Chuyện nhà văn đi học viết... văn

ANTD.VN - Có nhiều nhà văn khi đã thành danh lại cặm cụi lên lớp học viết văn. Cái sự học của họ cũng khác người, thế nên mỗi năm khi các lớp dạy bồi dưỡng viết văn được mở ra, lại có thêm những câu chuyện để đời… 

Chuyện nhà văn đi học viết... văn ảnh 1Nhà văn Đoàn Hữu Nam (trái)

Những ưu đãi đặc biệt

Từ nhiều năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn tổ chức các lớp bồi dưỡng viết văn ở Trung tâm Viết văn Nguyễn Du cho những người yêu thích văn chương và đam mê sáng tác. Học viên tham dự không hạn chế độ tuổi, trình độ, đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Mỗi khóa thường xấp xỉ 100 học viên, ngoài những tác giả nghiệp dư hay những người lần đầu tiên bước vào lãnh địa văn chương còn có cả hội viên Hội Nhà văn.

Những khóa học đầu tiên, vì lo ngại số học viên tham dự quá ít, không khí học tập sẽ bị rời rạc nên ban tổ chức huy động cả những nhà văn đang công tác tại các cơ quan cấp hai của Hội Nhà văn. Nhà văn Phong Điệp, nhà thơ Trần Vũ Long và nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đã từng tham gia một khóa học viết văn với sự “biệt đãi” là… không phải đóng học phí.

Khóa tiếp theo có nhà văn Đoàn Hữu Nam, từ Lào Cai xuống học, anh được bố trí ăn nghỉ tại ký túc xá trường Đại học Văn hóa. Ngày bế giảng lớp bồi dưỡng viết văn, anh mời một số bạn văn đi uống bia chia tay bằng số tiền Hội Nhà văn hỗ trợ kinh phí đi lại, sinh hoạt trong những ngày ở Thủ đô, hỉ hả cười: “Được ưu đãi thế này tội gì chả đi học...”.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường (tác giả truyện ngắn “Hồi ức binh nhì” nổi tiếng) sau khi theo học một khóa đã về động viên cả hai cô con gái từ Quảng Bình ra học. Trước tinh thần ham học đó, ban tổ chức sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho hai cô và chỉ thu học phí 50%. 

Gần đây nhất có nhà văn Nguyễn Trí bay từ Đồng Nai ra Hà Nội làm học viên viết văn sau khi đã có giải thưởng Hội Nhà văn và được kết nạp hồi đầu năm 2016. Lớp học được tổ chức tại hội trường lớn của Bảo tàng Văn học Việt Nam (số 275 Âu Cơ), nhà văn Nguyễn Trí được bố trí ở miễn phí trong một phòng nghỉ sạch đẹp ngay phía trên hội trường, rất tiện lợi cho việc đi lại và “dùi mài kinh sử”.

Trong lễ bế giảng các khóa học, ban tổ chức luôn có những phần thưởng đặc biệt dành cho học viên ít tuổi nhất, học viên cao tuổi nhất (có năm một cụ ông 83 tuổi vẫn tự đi xe máy đến học), học viên tích cực nhất (đến lớp chăm chỉ và ghi bài đầy đủ)...

Chuyện nhà văn đi học viết... văn ảnh 2Nhà văn Y Mùi (thứ 2 từ phải sang)

Rình chồng đi công tác để học viết văn

Nhà văn Y Mùi (hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) mặc dù không hoạt động trong lĩnh vực văn chương nhưng niềm say mê sáng tác được thắp lửa từ những năm 1980 cứ âm thầm cháy trong chị suốt mấy chục năm qua. Nhưng điều kiện khách quan và chủ quan chưa cho phép chị toàn tâm toàn ý với giấy bút. Khi về nghỉ hưu, con cái đã lớn, không còn bận mọn ràng buộc, nhà văn Y Mùi chuyển hướng chuyên tâm sáng tác nên khát khao được tham gia một vài khóa học viết văn nhưng chồng chị - nhà thơ Trần Quang Quý lại luôn có ý đồ... ngăn cản vợ.

Chờ đợi mãi mới lựa được cơ hội đi học, đó là dịp nhà thơ đi công tác dài ngày tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đúng bằng thời gian lớp viết văn tổ chức. Nhà thơ Trần Quang Quý vừa xách ba lô lên đường là Y Mùi lập tức đi nộp hồ sơ dự tuyển. Kết thúc khóa học, nhà văn giấu nỗi sung sướng của mình cùng tấm chứng chỉ tốt nghiệp xuống tận đáy tủ nhưng vẫn bị nhà thơ phát hiện ra.

Trở về nhà, câu đầu tiên nhà thơ cật vấn vợ:  “Cô đi học viết văn phải không?”. Nhà văn bình tĩnh đáp: “Làm gì có chuyện ấy”. Nhà thơ lôi ngay iPad ra, nhoay nhoáy thao tác rồi gõ bộp vào một tấm ảnh trên màn hình: “Thế thì ai đang đứng nhận chứng chỉ tốt nghiệp đây?”. Thì ra nhà thơ Trần Quang Quý kết bạn facebook với một đồng môn của vợ, học viên kia lại đưa những bức ảnh ngày bế giảng của khóa học lên mà quên không... làm mờ mặt nhà văn Y Mùi.

Chuyện nhà văn đi học viết... văn ảnh 3Nhà văn Vũ Minh Nguyệt

Giảng viên và học viên chung sống 

Song song với Hội Nhà văn Việt Nam, Khoa Viết văn - Báo chí của trường ĐH Văn hóa do PGS. TS Văn Giá làm chủ nhiệm cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo viết văn ngắn hạn, thu hút được không ít học viên khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Giảng viên lên lớp là những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình có tên tuổi được nhiều độc giả mến mộ: Khuất Quang Thụy, Vương Trọng, Chu Văn Sơn, Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh... Nhà văn Sương Nguyệt Minh luôn thu hút được sự chú ý của nhiều học viên nữ không chỉ bằng những tác phẩm ấn tượng mà còn bởi vẻ ngoài lãng tử với gương mặt phong sương phảng phất nét u trầm. Sau vài khóa giảng dạy, nhà văn đã có công gieo mầm văn chương vào niềm đam mê viết lách của nhiều học viên, không ít “mầm non” đã vươn mình lớn dậy, trưởng thành và được kết nạp vào Hội Nhà văn.

Trong khi đó, phu nhân xinh đẹp của nhà văn ngày ngày bận rộn với công việc kinh doanh mà vẫn miệt  mài với bàn phím, xuất hiện tác phẩm đều đặn trên các tờ báo, tạp chí văn nghệ nhưng chưa được vinh danh là “nhà văn”. Một lần, chị quyết định theo học một khóa để xem ông chồng của mình dạy dỗ ra sao. Vậy là sáng sáng, “giảng viên chồng” chuẩn bị giáo án lên lớp thì “học viên vợ” cũng sách bút sẵn sàng, thể hiện tinh thần học tập nghiêm túc. Không biết quá trình dạy và học đó có mang lại hiệu quả nhiều không, nhưng một năm sau khi tham gia lớp viết văn, tác giả Vũ Minh Nguyệt đã chính thức trở thành nhà văn Việt Nam và có tác phẩm “Đồng chiều” được trích in trong sách giáo khoa Ngữ văn.