Chuyển nhượng V-League 2012: Xu hướng thực dụng

ANTĐ - V-League giờ không còn là “thiên đường” của “cò” và cầu thủ ngoại khi hàng loạt CLB thay vì vung tiền như trước, giờ phải thắt lưng buộc bụng vì… bão giá. Cũng vì thế, thị trường chuyển nhượng giữa mùa giải 2012 đã mở được gần một tuần, song vẫn yên ắng lạ thường.
Chuyển nhượng V-League 2012: Xu hướng thực dụng ảnh 1
V-League ngày một thực dụng và không còn là thiên đường của các ngoại binh như trước đây
Ảnh: Quang Thắng


Khan nội binh, dư ngoại binh
Không được đánh giá cao như các đồng nghiệp nước ngoài, song các cầu thủ nội luôn là mục tiêu săn đuổi của các ông “bầu” trong mỗi kỳ chuyển nhượng. Thực tế các nội binh chất lượng đều được các CLB chào đón với mức phí chuyển nhượng cùng chế độ đãi ngộ cao. Và để “rút ruột” một cầu thủ như thế từ đội bóng khác là chuyện gần như không thể, nhất là trong giai đoạn lượt về khi các CLB đề cao sự ổn định và thành tích đội bóng. Bản thân những đội bóng “nhà nghèo” như CS.ĐT hay K.Kiên Giang cũng cố gắng hết sức tăng mức đãi ngộ nhằm giữ chân các cầu thủ trước sự mời chào từ nhiều phía. Trong khi đó, với trường hợp của các ngoại binh, có vẻ như mọi chuyện còn phức tạp hơn. Tiếng tăm của V-League cùng những món tiền chuyển nhượng hấp dẫn là động lực khiến nhiều ngoại binh (chủ yếu là các nước châu Phi) tìm đến sân cỏ Việt. Từ chỗ phải lặn lội sang các châu lục khác tìm kiếm, giờ các CLB chỉ việc ngồi nhà và “chấm” các ngoại binh do người môi giới cung cấp. Nghề “cò” cầu thủ từng được xem là hốt ra bạc, song nay trở nên khó khăn hơn rất nhiều, khi các ông “bầu” ngày càng tỏ ra khó tính và thực tế. Theo quy định mới, từ mùa giải 2012, mỗi CLB chỉ được đăng ký 4 ngoại binh (dùng tối đa 3 người trên sân) và thời gian tới chắc chắn tiếp tục cắt giảm. Vậy nên, các ông “bầu” sẽ phải đắn đo hơn trước khi ký một bản hợp đồng nào đó. Chi tiêu thông minh Đáng nói hơn, đa số các CLB đều thừa nhận, chất lượng các ngoại binh chẳng hơn cầu thủ nội là bao, trong khi nếu ký hợp đồng họ sẽ phải chi nhiều tiền hơn. Với những ông “bầu” vốn xuất thân và sống bằng kinh doanh thì đó chẳng khác nào sự lãng phí. Thực tế hiện nay, khâu tuyển chọn ngoại binh ngày càng được các CLB lưu tâm, siết chặt. Ngay cả những cầu thủ mang mác tuyển quốc gia cũng phải trải qua nhiều khâu “thử giò, thử cẳng” gắt gao, trong khi xác suất thành công lại rất thấp. Ví như trường hợp tiền đạo tuyển quốc gia Công Gô, Thernand Bakouboula sau thời gian thử việc không gây ấn tượng đã bị SLNA từ chối thẳng thừng và đang có nguy cơ phải xách vali về nước. Một phương án thực dụng và khá hiệu quả hiện nay được các ông “bầu” thực hiện đó là tuyển chọn những cầu thủ đã gắn bó với V-League và ít nhiều khẳng định được thương hiệu. Mới đây, tiền đạo Almeida ngay sau khi trở lại Việt Nam đã được nhiều CLB săn đuổi. Dù đã 32 tuổi, lại vừa trải qua giai đoạn nghỉ chấn thương kéo dài song cựu vua phá lưới V-League vẫn được đánh gia cao, đặc biệt với thành tích kỷ lục ghi nhiều bàn nhất tại một mùa giải. Cũng với xu hướng thực dụng hiện nay, phương án chuyển nhượng cầu thủ dưới dạng hợp đồng cho mượn đang được nhiều ông “bầu” lựa chọn. Ưu điểm dễ nhận thấy là các CLB sẽ ngay lập tức có cầu thủ mình cần, cả người cho mượn lẫn được mượn đều đạt được mục đích. Trường hợp của Việt Thắng mới đây là một ví dụ. Ở Bình Dương, tuyển thủ ĐTVN này chỉ như một người thừa giữa hàng loạt ngoại binh khác, trong khi về với đội bóng đang rất khát quân là Thanh Hóa, anh trở nên có giá trị. Việc các đội bóng khắt khe hơn trong tuyển mộ ngoại binh, hay chọn phương án cho mượn hiệu quả như kể trên cho thấy sự tiến bộ trong tư duy các ông “bầu”. Và đó cũng là xu hướng bắt buộc của một nền bóng đá đang hướng lên chuyên nghiệp.