Chuyện mẹ, chuyện vợ

ANTĐ - Trước khi tôi lấy vợ, bà nội và mẹ tôi đã gọi tôi vào nói chuyện, có ý bảo rằng, dù sau này mẹ chồng - nàng dâu có không hợp nhau, thì chúng tôi vẫn không được phép tách ra ở riêng...

Tôi là con trai trưởng, lại là độc đinh của dòng họ. Nhiều năm lam lũ làm ăn, bố mẹ tôi cũng sắm sửa, tân trang được căn nhà cấp bốn thành nhà ba tầng khang trang, đủ đầy. Trước khi tôi lấy vợ, bà nội và mẹ tôi đã gọi tôi vào nói chuyện, có ý bảo rằng, dù sau này mẹ chồng - nàng dâu có không hợp nhau, thì chúng tôi vẫn không được phép tách ra ở riêng. Chính vì thế, sau khi cưới, hai vợ chồng tôi vẫn sống cùng với bố mẹ và bà nội. Một năm sau, vợ tôi sinh một nhóc trai kháu khỉnh. Cả bốn thế hệ cùng sống quây quần trong gia đình.

Bà tôi là một người phụ nữ tần tảo. Ông nội mất khi bố tôi vừa tròn 9 tháng tuổi, bà nội tôi ở vậy chắt chiu nuôi con khôn lớn. Bà gom hết những vất vả và nỗi nhớ thương vào lòng, cố gắng dạy con nên người. Bố lớn lên rồi nhập ngũ. Năm 1981, bố tôi xuất ngũ về quê rồi cưới mẹ tôi.

Cuộc sống còn khó khăn, nhưng bà nội tôi vẫn luôn cố gắng dạy con dâu về ứng xử, ăn nói, tác phong trong gia đình. Bố mẹ tôi sinh được hai anh em, một nếp một tẻ. Nhiều người cứ tấm tắc khen mẹ tôi "sao khéo sinh nở thế". Mẹ tôi tự hào, còn bố không nói gì, chỉ bảo "con nào chẳng là con". Bố mẹ tôi cố gắng làm ăn, buôn bán, nghèo cũng không để cho con đói chữ. Chị tôi thi đỗ vào trường đại học Sư phạm Hà Nội. Khi ra trường, chị về làm giáo viên dạy văn của một trường cấp ba ở huyện. Ngày hạnh phúc của con gái, mẹ tôi dúi vào tay chị một mẩu giấy gói kỹ ba cây kim "phòng vệ" trong đêm tân hôn. Mẹ bảo, con gái về nhà chồng thì coi nhà chồng như nhà mình, cố gắng chăm sóc mẹ chồng, giữ hòa khí gia đình, để hai bên thông gia sum vầy, ở nhà cũng nở mày, nở mặt. Chị tôi cúi mặt để chào mẹ, lúc chị tôi đi khỏi, tôi thấy bà lấy vạt áo lau những giọt nước mắt.

Ngày tôi đang học đại học, tôi đã có cảm tình với em - vợ tôi bây giờ. Lúc đó, em còn là nữ sinh trường đại học Y. Mối tình đó kéo dài suốt 4 năm đại học và hơn 2 năm sau khi ra trường. Hôm tôi dẫn em về ra mắt gia đình, bố mẹ tôi vẫn giữ hòa khí, không dò xét hay hỏi han quá nhiều. Bố tôi bảo, đó là hạnh phúc của con và chỉ có con mới quyết định được. Bố mẹ chỉ là người định hướng và chỉ dẫn thôi.

Ngày tôi về xin phép gia đình được cưới em là khi tôi và em con chưa ổn định, công việc bấp bênh. Bố tôi bảo, hai đứa suy nghĩ cho thật kỹ, đừng để đến lúc cưới về, khó khăn tài chính lại ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân. Nhưng thấy hai đứa kiên quyết, ông bà mang trầu cau sang nhà hỏi vợ cho tôi.

Vợ tôi thành dâu con trong gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống.

Bà nội năm nay đã 90 tuổi, còn bố mẹ tôi cũng trên dưới sáu mươi. Dù vợ tôi rất chịu khó và lễ phép, nhưng cũng không ít lần xảy ra mâu thuẫn. Cuộc sống của cặp vợ chổng trẻ, cùng với những nhộn nhịp của thời hiện đại khiến cuốn chúng tôi đi. Em người miền Trung, sinh hoạt nếp sống còn đậm tính vùng miền. Còn gia đình tôi vốn quen với nếp sống của Hà Nội gốc. Bà và mẹ luôn quan niệm, làm vợ phải quán xuyến việc nhà, chăm sóc chồng con chu đáo. "Phụ nữ có làm đến chức thủ tướng thì cuối cùng về nhà cũng chỉ là người vợ, người mẹ trong gia đình. Trọng trách dâu con không thể bỏ qua" - mẹ tôi khẳng định. Hai vợ chồng tôi sống trong nhà, mọi áp lực dâu con đổ lên đầu vợ tôi. Vợ tôi quen được chiều, việc bếp núc không được khéo, vì thế, mẹ tôi tỏ thái độ luôn. Mấy lần thấy vợ ôm mặt khóc than thở chuyện với mẹ chồng, tôi chỉ biết thở dài. Bênh mẹ không được, giận vợ không xong, tôi lắc vai vợ đồng viên. Thôi thì mẹ cũng nhiều tuổi nên khó tính, em chịu khó chiều mẹ một chút. Vợ tôi sụt sịt, lắc đầu nguầy nguậy nhưng vẫn nghe lời chồng để ngọt nhạt với mẹ chồng.

