Chuyện tạp trong mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách thêm một đợt nữa để chống dịch. Toàn thành phố vắng lặng đến lạ thường. Không còn người xe đi như mắc cửi. Không còn lảnh lót những tiếng rao của hàng quà bánh hay những lời thì thầm hò hẹn. Không còn tiếng ồn ào mặc cả của mấy bà, mấy mẹ ở các khu chợ tạm dưới chân chung cư hay ngã ba đầu phố. Cũng không còn cảnh tắc đường, kẹt xe đến phát bực mỗi khi tan tầm hay tiếng trẻ con hò hét gọi nhau ra khoảng sân trống nô đùa...
Những chốt chặn kiểm soát người dân ra vào ở mỗi tổ dân phố

Những chốt chặn kiểm soát người dân ra vào ở mỗi tổ dân phố

Nỗi buồn sống chậm

Nhịp sống bỗng trở nên ngột ngạt, đông cứng khi hàng ngày các phương tiện thông tin đại chúng liên tục loan tin các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong cộng đồng. Khu tôi ở, mấy thanh niên ngổ ngáo đang tuổi dư thừa năng lượng, hàng ngày đá bóng, chạy nhảy khắp nơi, coi thường cả sự nhắc nhở của tổ dân phố, nhưng từ khi có mấy ca F0 gần đó cũng đã ở tịt trong nhà không thấy ló mặt ra đường. Thế mới biết, cái câu “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ” chẳng sai tí nào.

Khi cuộc sống còn ồn ào náo nhiệt, người ta thèm khát có một khoảng thời gian tĩnh lặng để ở nhà nghỉ ngơi bên gia đình. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, buộc phải ở trong nhà thì lại phát sinh những chuyện chẳng biết nên cười hay mếu. Chuyện đầu tiên phải kể là làm việc ở nhà. Hẳn thế rồi, dù thế nào thì cuộc sống vẫn phải vận động. Không thể dừng việc lao động và học tập lại.

Ở nhà không có nghĩa là được nghỉ mà phải làm việc trực tuyến qua mạng. Dịch bệnh không lường trước nên chẳng phải ai cũng đủ điều kiện và khả năng để trang bị máy tính, phương tiện làm việc cho tất cả các thành viên gia đình. Thế nên, sẽ không có gì bất ngờ khi thường xuyên xảy ra những cuộc chiến nho nhỏ giành giật máy tính giữa các ông bố, bà mẹ với những đứa con cần học online. Và tất nhiên phần thắng luôn thuộc về… kẻ yếu.

Một con chuồn chuồn từ ngoài cửa sổ bay vào nhà rồi đậu trên bậu cửa. Mắt nó sáng rực, nín thở rón rén bò đến phía sau định bắt. Chỉ còn cách nửa bước chân, con chuồn chuồn giật mình, bay mất. Cái bụng đỏ rực như quả ớt chín của nó biến khỏi tầm mắt trong tích tắc. Thằng bé nhìn theo đầy tiếc nuối. Đã hơn 8 tháng lũ trẻ chỉ quanh quẩn trong nhà. Biết đến bao giờ chúng mới được hít thở bầu không khí tự do của khoảng không gian mênh mông và chạy nhảy trên những bãi cỏ xanh mà nay chỉ được nhìn qua ô cửa!

Nhà báo Chí Tùng

Việc của bố, của mẹ đành phải tranh thủ làm vào những lúc lũ trẻ không học. Mà làm việc ở nhà cũng lắm nhiêu khê, có lúc đang họp online hết sức nghiêm túc thì ở một vài điểm cầu, lũ trẻ con lao vào mè nheo, quậy phá. Cả phòng họp được phen cười ra nước mắt. Có lúc cần xử lý việc quan trọng thì máy tính lăn đùng ra “chết”. Không thể ra đường đến cơ quan làm việc vì “không có giấy xác nhận”.

Tiệm sửa máy tính cũng bị đóng cửa hết vì “không phải là mặt hàng thiết yếu”. Thế là thời gian và quãng đường còn lại trong ngày của một “trụ cột gia đình” là từ trên giường ra ghế sofa và ngậm ngùi nghe con làm bài văn tả bố theo kiểu: “Nhà em có nuôi một ông bố. Bố em cả ngày quanh quẩn trong nhà ăn no rồi nằm ngủ. Lúc nào bố em thức dậy là ôm cái ti vi. Em muốn xem chương trình của em nhưng bố cũng không cho. Mẹ em bảo, nuôi bố như nuôi ỉn…”.

