Chuyện ở những phòng khám... nhạy cảm

ANTĐ - Hiện nay, tại các đơn vị khám và điều trị sản phụ khoa, số bác sĩ nam không ít, từ bộ phận chẩn đoán hình ảnh đến khám phụ khoa và cả đỡ đẻ nữa… Bác sĩ nữ khám sản, phụ khoa đã đành, nhưng bác sĩ nam thì lại có nhiều chuyện… cười ra nước mắt, nhất là trong khi văn hóa Á đông còn chưa cởi mở, nhiều người còn ngại đi khám phụ khoa. 

Sau tấm rèm phòng khám phụ khoa

Bác sĩ Nguyễn Thị Vân hiện đang công tác tại Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng đã có kinh nghiệm hơn 20 năm tại các phòng khám sản phụ khoa, chứng kiến bao chuyện buồn vui của bệnh nhân, có những chuyện còn là bí mật “sống để dạ, chết mang theo” mà chỉ chị và bệnh nhân biết. Mỗi ngày trung bình chị khám cho vài ba chục bệnh nhân, có khi còn nhiều hơn thế, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện khác nhau. Buồn nhất là những trường hợp đến xin đình chỉ thai nghén với đủ các lý do, thôi thì bệnh nhân yêu cầu thì bác sĩ phải làm, nhưng có những trường hợp thấy “có vấn đề”, chị phải nhỏ to tâm sự để có hướng giải quyết tốt hơn. 

Có trường hợp cô sinh viên ở ký túc xá, có quan hệ với bạn trai đến khi có thai mà vẫn không biết. Bạn bè thấy nghi ngờ, đưa đến phòng khám thì cái thai đã trên 20 tuần. Cô bé khóc lóc xin được “phá thai”, nhưng bác sĩ Vân phải động viên giải thích rất lâu để cô bé hiểu với thai to như vậy thì pháp luật không cho phép phá, ở khía cạnh đạo đức cũng không cho phép. Chị hướng cô bé đến một số phương án, hoặc là nếu bạn trai không cưới và không đủ khả năng nuôi con thì có thể đẻ rồi cho người khác nhận làm con nuôi, còn trường hợp tốt nhất là nói chuyện với gia đình hai bên để được cưới. Sau một đêm suy nghĩ, hôm sau cô sinh viên vẫn đến và nằng nặc xin phá thai vì “nếu biết, bố mẹ sẽ giết cháu”. Lúc này, chị đành làm nhà tâm lý bất đắc dĩ, chị cầm điện thoại và gọi về cho mẹ cô bé tâm sự, đồng thời bảo cô bé đưa người yêu đến để giải thích, động viên hai bạn nên cưới nhau. 

Lại có trường hợp chị nọ đến xin phá thai. Sau khi bác sĩ hỏi han, chị bật khóc tu tu bảo vì hai vợ chồng cãi nhau nên đi bỏ thai. Lúc này, bác sĩ lại phải giải thích rằng đứa con không có tội gì và khuyên chị bình tĩnh suy nghĩ lại. “Về sau bệnh nhân này đã giữ lại thai và tôi là người chăm sóc thai nghén cho chị ta. Thi thoảng chị vẫn bế con đến phòng khám và còn đùa: Ngày ấy nếu bác sĩ không đuổi em về thì lấy đâu có thằng cu này mà bế” - Bác sĩ Vân kể. Rồi cũng có trường hợp đặc biệt, vừa bi, vừa hài. Có chị người quen đến xin phá thai, mới đầu thì nói dối là không muốn đẻ vì điều kiện không cho phép. Chị khuyên can các kiểu không được, sau chị này mới ghé vào tai bác sĩ nói nhỏ: Chị ơi, không phải của chồng em đâu, em mà để đẻ thì tan cửa nát nhà. Hay có chị bạn thân phải “ngậm bồ hòn” dẫn cô giúp việc trẻ măng đến nhờ chị “giải quyết” vì “nó là của chồng chị đấy, để vỡ lở ra thì còn ra thể thống gì nữa, có mà mất ghế luôn”. Lại có chị giúp việc trung niên bị đau lưng, chủ dẫn đi khám đau lưng lại phát hiện có thai. Hóa ra chị này có quan hệ với cả… mấy anh thợ xây gần đấy, khi thì tranh thủ lúc đi “thể dục buổi tối”, khi thì chủ đi vắng còn dẫn cả tình nhân về “vui vẻ”. Dù đó là công việc, là trách nhiệm của người bác sĩ sản khoa nhưng không ít lần chị cảm thấy xót xa.

Nam bác sĩ khám… phụ khoa

Một bác sĩ sản khoa cho biết, có lần, một anh chồng đưa vợ đi khám phụ khoa. Khi vợ vào phòng khám, lúc bắt đầu nằm lên bàn thì anh chồng xồng xộc đẩy cửa xông vào bắt vợ xuống bàn đi về làm mấy chị bệnh nhân xung quanh được phen tím tái mặt mày. Hóa ra anh chồng ngó trộm qua cửa, thấy bác sĩ nam khám cho vợ nên “ghen” không thể chịu được mới xông vào lôi vợ ra. Trong khi chị vợ luống cuống chưa hiểu chuyện gì thì anh chồng liên tục chửi bới ầm ĩ về cái tội bệnh viện gì mà để bác sĩ nam khám phụ khoa cho bệnh nhân. Lại có lần bệnh nhân đến khám đúng phải cô vợ người bạn. Khi phát hiện bác sĩ là bạn chồng, chị này nhất quyết đòi về không khám nữa. Theo các nam bác sĩ công tác tại bộ phận sản, phụ khoa thì, tác phong, thái độ của nam bác sĩ khi khám cho nữ giới là rất quan trọng. Bác sĩ cần nhẹ nhàng, vui vẻ nhưng phải có tác phong nghiêm túc, không sỗ sàng để bệnh nhân tin tưởng và tôn trọng.

