Chuyện người Lô Lô giúp vua giữ nước

ANTĐ - Những địa danh như Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vạc… đã quá quen thuộc đối với những người yêu xê dịch, đam mê khám phá và trải nghiệm với những cung đường uốn lượn lưng trời, những cao nguyên trập trùng núi đá và những bản làng Mông, Dao với nếp nhà trình tường có lối kiến trúc kỳ lạ bên trong bờ rào đá. Vậy nhưng chính những địa danh tưởng như đã quá quen thuộc ấy lại ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử.

Bản Lô Lô nhìn từ cột cờ Lũng Cú

Bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang là một bản tiền tiêu, nơi xa nhất về phía Bắc Tổ quốc, chỉ cách cột mốc cực Bắc chưa đầy 3 cây số theo đường bộ. Một đêm lưu lại nơi bản làng xa xôi đó, dưới nếp nhà trình tường lợp ngói máng rêu phong, bên ly rượu ngô thơm hương vị núi rừng, nghe người già kể chuyện lịch sử bản làng, chuyện ngày xưa người Lô Lô giúp vua Quang Trung giữ đất, bảo vệ biên cương mới thấy đất nước ta dặm dài, một tấc đất thôi cũng là vô giá, cũng đã phải đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt mới có thể gìn giữ.

Bữa cơm tối của chúng tôi trên bản người Lô Lô có rượu ngô mật ong và thịt lợn lá chuối. Ông Sìn Gỉ Gai, Trưởng bản Văn hóa Du lịch Lô Lô Chải một trong số những gia đình đang thử nghiệm làm dịch vụ du lịch Homestay, bắt đầu câu chuyện như lời kể từ bao đời của người Lô Lô, về sự linh thiêng và tục sử dụng trống đồng trong văn hóa Lô Lô, về chiếc trống đồng vua ban cho người Lô Lô để bảo vệ biên cương, bờ cõi.

Vào thời Lý, Lý Thường Kiệt hội quân trấn ải biên thùy đã cho treo một lá cờ trên đỉnh núi Long Cư, và chôn một hòn đá tảng để đánh dấu nơi đây và dặn người dân coi như cột mốc cao nhất đánh dấu biên cương lãnh thổ. Sau này, Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng theo vị trí đó mà đặt trống báo cầm canh và giao cho dân bản Lô Lô Chải trông nom. Thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Tiếng trống vua ban cũng là âm báo từ tiền tiêu mỗi khi có giặc xâm lấn biên cương. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú không chỉ biết sử dụng trống đồng trong các lễ hội, tang ma mà còn dùng như một phương tiện truyền tin, nhắc nhở nhau bảo vệ biên cương, lãnh thổ.

 Ngày nay, trống đồng chỉ được sử dụng trong dịp lễ hội, thế nhưng khi không dùng, đồng bào Lô Lô chọn một nơi sạch sẽ, kín đáo, đào hố chôn trống, rồi cho trông coi cẩn thận. Khi chôn, mặt trống trở xuống dưới, chân trống trở lên trên. Giờ tại nhà thầy Mo của bản vẫn đang giữ một “trống rồng” bởi trên mặt trống có hình rồng “biểu tượng của nhà vua” mà không giống với những chiếc trống đồng vẫn dùng trong đám ma của người Lô Lô, Pu Péo.

Tới thăm Lũng Cú, vượt qua mấy trăm cây số đường đèo chênh vênh đá của cao nguyên Ðồng Văn, sau khi thăm cột cờ cực Bắc Tổ quốc, bạn hãy dành thời gian tham quan những cột mốc biên cương ở đỉnh xa nhất để thấy mảnh đất địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc. Dừng chân nghỉ lại nơi bản Lô Lô Chải, nơi còn lưu giữ nguyên vẹn những nét văn hóa Lô Lô truyền thống, thăm vùng đất xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng và náo nhiệt trong buổi chợ phiên, du khách lại có dịp thưởng thức vị chè San tuyết, rượu mật ong, thắng cố... và câu chuyện lịch sử của những con người đã bao đời bảo vệ biên cương ở nơi địa đầu Tổ quốc.