Đêm Hà Nội vắng vẻ không một bóng người trong những ngày giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh: LAM THANH

Đêm Hà Nội vắng vẻ không một bóng người trong những ngày giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh: LAM THANH

Ước mơ thanh bình

Dịch bệnh cũng khiến việc chợ búa, ăn uống của những bà nội trợ trở nên nhiêu khê. Để giãn cách, chính quyền địa phương phát phiếu đi chợ cho các hộ dân. Địa bàn nào đi chợ ở địa bàn ấy. Khu tôi ở cách chợ Cầu Diễn chỉ vài bước chân, nhưng về chỉ giới hành chính lại thuộc quận Nam Từ Liêm. Thế là các bà nội trợ không được đến mua hàng quen ở chợ Cầu Diễn mà phải ra chợ Mỹ Đình cách nhà hơn 3km. Đã có những tranh cãi xảy ra với ông đại diện tổ dân phố bởi lý do, vì sao chợ gần nhà, đi mất ít thời gian hơn mà lại bắt dân đi xa, ra đường nhiều hơn, dễ có nguy cơ lây nhiễm? Chỉ khổ ông đại diện tổ dân phố, bởi ông cũng chỉ là người thừa hành, làm sao đủ lý lẽ để giải thích cho dân.

Phiếu đi chợ phát được 1 tuần, dân lại được thông báo: “Khu vực này là vùng xanh, phải tổ chức cung cấp nhu yếu phẩm tại chỗ, hạn chế ra ngoài. Các hộ lên đơn sẽ có đội hậu cần đi chợ giúp, không phát phiếu đi chợ”. Vợ tôi cũng giống mấy bà nội trợ khác hí hửng vì từ nay sẽ đỡ phải mất thời gian. Ngày đầu tiên hưởng thụ thành quả của nhóm “đi chợ giúp dân”, vợ tôi mang nửa ký tôm nõn về rang, nhưng nửa chừng phải đổ bỏ vì tôm bở nát và bốc mùi không chịu nổi. Không còn cách nào khác, các bà nội trợ cùng khu bảo nhau ra siêu thị mua khiêng về nào rau, nào thịt, nào cá, nhét chật cứng tủ lạnh. Nhà nào nhà nấy đồ ăn nhiều đến phát khiếp.

Nhà báo Chí Tùng

Nhà báo Chí Tùng

Quanh quẩn trong bốn bức tường với một đống thực phẩm, thế là màn biểu diễn “siêu đầu bếp” của các bà, các mẹ được dịp trổ tài. Kỹ năng nấu nướng của họ được dịp thể hiện bằng đủ các món học được trên mạng. Họ lập hội nhóm với nhau để chia sẻ công thức. Tất nhiên là bánh có cháy, món ăn có quá lửa hay thừa gia vị thì chồng con cũng cấm được hé răng nếu không muốn “giàn thiên lý đổ”. Và cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi cân nặng của cả nhà cứ lên vù vù.

Ăn lắm, ngủ nhiều, xem phim rồi cũng chán, lũ trẻ con trước còn được ra hành lang chơi với nhau, nay lại bị nhốt trong nhà nên càng cuồng chân. Chúng ngồi trong song cửa, thò chân, thò cổ ra ngoài ý ới chuyện với nhau. Chán chuyện chúng tha thẩn đi hết xó nhà, lục lọi mót trong đống đồ chơi cũ hoặc bất cứ đồ vật nào có thể nghịch. Ở cái tầng chung cư nhà tôi, từ ngày bọn trẻ bị nhốt trong nhà cứ thỉnh thoảng lại nghe tiếng bố mẹ lanh lảnh quát con, rồi tiếng trẻ con khóc ré lên. Thằng cu hàng xóm bị bố tẩn 1 trận vì cái tội bơm mực vào tuýp kem đánh răng. Ông nội mắt kém không biết cứ thế lấy ra đánh khiến mồm miệng xanh lè xanh lét. Con bé thì lôi đống mỹ phẩm của mẹ bôi lên mặt để làm công chúa. Vẽ chán lên mặt thì trát lên tường.

Thằng bé nhà tôi sau lần bị tét mông vì tội đá bóng trong nhà làm vỡ tivi giờ ngoan hẳn. Nó tha thẩn chơi bộ lego cũ. Một con chuồn chuồn từ ngoài cửa sổ bay vào nhà rồi đậu trên bậu cửa. Mắt nó sáng rực, nín thở rón rén bò đến phía sau định bắt. Chỉ còn cách nửa bước chân, con chuồn chuồn giật mình, bay mất. Cái bụng đỏ rực như quả ớt chín của nó biến khỏi tầm mắt trong tích tắc. Thằng bé nhìn theo đầy tiếc nuối. Đã hơn 8 tháng lũ trẻ chỉ quanh quẩn trong nhà. Biết đến bao giờ chúng mới được hít thở bầu không khí tự do của khoảng không gian mênh mông và chạy nhảy trên những bãi cỏ xanh mà nay chỉ được nhìn qua ô cửa!

Tin đọc nhiều