Campuchia du ký

Chuyện những con bò trắng và cây thốt nốt (P1)

ANTĐ - Những con bò trắng gầy guộc trở thành mối đe dọa lớn nhất trên những nẻo đường thiên lý của xứ sở chùa Tháp. Còn những thân cây thốt nốt khẳng khiu in bóng lên nền trời xanh xám, không ngờ lại là loại cây quí, Trời ban tặng cho người dân Campuchia.

Cửa khẩu Quốc tế Bavet

Vừa đi, vừa sợ đâm vào… bò

Chỉ mất chừng 15 phút làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Quốc tế Bavet (tỉnh Svay Rieng) chúng tôi có mặt trên đất nước của xứ sở Chùa Tháp. Lắc đầu từ chối hàng chục cô gái mời chào đổi ngoại tệ (đổi đồng Việt Nam sang tiền Riel Campuchia, hoặc đô-la Mỹ), tôi lui cui chụp lại vài bức hình kiến trúc khu cửa khẩu, với chiếc chóp nhọn đặc trưng và nhiều tầng mái đao cong vút, lợp ngói đỏ.

Nằm sát với cửa khẩu Bavet là…  một dãy casino và khách sạn sang trọng, biển hiệu ghi tên bằng 3-4 thứ tiếng: Anh- Trung Quốc- Việt Nam- Campuchia. Có điều, dù hoành tráng nhưng bề ngoài các casino khá vắng vẻ, tất thảy đều đóng cửa im ỉm. Anh bạn người Campuchia trong đoàn, nói tiếng Việt  bằng giọng Nam bộ tiết lộ, trong đó (sòng bạc) không xác định được là đêm hay ngày vì rèm luôn buông kín, điện bật sáng với cường độ giống như ánh sáng ngoài trời râm mát, đồng thời có casino còn bơm thêm ôxi nguyên chất để người chơi luôn cảm thấy tỉnh táo, mà ham chơi lâu. Nếu cần ăn uống, cũng có người phục vụ tận nơi, khỏi phải đi đâu.

 

Các casino (sòng bạc) san sát nằm nối tiếp nhau, ngay cạnh cửa khẩu Bavet

Sự sầm uất đô hội nhanh chóng lùi lại, sau vài vòng bánh xe lăn. Càng đi sâu vào trong nội địa, nhà cửa phố thị lại càng thưa thớt, thế vào đó là những cánh đồng rộng mênh mông, khô cạn nứt nẻ. Con đường quốc lộ hướng về phía bến phà Niếc Lương không quá rộng và cũng không có dải phân cách cứng giữa đường, song tài xế vẫn miết ga lên chừng 80km/h. Thi thoảng lại thấy một chiếc xe chạy ngược chiều, lướt cái rẹt, sát sạt ngay cửa kính.

Bác tài người Việt Nam tên Hùng bảo, cảnh sát tại Campuchia không bắn tốc độ nên muốn chạy bao nhiều thì… tùy. Tuy nhiên có một mối nguy hiểm rất lớn rình rập hai bên đường, đó là những đàn bò thả rông. Những con bò màu trắng, gày gò lộ rõ cả mớ xương sườn nhẩn nha gặm cỏ, trông khá lạ mắt. Thực ra đây là giống bò được đưa về từ Ấn Độ có tên là Ongole, thích nghi khá nhanh với khí hậu nhiệt đới, được thả rông theo cách chăn nuôi truyền thống của người dân bản địa và dần trở thành loại gia súc chủ đạo. Ở Campuchia còn sót nhiều bom mìn chiến tranh, lũ bò cũng “góp phần” không nhỏ khi trở thành một loại “công cụ rà phá thô sơ”, khi lang thang kiếm ăn khắp các cánh đồng xa tít tắp, rộng “thẳng cánh cò bay”, không may đạp trúng mìn.

Chuyện những con bò trắng và cây thốt nốt (P1) ảnh 4
Có thể thấy những đàn bò trắng như thế này ở khắp nơi trên đất nước Campuchia


Lũ bò cũng rất thường băng ngang đường quốc lộ một cách đột ngột, và trở thành mối đe dọa thường trực mà các tài xế có kinh nghiệm luôn phải chú ý. Mới đây hôm 7-7, tại địa phận tỉnh Konponthom cũng đã xảy ra một vụ TNGT đáng tiếc kiểu này. Chiếc xe du lịch cỡ lớn chở 50 khách Việt Nam đang bon bon trên đường thì bất ngờ tông trúng một con bò băng ngang đường. Hậu quả làm 1 người tử nạn ngay tại chỗ, gần chục người khác bị thương phải chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) cấp cứu.

