Chuyện những chiến sỹ Công an đầu tiên vào “tiếp quản”

ANTĐ - Trong những ngày Hà Nội đang tưng bừng không khí kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chúng tôi gặp Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội, một trong 150 chiến sỹ công an đầu tiên đã vào “tiếp quản” Thủ đô từ ngày 5-10-1954 để được nghe lại những ký ức lịch sử mà đến nay còn ít người biết đến…
Chuyện những chiến sỹ Công an đầu tiên vào “tiếp quản” ảnh 1
Đại tá Vũ Đình Hoành cùng đồng chí Bùi Thiện Ngộ - nguyên Bộ trưởng Bộ Công an thăm gia đình Liệt sỹ CSGT Nguyễn Văn Ngữ

Nhiệm vụ đầu tiên

Đại tá Vũ Đình Hoành năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn khiến chúng tôi ngạc nhiên vì sự minh mẫn của mình. Ở ông, những ký ức về một thời hào hùng của 60 năm trước dường như chưa bao giờ phai. Nghe chúng tôi nói muốn được viết lại câu chuyện của những người lính Công an đầu tiên vào tiếp quản Hà Nội, ông hơi lặng đi một lát rồi bảo, trong số những bạn bè của ông cùng về Hà Nội năm xưa, nhiều người nay đã không còn. Rồi một lúc sau, ông mới chậm rãi kể về những tháng ngày đầy tự hào ấy.

“Tôi may mắn được tham gia cách mạng vào đúng thời khắc lịch sử của dân tộc. Nhưng so với những thế hệ đàn anh từng tham gia các chiến dịch chống Pháp trong 9 năm kháng chiến, tôi chỉ là một cậu bé. Ngày quân ta thắng trận Điện Biên thì tôi vẫn chỉ là 1 thiếu niên chưa đầy 18 tuổi. Nhưng dù vậy, hầu hết trang lứa chúng tôi lúc ấy đều đã ý thức được vận mệnh của đất nước mình” – Đại tá Vũ Đình Hoành bắt đầu hồi ức của mình từ dấu mốc của ngày 7-5-1954, khi tin thắng trận từ Điện Biên bay về Hà Nội. Do xuất thân trong một gia đình cách mạng, có cha và cô ruột từng tham gia Mặt trận Việt Minh từ thời kỳ tiền khởi nghĩa nên ngay từ khi còn trẻ ông đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng chống Pháp. Lúc ấy, Vũ Đình Hoành sống cùng với một người chú ruột, chú ông cũng là một cơ sở của cách mạng nên cấp trên đã tác động với người chú để tuyển ông vào lực lượng Công an. 2 tháng sau khi giải phóng Điện Biên, ông được cán bộ Việt Minh nằm vùng lặng lẽ đưa ra vùng tự do ở Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Khi ra đến nơi, Vũ Đình Hoành thấy đã có rất nhiều thanh niên như ông được tập trung ở đó, bấy giờ mọi người mới biết mình được tuyển vào phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân, biên chế thuộc Ty Công an Hà Nội.

Bắt đầu từ tháng 6-1954, tin tức từ hội nghị Geneva tới tấp bay về. Sau đó là Hội nghị quân sự Trung Giã tiếp nhận sự bàn giao của quân đội Pháp cho quân đội ta làm náo nức lòng người. Lúc này Vũ Đình Hoành cùng các đồng đội sau khi huấn luyện bỗng nhận được chỉ thị mới từ cấp trên, đó là học tập thêm 8 chính sách, 10 điều kỷ luật đối với chiến sỹ công an. Dù không nói ra, nhưng khi được cán bộ chỉ huy truyền đạt những điều ấy, ai cũng hiểu ngày trở về Hà Nội đã gần kề. Sau hơn 1 tháng học tập, cuối tháng 9-1954 toàn bộ lớp học gồm hơn 150 chiến sỹ nhận lệnh bí mật di chuyển về một địa điểm thuộc huyện Mê Linh. Cuộc di chuyển này hoàn toàn thực hiện vào ban đêm. Những chàng trai mới lớn khi ấy hành quân từ Vân Đình qua Chương Mỹ, Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng… rồi vượt sông Hồng tập kết tại một điểm gần Sóc Sơn. Tại đây, tất cả được phát quân phục mới và nhận mệnh lệnh: Thay trang phục mới, đổi súng trường bằng súng ngắn và… cấm trại 100%.

Đại tá Vũ Đình Hoành cười bảo, ngày ấy, trang phục của quân ta chưa có sự phân biệt rõ ràng như bây giờ. Sắc phục của Công an chính là quân phục của bộ đội. Khác biệt duy nhất là trên mũ có gắn một phù hiệu bằng vải nỉ đỏ thêu 2 chữ CA (viết tắt của Công an) để nhận biết. Đến sáng 5-10-1954 toàn bộ 150 chiến sỹ được đưa đến Hội nghị Trung Giã để Ban liên hợp đình chiến Bắc Bộ cấp Giấy ủy nhiệm cho từng người vào Hà Nội. Lúc này tất cả mới biết nhiệm vụ của mình là vào “tiếp quản” nội thành làm tiền trạm cho đại quân ta tiến về giải phóng Thủ đô vào ngày 10-10.

