Chuyện những ngày đầu Giải phóng

ANTĐ - Tin Hiệp định đình chiến ở Việt Nam được ký kết ở Geneva ngày 20-7-1954 làm cả nước mừng vui. Dân thành thị, nhất là dân Hà Nội nhanh chóng thu vén hồi cư.

Hà Nội những ngày đã xa

Gia đình tôi bỏ phắt nửa quả đồi có hai cây mít cổ thụ, mấy chục gốc cam, hai năm trước mua trên xã Lâm Lợi (Hạ Hòa, Phú Thọ) lấy chỗ chạy giặc phòng khi nó theo sông Hồng đánh lên. Một chiếc bè từ xã Vĩnh Chân đưa mẹ con tôi bập bềnh trôi về xuôi. Trên ấy, ngoài ba lô quần áo là một đống to… củi cọ. Những cái cuống lá cọ khô dài hơn mét chị em tôi kiếm được từ những đồi cọ bạt ngàn của Phú Thọ.

Tin của anh tôi về tiếp quản trước đó đưa ra, bảo dưới này cái gì cũng thiếu. Bắt đầu từ chuyện đun nấu đến chuyện ăn, chuyện ở. Ở thì phải nhờ nhà thờ họ ngoại (số 2 ngõ Yên Ninh), công ăn việc làm thì khó quá. Vừa ra khỏi cuộc chiến, vết thương chưa kín miệng. Kinh tế thì có gì đâu, xin được chân trông xe đạp ở triển lãm đã tốt lắm rồi. Người ta giàu thì ngày ba bữa, mình nghèo cũng phải đỏ lửa ba lần. Chính đống củi cọ đã giúp nhà tôi đỏ lửa được trong mấy tháng liền. 

Thời ấy Hà Nội đun bằng củi, than quả bàng, trấu, mùn cưa. Có hẳn một cơ quan làm việc này là công ty vật liệu chất đốt. Người ta nghĩ ra bếp lò đun trấu, có máng trượt, để trấu cứ chảy xuống đều đều rồi bị đốt cháy lên. Còn mùn cưa thì được nén chặt trong cái bếp sắt hay tôn, có miệng ở dưới. Trước khi nén mùn cưa, người ta đặt một cái chai ở giữa lò. Nén xong, từ từ xoay xoay cái chai, vừa xoay vừa rút lên. Moi mùn cưa chỗ miệng bếp ở sát đáy bếp ra cho mấy thanh củi chẻ nhỏ vào lò đốt cho chúng cháy để nó cháy lan sang mùn cưa. Không khí được hút lên qua miệng lò làm mùn cưa cháy dần từ trên xuống… Cháy hết mùn cưa cũng đun xong bữa cơm. Bởi nấu bữa cơm thời ấy có gì mà lâu. Rau muống luộc, lạc giã ra chưng lên, xong! 

Người ta nhặt nhạnh đủ thứ để làm cái đun bếp. Từ những chiếc que kem dài bằng gang tay đến lá khô rụng đầy đường mỗi độ thu về. Riêng lá sấu lại rụng ào ạt vào mùa xuân. Sau mỗi trận bão hay gió lốc, chỗ nào có cành gẫy cây đổ là ngay lập tức trẻ con (cả người lớn) ào ra nhanh chóng “dọn hộ” Công ty Công viên và cây xanh. Chỉ những thân cây to Công ty mới phải giải quyết.

Tôi có một người bạn dạy cấp 3, ngoài giờ dạy anh chụp lên đầu chiếc nón lá để vành mũ phía trước thấp hẳn xuống như không cho ai nhìn rõ mặt. Anh cứ đi dọc theo những đường phố cũ, nơi có những hàng cơm nguội, phượng vĩ… già nua. Mặt ngửa nhìn trời, không phải để ngắm trời cao mây trắng mà đôi mắt tinh tường của thầy giáo dạy lịch sử nhìn thấu từng tán cây, xem ẩn trong cành lá xanh tít trên cao kia, có cành nào chết khô thì… đợi đấy. Nhưng không phải hễ cứ chết khô là hạ được nó. Lá khô mà chưa rụng thì thớ gỗ còn chắc dẻo, không thể bẻ được. Các loại cây khác đến cả các cành con, theo mưa nắng thời gian cũng phải rụng hết thì kết cấu gỗ trong thân lõi mới không còn sức bền. Đến lúc ấy mới hòng hạ nó.

