Chuyện “ông Luyện nhặt rác hồ B52”

ANTĐ - Thay vì tập thể dục mỗi ngày, 20 năm nay, ông  dành thời gian cho việc nhặt rác, làm sạch hồ Hữu Tiệp. Đã có người đề xuất trả lương cho việc này nhưng ông từ chối bởi đơn giản ông chỉ mong muốn góp phần làm sạch cảnh quan môi trường. Đó là ông Đỗ Sáng Luyện, cư dân tại khu vực hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). 

Chuyện “ông Luyện nhặt rác hồ B52”  ảnh 1

Thay thể dục bằng việc nhặt rác

Ông Đỗ Sáng Luyện vốn là thanh niên xung phong. Từ năm 1990 - 2004, ông giữ cương vị tổ trưởng tổ dân phố. Cũng kể từ đó, hình ảnh ông cụ đầu tóc đã bạc, dáng người bé nhỏ cầm chiếc vợt tự chế cần mẫn vớt rác tại Hồ Hữu Tiệp – nơi lưu giữ xác máy bay B52 đã bị quân dân ta bắn rơi năm 1972 - không còn xa lạ với người dân phường Ngọc Hà. Mọi người gọi ông với cái tên thân thuộc là ông Luyện “rác” hay “ông Luyện hồ B52”.

Niềm vui của ông Luyện là làm sạch hồ, vớt túi nilon do người dân thiếu ý thức quăng xuống hồ và kiêm luôn việc dọn dẹp chợ cóc gần nhà. Bác Nguyễn Thị Thu, người dân phường Ngọc Hà cho biết: “Trước đây, hồ Hữu Tiệp gần như là điểm chứa rác, nước hồ bị ô nhiễm nặng, rác thải nổi lềnh bềnh, nước bốc mùi tanh rất khó chịu. Người dân không dám lại gần ngắm cảnh. Nhưng kể từ khi có bác Luyện ngày ngày vớt rác, mặt hồ được sạch sẽ, nước trong xanh trở lại. Mọi người ý thức hơn, tình trạng đổ rác thải, phế liệu xây dựng không còn”.

Đã có người dân từng đề nghị UBND phường cấp kinh phí hỗ trợ nhưng ông không nhận.

Ông chia sẻ: “Tôi vớt rác không phải là vì hoàn cảnh khó khăn. Việc giữ gìn di tích, môi trường là trách nhiệm của mỗi công dân”. Hàng ngày, ông dùng chiếc vợt buộc lưới đơn giản, dài 6m cùng với chiếc bao tải vớt từng bọc nilon, cọng rau, lá cây, chai lọ trên mặt hồ. Buổi trưa, khi chợ tan, ông lại đi gom rác rồi đưa đến điểm tập kết của khu dân cư. Khi được hỏi lý do thôi thúc ông gắn bó với công việc ít người làm này, ông Luyện kể: “Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Trước đây, tôi là thanh niên xung phong và  tôi đã chứng kiến khoảnh khắc máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp. Sự kiện đó đã nhắc nhở tôi phải có trách nhiệm giữ gìn di tích để thế hệ sau hiểu hơn về lịch sử”.

Nhắc nhở cho con trẻ

Ngay gần khu vực hồ Hữu Tiệp có trường tiểu học Ngọc Hà, ông Luyện tâm sự thêm: “Tôi vớt rác cũng là để khi con trẻ thấy ông cụ gần 80 tuổi vớt rác, chúng sẽ có ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường. Lúc tôi già yếu, không làm được nữa, chúng sẽ thay thế tôi vớt rác tại hồ Hữu Tiệp”. Niềm trăn trở của ông Luyện cũng là điều dễ hiểu, bởi trong  nhịp sống vội vã hiện nay, ít người có thể làm công việc mà người ta gọi là  “vác tù và hàng tổng” như ông.

 Việc làm của ông Luyện đã được người dân phường Ngọc Hà ghi nhận và đồng cảm. Bác Nguyễn Văn Hồng cho biết: “Bác Luyện đã nhiều tuổi mà làm được những việc hơn cả lớp trẻ. Bác là người rất có trách nhiệm, không có bác thì hồ không được như bây giờ. Từ khi thấy bác đã cao tuổi, ngày ngày nhọc công vớt rác, mọi người cũng bảo nhau có ý thức hơn. Tôi mong đơn vị quản lý di tích nên thuê người về dọn dẹp, gom rác khu vực hồ Hữu Tiệp và chợ cóc gần đó để những người tuổi cao như bác Luyện không phải trăn trở”.

Nhờ sự cần mẫn của ông Luyện, không khí hồ Hữu Tiệp đã trở nên trong lành, mát mẻ với hàng cây xanh phủ bóng ven hồ. Người dân nơi đây có thể tự hào “lá phổi xanh” của làng hoa Ngọc Hà đã được hồi sinh. Mỗi buổi chiều, dân cư có thể ra quanh hồ tập thể dục, đây cũng là địa điểm vui chơi của trẻ em. “Làm hết việc nhà, tôi tìm việc ngoài xã hội và xem đó là niềm vui lúc tuổi già, cống hiến một phần sức lực của mình cho cộng đồng” - ông Luyện chia sẻ thêm.

Hành động của ông Đỗ Sáng Luyện giản dị nhưng có ý nghĩa lớn trong xã hội hiện nay. Mong rằng, những việc làm của ông ngày càng được xã hội chia sẻ, cùng chung tay xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp.