Chuyện ông giáo “nhặt” học sinh về từ bãi rác

ANTĐ - 22 năm nay không có lương, không thu học phí, không nhận quà biếu, ông giáo Nguyễn Trà 82 tuổi vẫn đứng lớp để dạy những đứa trẻ trong làng. Nhiều người gọi ông là “điên”, “khùng” nhưng tấm lòng người thầy vẫn không suy suyển…

Chuyện ông giáo “nhặt” học sinh về từ bãi rác ảnh 1Lớp học của thầy Trà chỉ một “có” duy nhất là “tình thương yêu”

Lớp học “ba không”

Thầy Nguyễn Trà (SN 1933, trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) tốt nghiệp khóa đầu tiên khoa Vật lý, trường ĐH Sư phạm. Sau mấy chục năm dạy tại các trường ở Hà Nội như THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Trãi, năm 1989 ông nghỉ hưu theo chế độ. Ở nhà, nhớ trò, lại vẫn đau đáu với nghề, năm 1992 ông bắt đầu mở lớp rèn chữ, dạy các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ ở sân đình Trung Tự. Ban đầu chỉ có một học trò, sau nhiều người đi qua thấy chữ thầy đẹp nên ngỏ ý mang con cháu đến nhờ thầy kèm giúp.

Thoáng cái đã 22 năm. Suốt 22 năm đó thầy giáo già vẫn tận tụy giảng dạy “không công” cho nhiều thế hệ học trò, trong đó có nhiều em cơ nhỡ, nghèo khó. Từ một tuần 4 buổi đứng lớp ở ngoài đình, giờ sức khỏe yếu nên ông chỉ dạy được 1 buổi/tuần vào chủ nhật tại nhà. Ông đùa vui rằng lớp học của mình “ba không”: “không lương”, “không giờ giấc” và “không khai giảng, bế giảng” và chỉ một “có” duy nhất là “tình thương yêu”.

Học sinh “lớp thầy Trà” có nhiều em hoàn cảnh khó khăn, được ông “gom” về từ xóm bãi rác, xóm lao động nghèo, nhiều em đã 7, 8 tuổi nhưng chưa biết chữ. Nói rồi ông kể lại câu chuyện năm 2000 ông “lôi” cậu bé 8 tuổi tên Tường hàng ngày nhặt rác vào lớp học. “Tôi thấy thằng bé ăn mặc rách rưới, mặt nhem nhuốc nên hỏi sao cháu phải đi nhặt rác? Thằng bé đáp: Cháu nhặt rác để mua bánh mì. Hỏi hoàn cảnh gia đình, thằng bé lễ phép thưa: Bố mẹ đi đẽo gạch, con theo bố mẹ từ Thanh Hóa ra Hà Nội kiếm sống. Nghe xong tôi rớt nước mắt. Tôi bảo cháu không nhặt rác nữa, trưa tôi cho tiền mua bánh mì còn giờ vào ngồi học cùng các bạn. Quyển vở và bút chì của thằng bé tôi cũng mua cho. Nghĩ mà thương”.

Từ lớp học này nhiều thế hệ học trò của thầy Trà đã thi đỗ cao đẳng, đại học hay học nghề, tìm được công việc ổn định. Ôn lại kỷ niệm cũ, ông lật lại từng bức ảnh, vẫn nhớ như in từng cô cậu học trò. “Học trò lớn nhất của tôi giờ đã 53 tuổi, đang làm giáo viên, đồng nghiệp của tôi rồi. Hôm trước cô ấy mang con đến đây xin học ngoại ngữ”, thầy Trà tự hào nói.

Tận tụy như vậy nhưng suốt những năm tháng ấy, ông không nhận bất cứ cái gì của học trò, phụ huynh. “Một lần bố mẹ học sinh mang đến một con gà đến đây nói, thầy không lấy học phí thì lấy gà, gà nhà nuôi ở quê biếu thầy. Tôi chỉ nói một câu: Tôi nhận gà thì không nhận con cô”. Nói vậy bởi thứ mà ông quý nhất, trân trọng nhất là tình cảm, chứ không phải là vật chất. “Mỗi lần lễ, Tết, học trò cũ đến chơi với thầy ôn lại kỷ niệm xưa. Vậy là đủ rồi”, ông nói.

Chuyện ông giáo “nhặt” học sinh về từ bãi rác ảnh 2Cuốn từ điển có thâm niên 70 năm được thầy Trà chép lại từ 1.000 trang từ điển 

Không cho phép mình nghỉ ngơi 

Khó ai tin được, mặc dù học Vật lý nhưng thầy Trà dạy cả Ngữ văn, Toán, 5 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức, Italia, Hán cho học trò. Dạo Hà Nội bùng nổ các lò luyện thi, có người trong làng ác khẩu, nói ông bị “khùng”, “điên”, vì với kinh nghiệm và tài năng đó, ông có thể mở lớp kiếm bộn tiền. Nghe vậy, ông chỉ cười hiền: “Nếu tôi điên thì đã không dạy được. Ở tuổi này tôi chưa quên gì cả. Họ nói gì thì nói nhưng tôi làm theo lương tâm của nghề giáo, yêu thương và mong muốn giúp học trò thoát khỏi mù chữ. Còn quá nhiều em nhỏ nghèo, khổ quá không được đến trường”.

Ở tuổi 82, ông giáo già vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi. Hàng ngày ông vẫn cặm cụi tỉ mẩn với những cuốn sách ngoại ngữ, bản thảo tiếng Hán trên bàn làm việc. Ông bảo: “Ngoài sân có hoa, trong nhà có sách là điều hạnh phúc nhất”.

Nhận được thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp 20-11 vừa qua, thầy Nguyễn Trà xúc động: “Hàng xóm láng giềng kéo cả đến chúc mừng, nói đó là vinh dự lớn. Thật sự tôi hạnh phúc vì mình làm được việc thiện, giúp được nhiều trẻ em không được đi học thoát khỏi mù chữ, có công ăn việc làm ổn định”.