Cách lấy củi trên cây, giờ có tả chưa chắc bọn trẻ đã hình dung ra. Nếu quá cao thì lôi trong túi một đoạn dây cao su, thêm một thanh tre hơn 3m  nối vào thanh tre chính dài gấp đôi. Cởi đoạn móc sắt bốn ly vẫn buộc đầu thanh tre dài, buộc vào đầu thanh ngắn. Vì nó rất dài, lại không đủ cứng, nếu cầm đầu gốc như cầm cần câu mà nhấc lên thì không được, thanh tre dù có thể bị gẫy ở khúc giữa. Tôi thấy anh bạn đặt nó nằm dài trên vỉa hè, đi đến đoạn phần gốc, chiếm già nửa, nhấc phần ngọn (non nửa) lên ngang vai, rồi đưa lên quá đầu, cố cho nó thẳng đứng dần lên rồi cứ thế, từ từ vừa giữ cho nó đứng thẳng, hai tay vừa thu dần về phía gốc, cho đến khi tay nắm được đoạn gốc thì cả cây sào dài đã đứng thẳng như một nghệ sĩ xiếc. Anh đưa đầu móc thanh tre vào vị trí đã tính toán kỹ, kéo xuống tạo thành lực cộng hưởng. Đúng lúc lực cộng hưởng lớn nhất thì kéo giật thật mạnh. Một tiếng rắc khô khốc, cành cây rơi xuống.

Tôi còn một anh bạn khác cùng học đại học, dạy trên Thái Nguyên. Dù cái đun trên ấy có dễ kiếm hơn Hà Nội thì vẫn cứ là cái lo hằng ngày. Mùa hè năm ấy, thầy giáo Nguyễn Danh Hùng đi vớt củi rều trên sông Cầu. Chiếc thuyền tôn vẫn dùng vớt bèo cho lợn, chỉ như chiếc vỏ trấu giữa cơn đại hồng thủy, ra đến giữa dòng thì lật úp…

Không biết người thợ Hàng Thiếc nào nơi mẹ tôi sinh ra nghĩ ra được cái bếp dầu hỏa. Chỉ với 6 ngọn bấc, nhờ có bộ tổ ong mà tạo được ngọn lửa xanh, đủ sức nấu chín nồi cơm. Rồi “anh quốc doanh” mới túm lấy sáng kiến ấy làm ra cái bếp dầu 12 bấc, bằng sắt tráng men. Người Hà Nội luộc được cả nồi bánh chưng 5 cân gạo tiêu chuẩn một gia đình 3 - 4 người. 

Những người đi Liên Xô về có mấy ai chẳng “đầu đội nồi áp suất, mình quấn dây may so”. Thế là có phong trào đun nước bằng dây may so. Mà không có may so, chỉ cần 1 lưỡi dao cạo dâu, chẻ chiếc đũa ra kẹp vào, đấu hai đầu dây vào cũng đun được nồi nước. Đơn giản vì ở tập thể, không có công tơ riêng nên không lo. Rồi những chiếc bếp điện Liên Xô hẳn hoi cũng lác đác xuất hiện. Hàng xóm nhà tôi, có ông học không cao nhưng tài thì rất đáng nể, chỉ vốn sống đời thường là hạn chế. Có nửa cân đường, để dành mãi chả dám ăn nên bị chảy. Cứ nghĩ rằng nó chảy nước ra thì cho vào cái cạp lồng (cũng của Liên Xô) đặt lên bếp điện Liên Xô nó sẽ khô đi. Đánh xong ván cờ về thấy khói bốc lên mù mịt. Vội đổ nước lã vào. Cũng không cứu được. Làm nước hàng cũng không xong vì đường đã thành… than!

Bây giờ bếp gas, bếp điện, bếp từ, lò vi sóng, lò nướng… đặt giữa bàn ăn, cả nhà sì sụp quanh nồi lẩu ngào ngạt, nghi ngút. Kể cho con cháu nghe chuyện cũ để biết 60 năm qua, cuộc sống đã đổi thay thế nào.