Hai vợ chồng thường đi làm về muộn, thỉnh thoảng, vợ tôi thích ở lại, tụ tập với nhóm bạn một chút như hồi lớp... Mỗi lần thấy cô ấy về muộn một chút là mẹ tôi lại mặt nặng, mày nhẹ. Còn bà tôi thì tối nào ăn cơm cũng bóng gió nhắc nhở đến quy tắc lễ nghĩa vốn đã thành nếp sống trong gia đình. Nhiều lần vợ tôi ấm ức ra mặt. Sau mỗi tối về, lại tấm tức khóc, dỗ mãi không được.

 

Nhiều hôm, chẳng ai chịu ai, tôi thành hòa giải viên. Vợ tôi có mấy cái váy sáng màu hơi ngắn đến đầu gối, bà nội và mẹ bảo rằng, gái có chồng mặc thứ đó ra đường cho người ta "theo" về nhà à? Đang chuẩn bị ra ngoài, em lại lầm lũi lên nhà, thay chiếc váy cất gọn vào góc tủ, mặc bộ váy tối màu hơn để đi dự tiệc cùng chồng. Nhà có máy giặt, cứ cuối tuần, mẹ tôi bảo, giặt tay còn... tập thể dục. Thế là nàng lại lúi cúi mệt nhoài với đống quần áo cả buổi sáng. Mỗi lần như thế, là nàng lại mặt nặng mày nhẹ với tôi. Nàng cằn nhằn bởi nhà có máy giặt mà mẹ chồng bắt phải giặt tay, trong khi nàng đi làm cả ngày về rất mệt. Lúc mang bầu, cô ấy nghén ngủ, mẹ tôi lại bảo là... lười. Mấy lần vợ tôi khóc lóc đòi ra ở riêng vì không chịu được cảnh bị mẹ chồng soi mói. Đã thế, bà nội cũng đứng về phía mẹ tôi, quán triệt chính sách đối với cháu dâu. Một mình vợ cô độc trong cuộc chiến với hai người đàn bà - một là bà, một là mẹ chồng.

Thấy tình hình ngày càng căng thẳng, tôi nghĩ kế gỡ nút thắt. Gia đình tội có một thói quen là cứ buổi tối cuối tuần sẽ tổ chức một buổi họp mặt gia đình, ai đi làm đâu về sớm muộn cũng phải sắp xếp để có mặt vào bữa tối đó. Hôm ấy, anh rể và chị gái sang chơi, tôi đề cập đến chuyện của vợ và mẹ. Tôi bảo, "con không chọn được cha mẹ, những vợ thì con chọn được. Chúng con còn yêu nhau tha thiết, và nếu như việc đón cô ấy về làm đảo lộn cuộc sống gia đình thì nhất định là phải thay đổi, một là chúng con ở riêng, hai là con sẽ ly hôn vợ. Ly hôn xong, chưa chắc con đã lấy thêm người nữa". Cả nhà sợ quá, bởi ai cũng biết tính tôi, nói là làm. Sau đợt đó, thái độ của bà, mẹ và vợ tôi cũng thay đổi dần.

Nhiều hôm, vợ tôi còn phải đi trực ca đêm, mẹ tôi đều chăm sóc cháu giúp cô ấy. Nhờ có bà, có mẹ, chúng tôi tự do hơn và yên tâm hơn rất nhiều. Con tôi trở thành cầu nối giữa bố mẹ, ông bà, con cái trong gia đình. Bốn thế hệ chung sống, chỉ thấy ấm cúng, đoàn tụ, hạnh phúc chứ cũng không có những xích mích, xô xát lớn.

Trong cuộc sống có những mâu thuẫn vì quan điểm sống khác nhau, kể cả việc nuôi dạy con nhưng gia đình tôi đều cố gắng hòa giải. Những bữa cơm tối thân tình, những ngày nghỉ cuối tuần là dịp để cả gia đình ngồi lại, sum vầy, thậm chí còn tổ chức các buổi đi du lịch để gắn kết tình cảm. Tôi vẫn muốn để con cho ông bà trông và dạy dỗ, bởi như thế, con tôi sẽ trưởng thành và có chỗ dựa về tình cảm khi bố mẹ chuyên tâm vào công việc.

Chuyện vợ chồng có lúc cũng xô nhau. Trên những chuyến công tác của tôi, tôi vẫn thường gặp gỡ, giao lưu với những cô gái khác. Lúc đó, vợ tôi lại bóng gió ghen tuông. Mẹ tôi lúc đó, lại trở thành người chỉ bảo, hòa giải cho hai vợ chồng, chỉ cho ai đúng ai sai. Cũng mấy lần, nhờ sự giúp sức của bố mẹ, mà mâu thuẫn của hai vợ chồng cũng giảm đi đáng kể.

Giờ tôi thấy, có khá nhiều người tôn thờ quan điểm sống tự do chủ nghĩa, thích ra ở riêng dù không hề có xung đột hay trở ngại gì với nhà chồng. Điều đó cũng có những tích cực của nó, nhưng tôi thấy, khi con cái được lớn lên trong một đại gia đình, không khí ấm cúng, hòa hợp thì sự phát triển tâm hồn của trẻ sẽ phong phú và đẹp hơn rất nhiều. Nhất là khi, vợ chồng trẻ bây giờ quá bận rộn với công việc, mưu sinh? Việc dạy dỗ con chào hỏi, nói năng, ứng xử với bạn bè, đưa đón con đi học vợ chồng tôi cũng ít khi phải làm. Tôi cảm ơn tổ ấm của tôi, đứa con trai ngoan ngoãn, ông bà hết lòng thương yêu cháu và có cụ vẫn còn khỏe để kể cho cháu nghe những chuyện cổ tích từ xưa.