Những chi tiết bây giờ mới kể

Cuộc hành quân tiến về Hà Nội vào sáng 5-10-1954 với những người lính công an lúc ấy cũng là một dấu ấn khó quên. Đó là lần đầu tiên họ được hành quân bằng xe cơ giới. Đoàn xe chở ông Vũ Đình Hoành cũng đồng đội khởi hành từ Hội nghị Trung Giã về tập kết tại nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện Trung ương quân đội 108 ngày nay). Mặc dù đoàn xe phủ kín bạt chỉ hở phía đuôi, nhưng dọc đường, người dân đã kịp nhìn theo và phát hiện ra đây là xe chở quân ta nên nhiều người chạy theo vẫy tay rối rít. Nhớ lại những hình ảnh ấy, ông bảo, dù không ai nói với ai nhưng trong mỗi người lính, cảm xúc vui sướng và náo nức đã dâng trào.

Sau khi xuống xe, 150 chiến sỹ được phân công về Ty cảnh sát các quận nội thành và một số đồn trọng điểm. Riêng ông Vũ Đình Hoành được giao nhiệm vụ về đồn Cát Linh (lúc đó thuộc quận 3) làm việc. Khi 4 chiến sỹ của ta đến nơi thì tại đó đã có 4 sỹ quan hiến binh Pháp. Nhìn những chiến sỹ công an Việt Nam, mới đầu 4 sỹ quan Pháp hết sức dè chừng. Đồn Cát Linh được xây 2 tầng, hiến binh Pháp ở tầng 1, công an ta ở tầng 2. Vì thế nhất cử nhất động của ta mỗi khi lên, xuống, họ đều nắm rất rõ. Tuy nhiên, chỉ nửa ngày sau, nhìn thái độ của ông Vũ Đình Hoành và đồng đội luôn hòa nhã và đúng mực, họ dần dần thay đổi thái độ. Riêng ông Vũ Đình Hoành vốn biết tiếng Pháp, tuy không giỏi nhưng cũng đủ giao tiếp khiến viên chỉ huy hiến binh sau đó tỏ ra thiện cảm hơn. Y thường chủ động nói chuyện và bày tỏ chán ghét chiến tranh, chỉ mong sớm được về nước với gia đình.

Nhiệm vụ của ông Hoành và các chiến sỹ của đồn Cát Linh lúc đó là hàng ngày cùng hiến binh Pháp chia làm 2 nhóm tuần tra khảo sát thực địa đường phố, các tụ điểm giao thông, các cơ sở kinh tế công nghiệp phục vụ sinh hoạt vẫn đang sản xuất. Mặc dù Hà Nội những ngày này có vẻ yên bình, nhưng thực chất bên trong các lực lượng và công an của ta vẫn phải hoạt động hết sức sát sao, căng thẳng, nhằm phát hiện đấu tranh với những thủ đoạn phá hoại về kinh tế của địch nhất là các cơ sở quan trọng như nhà máy điện, nhà máy nước để đảm bảo sinh hoạt bình thường ngay sau tiếp quản. Kể đến đây, Đại tá Vũ Đình Hoành  hơi ngả người ra sau rồi để mắt về nơi xa xăm, cho ký ức ùa về. Có một chi tiết thú vị mà mỗi khi nhắc đến người Pháp là ông nhớ mãi. Đó trước đây, mỗi khi đi trên đường mà gặp lính Pháp, người dân thường cúi mặt chủ động tránh từ xa. Nhưng khi thấy Công an ta đi hiên ngang ngay bên cạnh, bà con đều vững dạ đứng lại, không tránh né như trước mà ngược lại họ ngắm nhìn cán bộ ta rất lâu rồi mới đi tiếp. Có lẽ hình ảnh người chiến sỹ Công an Việt Minh đã khiến người dân vững tin hơn.

Đúng 6h sáng 10-10-1954 các lực lượng Pháp bắt đầu rút khỏi Hà Nội. Viên chỉ huy hiến binh đồn Cát Linh đứng nghiêm chào ông Hoành cùng các chiến sỹ Công an lần cuối theo đúng quy cách nhà binh rồi lên xe Jeep trực chỉ hướng cầu Long Biên. Cũng giây phút ấy từ năm cửa ô, đoàn quân ta trùng trùng, điệp điệp tiến vào trong tiếng reo hò và hoan hô dậy đất, Hà Nội sạch bóng quân thù. Sau này, khi buổi tiếp quản đã xong, ông Vũ Đình Hoành nhận chỉ thị từ cấp trên rời đồn Cát Linh tập kết về Sở mật thám (tức Sở Công an Hà Nội sau này) nhận nhiệm vụ mới tại quận 4 (nay là quận Đống Đa). Kể từ lúc đó, ngoài công việc chuyên môn, hàng ngày ông còn tham gia dạy học vào buổi tối cho cán bộ chiến sỹ cùng cán bộ các ban ngành trong quận, dạy thiếu nhi tại vườn hoa Quốc Tử Giám cho đến tận năm 1958. Suốt quá trình dài công tác, ông được cấp trên tín nhiệm bổ nhiệm là Trưởng Công an quận Đống Đa, rồi sau đó là Phó Giám đốc Công an thành phố. Dù trên cương vị nào, với phong cách giản dị, sâu sát, tận tụy với công việc, ông luôn nhận được sự tín nhiệm của đồng đội và sự ủng hộ của nhân dân cho tới ngày nghỉ hưu. Ông nhìn chúng tôi cười, mắt ngời sáng sau cặp kính lão. Với ông, ở cái tuổi xưa nay hiếm này, hàng ngày vẫn còn đông đảo bạn bè quây quần ở CLB sỹ quan hưu trí, thỉnh thoảng nhớ về quá khứ oai hùng, đầy vinh dự đã là mãn nguyện lắm rồi.

Tin cùng chuyên mục