Chuyện nhỏ nhân ngày khai trường

ANTD.VN - Bây giờ ngày khai trường đã khác nhiều. Nó vẫn có thể hồn nhiên, vẫn có thể ngây thơ, chỉ có điều đã bớt hẳn đi lãng mạn.

Ở ngày khai giảng của một thời chưa xa, có nhiều trường tiểu học thường đọc lại trên loa những tản văn của Alphonse Daudet, của Thanh Tịnh. “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường…”.

Người đọc thường là một ông giáo có tuổi, giọng nghèn nghẹn rưng rưng. Đám trò nhỏ tụm năm tụm ba, ngẩn ngơ nghe cho dù nhiều đứa đã thuộc lòng cả đoạn dài. Bây giờ ngày khai trường đã khác nhiều. Nó vẫn có thể hồn nhiên, vẫn có thể ngây thơ, chỉ có điều đã bớt hẳn đi lãng mạn. Thế nhưng với hầu hết bọn trẻ ở hôm nay, ngày khai trường vẫn là một ngày đầm đìa xúc cảm.

Nước Việt bây giờ có thật nhiều trường học, bởi đơn giản người Việt có truyền thống yêu và trọng chữ. Hệ thống học đường đủ mọi cấp trải rộng từ những vùng sâu vùng xa hẻo lánh cho đến các đô thị lớn văn minh tấp nập. Chỉ nói riêng ở Hà Nội, chẳng cần là ngày khai trường hay là ngày Hiến chương các thầy cô giáo, cứ ra đường là sẽ gặp những đám trẻ hoặc đeo ba lô hoặc quàng cặp sách nô đùa quá mức.

Với đám học trò thì nặng nhất cũng chỉ là “lầm, lạc”. Còn nếu là “tội” thì đấy chính là ở những người lớn trong gia đình. Và xót xa thay, còn là ở nhà trường.

Đôi lúc chúng vô tư đi trái chiều, và vào giờ cao điểm tan học, chúng hồn nhiên giăng hàng ba hàng bảy. Khi thấy cảnh đó thì hầu hết những người có tuổi đều dịu dàng nhường nhịn, rồi âu yếm chép miệng. Ôi dào, bọn học trò ấy mà.

Trên cõi đời còn nhiều ngổn ngang này, chẳng có gì đẹp bằng cái cữ tuổi học trò. Một đoạn sống mà nhìn thấy gì cũng trong trắng lung linh. Mùi hoa sữa như thơm hơn, những cánh phượng như cháy đỏ hơn và ngay cả que kem nham nhở cắn chung cũng ngọt ngào hơn. Cho dù giờ đây bọn trẻ có đôi chút khác xưa bởi sự ảnh hưởng từ dung tục truyền thông, đặc biệt là đủ các loại mạng xã hội, nhưng đã là học trò thì mãi vẫn chỉ là trong veo học trò. Theo một thống kê khá nghiêm túc, ở những ngày này có gần 90% bọn trẻ trung học ở đô thị đã thành thạo dùng facebook, và gần nửa là đã tới mức “nghiện”.

Facebook hay dở thế nào với tuổi mới lớn thì đã quá nhiều những xót xa cảnh báo từ báo chí chính thống. Nào là nam sinh đánh nhau, nào là nữ sinh cũng… đánh nhau nốt. Rồi tệ hơn, là cư xử phản cảm thô bạo giữa thầy và trò. Có những clip khiến những người cũ kỹ nhạy cảm khi xem, không thể không day dứt buốt nhói. 

Thật ra, cái gọi là “bạo lực học đường” đôi khi tới mức nghiêm trọng như người lớn lo lắng. Bởi thuở xanh non đi học, hầu hết mọi đứa trẻ đều hoặc bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt. Thành ngữ xa xưa ở ta cũng đã nói rồi,  “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Mà ngay trong văn chương của chung nhân loại, đề tài nhạy cảm này cũng triền miên ám ảnh, Tây cũng vậy mà Đông cũng vậy.

Cứ thử đọc kiệt tác “Jane Eyre” của Charlotte Bronte người Anh rồi “Bắt trẻ đồng xanh” của J.D.Salinger người Mỹ hay tiểu thuyết xuất sắc “Nền giáo dục sai lầm” của Abdul Muix người Indonesia thì biết. Nói chung, ở tuổi học trò mười ba mười bảy, khí lực thì đang bồng bột dương cương, kiến thức thì đang mỏng manh trường quy, nếu đòi hỏi bọn trẻ phải chính xác điềm đạm thì luôn là chuyện bất khả. Chúng hoặc buồn hoặc vui đều khá thất thường, hoàn toàn dựa trên bản năng ngây và thơ. Bác Hồ kính yêu đã hơn một lần nói “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Ngay cả chuyện nhân văn tinh tế như “tình thương”, chúng đâu có hiểu sâu sắc như kiểu chỉ có ở những người từng trải. Văn hào Tônxtôi từng ngậm ngùi nói về Anđecxen, nhà văn Đan Mạch nhân hậu chuyên viết cho thiếu nhi. “Ông ta rất cô đơn. Chính vì thế ông ta mới nói chuyện với bọn trẻ. Tuy làm như thế là lầm. Trẻ con không thương xót cái gì hết, chúng không biết thương”. Ý của văn hào người Nga thật giản dị, bọn trẻ chưa cần phải tự tạo lập tình thương, bởi đơn giản ở chúng có một quyền tối thượng, chúng phải được hưởng tình yêu thương.

Thế mới biết, khi đối diện với vấn nạn tưởng như không lớn này, vai trò của những người đã trưởng thành quan trọng như thế nào. Học trò ở đâu cũng vậy, nếu có mắc sai lầm thì tuyệt nhiên chỉ là phạm lỗi, người lớn rất không nên quy thành tội. Theo giáo lý ở một vài tôn giáo cao cả, chủ đề về những chuyện vấp ngã ở những người trẻ thường hay được quan tâm soi xét. Và như tất nhiên, những soi xét ấy luôn được nhìn từ một tình thương nồng hậu không ồn ào đẫm đầy tinh thần bao dung vị tha.

Có lẽ do cẩn thận như thế, nên vấp ngã được chia ra thành nhiều mức độ. Hoặc đấy mới chỉ là mong manh “lạc”, là non nớt “lầm”, nặng hơn sẽ là sơ xuất “lỗi”, còn hơn nữa thì là “tội”. Và ngay cả những “tội”, cũng phân thành lẽ trọng khinh nặng nhẹ. Với đám học trò thì nặng nhất cũng chỉ là “lầm, lạc”. Còn nếu là “tội” thì đấy chính là ở những người lớn trong gia đình. Và xót xa thay, còn là ở nhà trường.

Nhà văn vĩ đại Lỗ Tấn người Trung Quốc, sau một đoạn dài đi dạy học luôn được học trò kính yêu, có viết một truyện ngắn buồn bã “Nhật ký người điên”, từng nhiều lần đã đưa vào chương trình giáo dục trung học ở ta. Đại loại truyện kể về nỗi lòng tử tế của một người lớn, đau xót khi nhìn thấy sự vô cảm với bọn trẻ từ những người lớn khác ở xung quanh. Dòng kết của truyện rưng rưng mấy chữ: “Hãy cứu lấy trẻ em”.

Tin đọc nhiều