Chuyện những người đàn bà "đeo mặt nạ" nhịn nhục chồng

ANTĐ - "Phụ nữ đương nhiên không thích bị đánh" - Đây là lời khẳng định của các chuyên gia phòng chống bạo lực gia đình trước ý kiến dư luận cho rằng: “Phụ nữ thích bị đánh”. Trước đó, một nghiên cứu đã cho biết, có đến hơn 50% phụ nữ được hỏi cho biết, chồng đánh vợ là “hợp lý”. 

Chuyện những người đàn bà "đeo mặt nạ" nhịn nhục chồng ảnh 1Trưng bày “phương tiện” gây bạo lực gia đình do Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên CSAGA sưu tập. Ảnh: Anh Thư

Nhận lỗi về mình

Tại Hội thảo công bố kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em - phụ nữ 2014 (MICS) do Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên hợp quốc vừa tổ chức, 50% phụ nữ (từ 14-49 tuổi) cho biết, chồng đánh vợ có lý do là chấp nhận được. Đặc biệt, có đến 28,2% phụ nữ cho rằng, người chồng có thể đánh vợ vì các lý do: đi chơi không nói với chồng, bỏ bê con cái, cãi lại chồng, từ chối quan hệ tình dục và… làm cháy thức ăn. Phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, nông thôn, trình độ văn hóa thấp thì càng dễ chấp nhận bị chồng đánh vì mọi lý do. 

Chị Trần Thu H. (32 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) thường xuyên bị chồng đánh vì mọi lý do. Chỉ cần cơm nát chồng chị cũng đánh, chậm nấu cơm, chồng chị cũng phang cả cái nồi vào đầu. Không rót nước khi chồng đi làm về cũng bị chửi là chậm chạp. Suốt 13 năm nay, chị cứ cúi đầu như "con giun, cái kiến" trong gia đình. Nhưng khi thấy có người chê trách chồng, chị H. lại cúi đầu: “Em vụng về, chẳng xinh đẹp khéo léo gì nên anh ấy bực mình là đúng thôi. May mà anh ấy còn chưa bỏ em”.

Trong khi đó, chồng chị H. lên Hà Nội buôn bán tự do. Tiền anh ta gửi về bữa đực, bữa cái. Một mình chị H phải cấy mấy sào ruộng, nuôi lợn gà, chăm bố mẹ chồng già yếu và lo chăm sóc, dạy dỗ 3 đứa con. Còn đối với bạn bè thân, chị H. lại thở dài: “Có thể làm gì được, một nách 3 đứa con, làm sao bỏ được chồng. Hơn nữa anh ta thi thoảng đánh vợ còn cũng không có gì tệ lắm”. 

Bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP (Hà Nội) nhận định: tự đổ lỗi cho mình, cúi mình xuống thật thấp là cách mà nhiều người phụ nữ bị bạo hành “ứng phó” với nỗi đau đớn, tủi hổ mà họ đang phải chịu đựng. “Nếu thấy mình xinh đẹp, tốt bụng, đã hy sinh hết mình vì chồng con, không hề kém cỏi mà vẫn bị chồng đánh thì sự đau đớn có lẽ còn tăng lên rất nhiều lần. Họ chấp nhận bạo lực như một phần cuộc sống, như điều “xứng đáng” được nhận để đỡ phải đối mặt với nỗi đau. 

Bà Tú Anh chia sẻ, bà từng nghe nhiều phụ nữ bị bạo hành kể về việc họ bị chồng đánh và cách họ giãy giụa trong nỗi đau bà đã thấy mệt nhoài, u ám. 

Theo bà Tú Anh, nếu họ không “làm quen” với bạo lực thì có thể sẽ ức chế, suy sụp và tuyệt vọng đến mức tìm đến cái chết. Bà Tú Anh nhắc tới vụ người mẹ tự tử cùng với con trai 4 tuổi tại khu vực cầu Văn Điển (thuộc thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vừa diễn ra. Theo câu chuyện báo chí đưa thì nạn nhân đã bị chồng tát vì nấu cơm sống nên ôm con bỏ nhà đi.

Nhiều người lên án nạn nhân chỉ vì cái tát của chồng mà đã nghĩ quẩn như vậy. “Mọi người chỉ nhìn thấy cái tát mà không nhìn thấy nỗi đau đằng sau “nồi cơm sống”. Chỉ vì lý do vớ vẩn như vậy mà người chồng đã có thể vung tay với vợ. Chắc chắn trước đó, người phụ nữ đó đã phải chịu đựng không ít đau đớn, uất ức. Vì không tìm được sự giúp đỡ, quá tuyệt vọng, mệt mỏi nên chị đã nghĩ quẩn” - bà Tú Anh nhận định. 

Câm nín và thỏa hiệp cho xong chuyện

“Để mình không tuyệt vọng, suy sụp, nhiều phụ nữ bị bạo hành đã phải “lên dây cót” cho bản thân, chấp nhận việc bị chồng đánh, “bình thường hóa” những nỗi đau thể xác và tủi nhục tinh thần” - bà Tú Anh lý giải về việc tại sao 50% phụ nữ lại chấp nhận bị “chồng đánh”. Bà Tú Anh phân tích, những người phụ nữ chịu đựng bạo lực gia đình kéo dài và chấp nhận nó như “một phần của cuộc sống” vì không tìm kiếm được sự giúp đỡ, cũng không tìm được lối thoát cho mình.

Bỏ chồng sợ bị họ hàng kỳ thị, con cái không được nuôi dạy, ra khỏi nhà sợ không có chỗ dung thân, báo công an thì bị coi là “việc trong nhà”, báo Hội phụ nữ lại bị hòa giải xuê xoa, còn ngại bị người khác chê cười, bố mẹ buồn phiền. Thậm chí, ngay cả trong các buổi hòa giải, không ít “chuyên gia gia đình” cấp xã cũng đã phủ đầu: “Chắc là cô cư xử thế nào mới bị chồng đánh”, phụ nữ càng bị cô lập. 

Bà Tú Anh phát hiện, không ít phụ nữ bị bạo lực còn tỏ ra tự hào vì “sự chịu đựng” của mình để giữ được gia đình cho con có bố và cho mình được tiếng “không bị chồng bỏ”. “Có chị mẫn cán làm vợ, làm mẹ trong khi vẫn bị chồng đánh đập gần 20 năm, thậm chí anh ta từng bỏ đi theo người đàn bà khác. Khi quay về, anh ta cũng chỉ ăn bám, lấy tiền của vợ nhậu nhẹt rồi lại đánh đập vợ. Nhưng khi được hỏi có cảm thấy uất ức không thì chị lại mãn nguyện: “Chị vẫn giữ gia đình cho con có bố là hài lòng rồi. Nếu là người khác chắc chẳng chịu đựng được”. Dù sững sờ nhưng tôi lại hiểu thêm một cách đau đớn mà người phụ nữ bị bạo lực đã trải qua để tìm cách thích nghi với nỗi đau” - bà Tú Anh chia sẻ. 

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Hà Nội khẳng định: “Chẳng ai thích bị đánh cả. Con số 50% phụ nữ thấy chồng đánh có lý do là “hợp lý” cũng rất “hợp lý” với diễn biến tâm lý của họ. Vì khi phụ nữ bị đánh lâu quá họ đã mất hết sức phản kháng, thờ ơ đối mặt với đau đớn. Thậm chí nhiều phụ nữ đã rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tâm thần. Phụ nữ bị bạo lực phải câm nín, thỏa hiệp và quen với “văn hóa bị đánh” là vì bị dồn đến đường cùng, không có lựa chọn nào khác”.