng đồng hồ giữa ồn ào, bụi bặm của phố phường chị toan nghĩ chắc anh chỉ nói đùa. Khi định quay về thì từ đằng xa bóng người thanh niên nhỏ nhắn, miệng cười tay vẫy tiến tới chỗ chị đứng, thì ra người đó là anh Tuấn. Chưa kịp mừng rỡ vì gặp được người yêu thì chị lại cảm động rơi nước mắt trước hình ảnh đen đúa, gầy nhom vì sương gió, nắng mưa của chàng trai đã đạp xe gần 2000 cây số đến với mình, bao nhiêu câu hỏi cứ lảng vảng trong đầu chị rằng, vì lý do gì anh lại lặn lội từ Nam ra Bắc trên chiếc xe đạp để đến với mình? Anh chịu bao cực khổ, gian lao để chứng tỏ điều gì?... 

Và khi anh nói lời cầu hôn, chị đã thầm nghĩ, “đây chính là người đàn ông của cuộc đời mình, không còn gì phải băn khoăn nữa!”. Rồi cũng từ giây phút ấy, chị Dung đã tìm ra được người đàn ông chị muốn gửi gắm cả cuộc đời của mình. Chị so sánh anh với bao người đàn ông khác mà chị từng ngưỡng mộ, không đẹp trai như chàng diễn viên điện ảnh là thần tượng, không giàu có như một thương gia hay không lịch lãm, sành điệu như một chàng trai ngoại quốc lúc du học chị từng gặp; đơn giản vì người đàn ông chị chọn có một ý chí phi thường, có một tình yêu chân thành mà không phải cô gái nào cũng nhận ra được. 

Và thế là đám cưới của hai người cũng được tiến hành sau đó. Theo chồng vào TP.HCM, chị Dung phải từ bỏ công việc với mức thu nhập cao, xa bố mẹ, bạn bè thân quen để xây dựng gia đình trên một miền đất hoàn toàn xa lạ. Với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng trẻ bắt đầu cuộc sống gia đình với bao bộn bề, khó khăn như thế. Cuộc sống hiện tại của gia đình anh Tuấn khiến cho bao người phải mong ước, anh và chị đều đã có được vị thế trong công việc chuyên môn của mình với mức thu nhập ổn định. Sau nhiều năm tích góp thì cũng mua được căn nhà khá khang trang. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của anh Tuấn - chị Dung bây giờ đó chính là đứa con gái 7 tuổi Ngọc Hà, ngoan ngoãn, học giỏi. Sống trong hạnh phúc hiện tại nhưng chị Dung vẫn thầm “cảm ơn” chiếc xe đạp mà anh Tuấn đã sử dụng để làm cầu nối hạnh phúc của hai người, “Đây là chiếc xe đạp cực kỳ đặc biệt đối với tôi. Tôi cảm ơn nó nhiều lắm vì nó đã giúp tôi đưa ra quyết định quan trọng nhất trong đời: Lấy ai làm chồng? Và sau 10 năm chung sống, tôi chưa bao giờ tiếc nuối điều gì từ quyết định đó!”