Chuyện thường ở Thủ đô

ANTĐ - Nước mất từ thứ 6 tuần trước. Chẳng ai để ý, đến khi biết thì nước đã mất được một ngày. Cứ ngỡ chỉ là cắt nước luân phiên gì đó, hôm trước hôm sau là có. Nhưng hôm sau vẫn không có. Hàng xóm í ới hỏi nhau, thì mới hay chuyện đường ống dẫn từ sông Đà về bị vỡ một đoạn ở Đại lộ Thăng Long rồi. Xóm xóm xôn xao bàn tán, thế thì phải 3 ngày mới có. Ngày xưa ở quê, có tục lệ đầu năm đi lấy nước lấy may. Giếng làng đầy và trong thì đó là báo hiệu một năm may mắn, no đủ. Chưa qua rằm tháng Giêng đã chịu cảnh mất nước, liệu có "điềm" gì không?

Chẳng biết sự "cả nghĩ" của người già có là quá đà không, nhưng rõ ràng, ở giữa Thủ đô, việc để xảy ra mất nước kéo dài đến 5 - 7 ngày ngay từ đầu năm là một việc... bất thường. Hà Nội không lạ gì cảnh cắt điện, cắt nước, Hà Nội cũng không lạ gì những cảnh sống... rất Hà Nội với bao nhiêu sự bất tiện, thậm chí kém cả mức sống ở nông thôn, nhưng đầu năm 2012 mà giữa Thủ đô lại tái diễn cảnh ăn nhờ ở đậu, mang đủ thùng, can, chai, lọ, ấm, chậu... xếp hàng hứng từng giọt nước quý báu như thời bao cấp kéo dài gần tuần lễ thì thật là đáng ngán ngẩm.

Nằm trong con số hơn 40.000 hộ dân chịu sự cố vỡ đường ống sông Đà, may mắn nhà chúng tôi còn có bể dự trữ nên không mấy khốn khổ, nhưng nhiều khi tằn tiện từng giọt (vì không biết bao lâu nữa thì mới khắc phục xong sự cố) mà thầm nhủ, khổ như ở sa mạc Sahara. Quần áo cả tuần không giặt, đương nhiên người cũng ngần ấy ngày chỉ "tắm trích đoạn" cho xong. Vì là khu vực cuối nguồn như Định Công Thượng, Bùi Xương Trạch… đến tận đêm khuya thứ 4 tuần này (8-2), nghĩa là 6 ngày, nước mới chầm chậm bò về. Vậy là, hưởng niềm vui nước sạch chưa bao lâu, người dân ở đây đã "nếm mùi" khổ ải. Những nhà nào còn dự phòng đường nước giếng khoan thì vẫn bơm, lọc cả ngày, sống tạm. Những nhà đã "đoạn tuyệt" với thứ nước chứa nồng độ thạch tín cao chết người ấy thì nghe tiếng nước chảy tóc tách bên hàng xóm mà thèm, chặc lưỡi, biết thế...

Một điều lạ là, sự cố lớn, ảnh hưởng đến khu vực dân cư rộng lớn của Hà Nội như thế mà ban đầu không hề thấy có thông báo chính thức của các cơ quan chức năng. Người ở nhà thì chỉ đồn đoán, phấp phỏng. Dân công sở vào được mạng thì thi thoảng đọc được những thông tin để thấy, nhiều người khổ như mình. Hiếm hoi là một tấm ảnh chụp đường ống bị vỡ. Rồi mãi mới thấy một lời xin lỗi của Giám đốc công ty Viwaco, kèm theo lời hứa rằng ngày 7-2 chắc chắn sẽ trả nước về cho 40.000 hộ dân đang "bốc mùi".

Người dân lại dài cổ chờ và chờ, thèm nước và "tức nước" thì đành comment trên các báo mạng, thể hiện nỗi bực dọc và thất vọng, thông báo cho nhau biết khu vực mình ở đã có nước chưa chứ chẳng biết làm gì hơn. Lại nghĩ, một sự cố tuy không phải là nhỏ, nhưng giữa những ngày thời tiết đẹp hiếm hoi, không mưa phùn gió bấc, chẳng động đất sóng thần, giữa đại lộ rộng thênh thang, nghĩa là, mọi điều kiện thuận lợi tới mức không thể thuận lợi hơn, lẽ ra, việc sửa chữa, khắc phục sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chứ không thể kéo dài đến mức cuộc sống của người dân trở nên xáo trộn, đảo lộn hết cả đến như vậy? "Không đóng tiền thì họ cắt ngay, nhưng để xảy ra tình trạng này chẳng ai đền bù cho khách hàng. Bao giờ mới hết cảnh độc quyền đây", một người đã thốt lên như vậy. Câu nói không mới, nhưng cũng đã làm hởi lòng nhiều người. Chỉ tiếc, comment trên báo mạng thì có lẽ cũng chỉ giống "gửi gió cho mây ngàn bay" mà thôi.

Lần này, thôi cũng qua rồi. Còn những lần sau, lần sau nữa thì sao đây? Chả lẽ xây thêm bể chứa trên… nóc nhà? Đành phó mặc "bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao" vậy.   

Tin cùng chuyên mục