Và nữ bác sĩ khám… nam khoa 

Ngày nay xã hội đã cởi mở trong nhiều vấn đề liên quan đến tình dục song chuyện các quý ông đến phòng khám nam khoa vẫn rất… tế nhị. Bất đắc dĩ lắm thì anh em mới phải lui tới những phòng khám nam khoa, mà nếu có đến thì cũng phải nhìn trước ngó sau, đeo kính che mũ các kiểu kẻo nhỡ ai nhìn thấy. Chẳng thế mà các phòng khám nam khoa hiện nay vẫn thường chọn những địa điểm kín đáo một chút để bệnh nhân đỡ ngại. 

Với những bệnh nhân như vậy, bác sĩ phải thật gần gũi, thân thiện để họ nói thật về tình trạng, nguyên nhân bệnh. Bác sĩ nam khoa Nguyễn Ngọc Tú tại Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng nói đùa: Bác sĩ nam khoa không chỉ là bác sĩ mà còn phải là một “chuyên gia tâm lý” nữa, bởi đa phần bệnh nhân đến phòng khám nam khoa đều có những câu chuyện buồn của họ. Có người đàn ông trung niên giàu có đến phòng khám buồn bã kể rằng vợ ông vừa “ôm” mấy tỷ bỏ đi theo người tình, mà ông cũng không dám hé răng kể với ai vì bản thân mình bị “yếu” cái khoản đó. Hay có vợ chồng nọ đưa nhau đến khám bệnh phụ khoa, tình trạng bệnh khá nặng. Anh chồng biết thừa nguyên nhân do mình quan hệ với gái mại dâm về lây cho vợ nên trước khi khám phải ghé tai nói nhỏ: Bác sĩ cứu em, nói thế nào chứ vợ em mà biết thì em chết. Thế là bác sĩ phải hướng qua nguyên nhân khác để chị vợ đỡ nghi ngờ. 

Khám nam khoa vốn đã khiến nhiều quý ông ngượng nghịu nhưng nữ bác sĩ khám nam khoa thì thực sự mới có nhiều chuyện. Bác sĩ L là một trong những bác sĩ nữ hiếm hoi trong đội ngũ bác sĩ nam học kể: Đa phần quý ông đến khám nam khoa mà gặp bác sĩ nữ đều ngượng chín mặt và không ít anh đã bỏ về không khám nữa. Có anh đến phòng khám lần đầu gặp bác sĩ nữ ngượng quá bỏ về, đến mấy hôm sau quay lại thì bộ phận sinh dục đã bị sưng phù. Lúc này, anh thanh niên thì xấu hổ nhưng bác sĩ thì phải tận tình khám, để bệnh nhân hiểu những điều khó nói của họ là một loại bệnh, cần phải được khám và điều trị kịp thời. Thậm chí đôi khi bác sĩ lại còn phải nói đùa: “Anh mà còn ngại thì mấy hôm nữa có khi chẳng còn cái gì để mà ngại ý chứ”.

Những tình huống hài hước ở phòng khám đã đành, các bác sĩ nữ khám cho nam còn gặp không ít trường hợp phiền toái. Chả là sau này bác sĩ L chuyển sang khám tại một phòng khám tư vấn sức khỏe sinh sản. Tại đây chị vẫn tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nam. Bệnh nhân nam bình thường đã đành nhưng cũng có không ít trường hợp “bất bình thường”. Có một anh cứ thấy đến “tái khám” phụ khoa thường xuyên, mà điều đáng nói là những trường hợp khác gặp bác sĩ thì ngại ngùng, còn anh này thì mặt mày cứ hớn hở, rất thích nói chuyện về sex. Tiếp xúc vài lần, chị biết hóa ra anh chàng bị bệnh “tình dục lộ thân”. Lại có bệnh nhân xin số điện thoại bác sĩ để “có gì nhờ tư vấn”, thế mà nhiều đêm chị bị dựng dậy bởi tiếng chuông điện thoại của những kẻ nghiện sex tưởng tượng với những ngôn từ “kinh khủng”, thiếu văn hóa.

Đấy chỉ là những câu chuyện về những tình huống bi hài nơi phòng khám sản phụ khoa. Dù phải làm cái công việc nhạy cảm, song các bác sĩ ở đây đều cho biết họ đã và vẫn luôn sẵn sàng chấp nhận, bởi với họ đó là nghề nghiệp. Họ là những người thầy thuốc, mà đã là thầy thuốc thì phải chữa bệnh cho bệnh nhân dù đó là bệnh gì, bệnh tế nhị, hay bệnh khó nói. Còn đôi khi gặp phải tình huống khó xử thì các bác sĩ cũng coi như đó là “tai nạn nghề nghiệp” như nhiều ngành nghề khác. Điều này, các bác sĩ đã được chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.