Thốt nốt- loại cây “tới từ thiên đường”

Trên chặng đường thiên lý cắt ngang đất nước Campuchia (từ cửa khẩu Bavet kéo dài đến tỉnh Siem Reap) cảnh vật thật đơn điệu, gần như không thay đổi suốt hàng trăm km. Ngoài cảnh những con bò trắng gầy gò gặm cỏ trên cánh đồng khô cháy thì chỉ còn những cây thốt nốt hắt bóng, in hình im phắc lên bầu trời xanh xám.

Thốt nốt- loại cây tới từ thiên đường, hiện diện trên cánh đồng khô cháy...

Đây chính là loại cây biểu trưng, có tầm kinh tế quan trọng và hiện diện ở khắp nơi trên xứ sở chùa Tháp. Tên gọi thốt nốt có nguồn gốc từ tiếng Khmer th’not. Người ta nói rằng, cây thốt nốt luôn mọc có đôi: cây cái và cây đực, nếu cây mọc đơn lẻ thường còi cọc và kém phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài từng “đôi”, chúng tôi có thể nhìn thấy rất nhiều cây mọc đơn lẻ, hoặc thậm chí là cả một khóm từ 3-4 cây.

Người Campuchia thường gọi loại cây này là “đời cha trồng, đời con hưởng”, do cây phát triển khá chậm, phải mất cả chục năm mới có thể bắt đầu khai thác. Gần như tất cả các phần của cây thốt nốt đều có thể sử dụng: Lá thốt nốt dùng để lợp mái nhà, che mưa che nắng. Cuống bẹ lá, nếu để nguyên thì dùng làm hàng rào, đập dập ra làm chổi,  tách nhỏ ra và se lại thành dây thừng. Thân cây dùng để làm cột nhà, thậm chí với những cây lưu niên, người dân còn có thể đục đẽo ghép thành thuyền.

...cho đến ngay trước cửa ngôi đền Bayon (quần thể Angkor Thom)

Quả thốt nốt được người dân bản địa sử dụng trong nhiều đồ uống, món ăn

Hàng đêm, người dân bản địa sử dụng một loại ống hút, hứng vào các bông mo non của cây thốt nốt cái, để đón lấy hàng lít dịch ngọt. Loại dịch này được được ủ cho lên men, để làm một loại rượu có tên là arac, hoặc cô đặc lại một loại đường thô, gọi luôn là đường thốt nốt. Đường thốt nốt không chỉ dùng để nấu chè, còn có thể nêm vào thức ăn, canh hay các món kho (trong bữa cơm của người Campuchia sử dụng rất nhiều đường, luôn có hũ đường cạnh mâm cơm). Thậm chí luôn cả cây non được đem nấu như một loại rau; cũng có thể nghiền, giã hay nướng để làm thức ăn. Được chế thành nhiều món nhất chính là quả thốt nốt: Nước thốt nốt tươi để giải khát, cơm thốt nốt, đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt….

Người ta bảo rằng, thốt nốt là loại cây “tới từ thiên đường”- Trời ban tặng cho người Campuchia. Dáng cây lặng lẽ trên cánh đồng khô cháy trông tựa như dáng người đàn ông Khmer cởi trần, đen cháy, gân guốc và bền bỉ với đất đai. Sáu tháng mùa mưa, nửa thân cây ngập trong nước lũ, thốt nốt vẫn sống khỏe khoắn. Sáu tháng mùa khô không một giọt nước mưa, đất ruộng khô khốc, đến cỏ cũng không sống nổi, héo úa dưới ánh mặt trời thiêu đốt, thốt nốt vẫn xanh tươi. Hoa thốt nốt vẫn nở và cây vẫn vặn mình, vắt ra dòng nước ngọt mát nuôi con người.

(Kỳ 2: Xe túc túc và những đồng đô-la lẻ)