Chuyện quanh chiếc “thùng nhận trẻ bỏ rơi”

ANTĐ - Chiếc thùng gửi trẻ đầu tiên ở Hàn Quốc chuyên nhận trẻ bị bỏ rơi đang là tâm điểm tranh cãi của dư luận nước này. Mặc dù nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng chiếc thùng đặc biệt này cũng gặp phải không ít vướng mắc vì Luật Nhận con nuôi của Hàn Quốc.

Ông Lee chăm sóc đứa con 18 tuổi tàn tật tại nhà trẻ của ông

Nơi tạm trú an toàn

Mục sư Lee Jong-rak, 60 tuổi, ở nhà thờ Ju-sarang, ngoại ô phía nam Seoul, Hàn Quốc không bao giờ quên được thời khắc ông nhận cháu bé đầu tiên trong chiếc thùng gửi trẻ. Lúc đó vào tháng 3-2010, một cháu bé được quấn trong chiếc khăn bẩn giãy khóc bên trong chiếc thùng gửi trẻ. Chứng kiến cảnh tượng đó, tất cả mọi người trong nhà thờ Ju-sarang đều tuôn trào nước mắt.

Chiếc thùng gửi trẻ của mục sư Lee là chiếc thùng đầu tiên và duy nhất ở Hàn Quốc được đặt trên tường nhà thờ Ju-sarang từ tháng 12-2009, sau khi có một cháu bé bị bỏ rơi trước cửa nhà thờ này. Lúc đó cháu bé tím tái như sắp chết vì bị hạ thân nhiệt. “Tôi nghĩ cần một nơi để các cháu bé bị bỏ rơi được an toàn. Sau đó nghe nói một bệnh viện ở Cộng hòa Czech có một cái nên tôi quyết định làm theo họ”, ông Lee kể lại.

Chiếc thùng đặc biệt này được thiết kế có nguồn cung cấp oxy, lò sưởi và có hai cửa, một bên ngoài và một bên trong nhà thờ cùng một cái chuông báo cho nhân viên nhà thờ biết có trẻ gửi đến. Từ đó đến nay nhà thờ đã nhận được 231 cháu bé, trong đó 50 cháu được đưa trở về với gia đình, và nhiều cháu khác được nhận nuôi. Hiện tại ông Lee đang nuôi dưỡng khoảng 30 cháu, cháu bé nhất mới 2 tháng tuổi, lớn nhất 18 tuổi. Nhiều cháu trong số đó bị điếc, mù, liệt, tự kỷ hoặc down bẩm sinh. Hàng ngày, ông Lee cùng đội ngũ bảo mẫu chăm sóc, nuối nấng các cháu với tất cả tình thương yêu. 

Một lá thư của người mẹ để lại sau khi bỏ rơi con tại nhà trẻ của ông Lee

Rắc rối pháp lý

Mọi việc trở nên khó khăn hơn đối với nhà trẻ của mục sư Lee từ khi Luật Nhận con nuôi có hiệu lực từ tháng 8-2012, quy định không được nhận nuôi trẻ trừ khi trẻ đó đã được bố mẹ ruột đăng ký khai sinh. Luật này nhằm thắt chặt các thủ tục và áp dụng một quá trình minh bạch, một hệ thống đăng ký nghiêm ngặt và bảo vệ trẻ em tốt hơn. 

Theo mục sư Lee, từ ngày luật này được áp dụng, mỗi tháng nhà thờ của ông Lee nhận trung bình đến 15 cháu. Trước đó, con số này chỉ là 1 đến 2 cháu. “Đa số các bà mẹ ở tuổi vị thành niên còn độc thân nên sợ ảnh hưởng đến tương lai khi đăng ký khai sinh cho con”, ông Lee cho biết. Cũng theo ông Lee, chính những định kiến xã hội khiến các bà mẹ đơn thân bị phân biệt đối xử và chưa có tổ chức xã hội nào giúp họ nuôi con nên ít người dám đi khai sinh cho con. 

Những năm gần đây, số trẻ gửi tại trại trẻ Ju-sarang ngày càng tăng. Bên cạnh tính nhân đạo, thùng gửi trẻ này cũng gặp phải phản ứng ngược chiều trong dư luận khi nhiều người không ủng hộ trại trẻ của mục sư Lee. Hồi năm 2013, Bộ Y tế và Phúc lợi nước này cho rằng thùng gửi trẻ của nhà thờ Jusarang là bất hợp pháp và cần phải gỡ bỏ bởi theo Bộ luật Hình sự Hàn Quốc, việc gia đình bỏ rơi con trẻ là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt đến 2 năm tù giam.  

Vẫn có thêm những chiếc thùng

Mặc cho những quan điểm phản đối, tờ Korea Times hôm 23-1 vừa qua đưa tin, một chiếc thùng gửi trẻ thứ 2 sắp xuất hiện. Người sáng lập trường Tiểu học Toàn cầu Sarang (một trường tư thục đầu tiên dành cho trẻ em là con lai ở Hàn Quốc) ở Guro-gu, Seoul, mục sư Kim Hae-sung cho biết bà sẽ cho đặt một chiếc thùng gửi trẻ dành cho những người mẹ đơn thân là người nước ngoài sống ở Hàn Quốc. Chiếc thùng này dự kiến sẽ “khai trương” vào tháng 3-2014 và được đặt tại Garibong-dong, ở Guro-gu, Seoul, một khu vực tập trung nhiều người nhập cư.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2013 đã có 152 trẻ sơ sinh tại đất nước này bị bỏ rơi, trong khi đó so với năm 2012 chỉ là 62 cháu. Hàn Quốc, có luật quy định nhằm mục đích “Trẻ em sinh ra có quyền được biết nguồn cội”, tuy nhiên nhiều người cho rằng chính phủ cần sửa đổi luật này để tạo điều kiện cho trẻ em có thể dễ dàng được nhận nuôi hơn.