Chuyện nhặt ở Sài Gòn...

ANTĐ - Cuộc sống ở TP.HCM cũng như nhiều thành phố lớn khác, luôn vùn vụt trôi qua với tốc độ nhanh, khiến con người như bị cuốn đi trong nhịp quay hối hả. Dầu vậy, nhiều người vẫn kịp nhận ra những nét đẹp đọng lại giữa đời thường, ngay trên hè phố hay trong con ngõ nhỏ, để thấy cuộc sống còn nhiều điều đáng nhớ.

Góc bùng binh ngã tư Phù Đổng - nơi giao nhau của những con đường thuộc loại đông nhất thành phố, nơi thường xuyên bị kẹt xe, nhất là giờ cao điểm. Từ sáng sớm, các chiến sỹ CSGT đã mồ hôi nhễ nhại đứng phân luồng, hướng dẫn dòng người qua lại. Sau hai tiếng làm việc căng thẳng, lưu lượng xe thưa dần, các anh ngồi ghé chiếc bục bên cột đèn tín hiệu để nghỉ.

Lát sau, bà chủ quán cóc bên đường chừng 60 tuổi bưng qua một món đồ uống. Người sỹ quan lớn tuổi hơn có vẻ không hài lòng: “Bác cứ cho chúng tôi uống nước hoài mà không lấy tiền, mời không uống nữa nghen”… Rồi anh quay sang thanh minh, chỗ các anh đứng lúc nào cũng có nước uống, sáng thì cà phê, nắng lên thì trà đá, chiều thì nước đá chanh… nhưng gửi tiền, bà nhất quyết không nhận. Quán cóc vỉa hè khuất trong góc đường, đơn giản, khiêm nhường. Bà bán nước trà thu mấy chiếc ly, cười lớn: “Mấy chú làm việc cực khổ, sáng đứng giữa nắng, chiều đứng giữa mưa, tui đãi miếng nước, chuyện nhỏ xíu mà, mấy chú uống cho tui dzui”. 

2 năm nay ở TP.HCM xuất hiện rất nhiều những thùng nước mát, trà đá miễn phí, ai khát thì uống, dân “xe ôm”, người lao động bán dạo ghé uống ừng ực rồi cứ vậy đi, không cần phải cảm ơn. Ở góc bệnh viện Nhân dân 115 hay dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Văn Sỹ, Phan Đình Phùng… những thùng nước nhân ái này cứ đặt trên vỉa hè, hết lại có người ra châm trà, châm nước, bỏ đá. Bác “xe ôm” cười bảo: “Tui không nghèo đến mức cần phải uống trà đá miễn phí, thấy quý cái tình người pha trà, mua đá nên uống, vậy thôi”. Ở TP.HCM, cũng rất nhiều những bữa cơm miễn phí ở bệnh viện Ung bướu, bệnh viện Chợ Rẫy, những suất cơm chỉ 2.000-5.000 đồng dành cho người nghèo ở ga Sài Gòn. Những tấm lòng làm ấm lòng những con người xa quê giữa một thành phố ồn ào, bon chen và vất vả.

Một showroom sang trọng trên đường Điện Biên Phủ, quận 1 trưng bày nhiều mẫu xe mới, mà giá của nó lớn hơn khoản tích cóp cả đời vất vả của nhiều gia đình lao động bình thường… Trưa nắng gắt, cái nắng làm phồng rộp da người nhưng bên trong vách kính, máy lạnh bật hết công suất. Anh nhân viên bán hàng mặc đồ veston, cà vạt và giày da bóng lộn đang ngồi xem tivi. Chợt một cụ già đi bộ ngoài đường, dừng lại, chần chừ ngó, đọc những dòng quảng cáo rồi mở cửa bước vào. Trông ông có vẻ không được khá giả, áo sơ mi ngắn tay cũ và một chiếc quần kaki ngả màu. Ông cụ nhìn một lượt rồi chắp tay sau lưng đi đến những chiếc xe trưng bày. Anh nhân viên bán hàng bật dậy đi theo, gọi “ngoại à” và giới thiệu. Mỗi lần cụ dừng lại ở một chi tiết, anh lại đề nghị được cho cụ xem rõ hơn, mở cửa trước, mở nắp capo… Khi cụ tỏ ý thắc mắc, anh nhẹ nhàng giải thích với cụ. Cụ già cứ gật gù lắng nghe. Đi chán cũng mỏi, anh nhân viên showroom mời cụ già lại sofa và mời cụ dùng cà phê, loại cà phê đá pha sẵn. Thấy thái độ chân tình của người thanh niên trẻ, cụ già ái ngại nói thật: “Qua thấy chỗ bán xe hơi này sang trọng quá, lại có máy lạnh nên  vô xem chơi, vừa đỡ mệt, chứ chú nói hoài cũng chẳng hiểu, cũng mua không nổi”. “Dạ con biết ngoại ơi. Sẵn ngoại vô chơi thì con giới thiệu luôn để ngoại coi xe, đâu phải ai vô coi xe cũng mua đâu”. Một nụ cười hiền khô, lịch sự hiện trên khuôn mặt người thanh niên. 

Khi đi taxi, “xe ôm”, nếu là khách đi quen hoặc người phương xa đi quãng đường ngắn khó trả giá thì: “Cho nhiêu cũng được” - câu này ai ở TP.HCM cũng đều biết. Nói vậy chứ ai đành lòng, ví như bảy nghìn thì khách đưa mười nghìn và bác “xe ôm” sẽ rất hồ hởi cảm ơn. Đây cũng có thể là nét văn hóa thú vị trên đường phố Sài thành từng được cho là đô thị đã bị vật chất hóa. TP.HCM rộng, rộng lắm nên những chuyện lặt vặt ở thành phố này, người ta hay kêu là “chuyện nhỏ”. Nó cũng là mảnh đất lạ kỳ, lạ đến nỗi người ta chẳng biết viết gì, nói gì dù nhớ về nó khi đang từng ngày, từng giờ sống trong lòng nó và vun đắp cho thành phố bằng một thứ tình cảm mãnh liệt nhưng lại mơ hồ. 

TP.HCM bây giờ đông, người sống đủ nghề, đủ hạng, đủ mọi vùng miền, họ sống với nhau hòa thuận, chân tình. Ở TP.HCM, bạn sẽ chứng kiến những va chạm giao thông, cả hai bên đều tự dựng xe lên, nhìn ngó, xuýt xoa vài tiếng rồi đường ai nấy đi. Ở Sài thành thỉnh thoảng có người phóng xe theo bạn chỉ để nhắc gạt chân chống xe hoặc coi chừng cái ví gần rơi ở túi quần sau. Ở Sài Gòn bạn có thể xin làm phụ việc ở bất cứ đâu mà lương tháng vẫn bằng một kế toán mới tốt nghiệp đại học, hay bạn có thể mua cùng một món đồ với giá chênh lệch nhau đến cả chục lần mà không hề áy náy. Cuộc sống vẫn trôi và dòng đời vẫn chảy dù còn bao đổi thay, bao khó khăn vất vả. Sự chăm chỉ, tự tin và hết lòng vì công việc, sự chân thành và tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng, sự rộng lượng và vị tha có lẽ đã là những giá trị vô cùng quý tạo nên hạnh phúc ở mảnh đất này.