Chuyện lay động lòng người từ tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong tâm dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế - những chiến sỹ áo trắng ở tuyến đầu từng ngày, từng giờ phải đối mặt với biết bao vất vả, hiểm nguy. Họ chấp nhận tạm bỏ lại phía sau gia đình, con cái, người thân để lao vào chiến đấu với kẻ thù vô hình và đáng sợ.
Điều dưỡng Đỗ Thị Thu Thuỷ mệt lả sau khi làm việc quá sức tại Trạm y tế xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Điều dưỡng Đỗ Thị Thu Thuỷ mệt lả sau khi làm việc quá sức tại Trạm y tế xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Những người không ngủ

Bắc Giang hiện là tâm dịch nóng nhất cả nước kể từ Covid-19 xâm nhập Việt Nam tới nay, với gần 2.000 ca mắc (tính tới chiều 29-5). Con số này có ngày đột biến lên tới hàng trăm ca. Ứng phó với “cơn bão” Covid-19, một lực lượng rất lớn cán bộ y tế đã ngày quên ăn, đêm quên ngủ, dồn toàn tâm toàn sức dập dịch.

Những ngày qua, tòa nhà Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang luôn sáng đèn 24/24h. Đội ngũ cán bộ ở đây phải làm việc liên tục không nghỉ để phân chia, mã hoá các mẫu bệnh phẩm trước khi đến khâu chạy xét nghiệm. Chúng tôi có mặt tại Phòng Nhập liệu ở tầng 2 lúc 0h30, trên bàn làm việc của một nhân viên y tế là hộp cơm đã nguội ngắt. Thấy cái nhìn tò mò của chúng tôi, nữ điều dưỡng đang làm việc ở bàn bên lên tiếng: “Bữa tối của “người không ngủ” đó”.

Biệt danh “Người không ngủ” là anh Đặng Đình Nguyên - cán bộ Phòng Nhập liệu. Hơn 2 tuần qua, anh Nguyên gần như thức trắng. Đôi khi vì quá mệt, anh chỉ chợp mắt được vài ba giờ rồi lại quay trở lại với công việc. Khâu đoạn do anh đảm nhiệm mọi người gọi là “không ai thay thế được”. Hàng ngày, anh chịu trách nhiệm phân chia mã hóa các mẫu bệnh phẩm trước khi đến khâu chạy xét nghiệm. “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Nếu cậu ấy không làm tốt thì các phòng xét nghiệm không có mẫu để chạy. Vì vậy, gần như Nguyên không được ngủ, có khi chỉ gục xuống bàn ít phút rồi lại bị gọi dậy” - một đồng nghiệp của anh kể lại.

Anh em cùng cơ quan dù rất thương Nguyên, nhưng cũng không biết làm thế nào vì chính họ cũng không thể giúp gì được. Một kỹ thuật viên khác nói: “Chúng em gọi anh Nguyên là người không ngủ bởi anh ấy gần như thức xuyên đêm. Hôm sinh nhật con trai, nhà cách có 2km mà anh ấy cũng không về được. Vợ anh chỉ còn cách gọi điện video để anh dự sinh nhật cùng con”.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, CDC Bắc Giang hoạt động không có khái niệm giờ giấc, cũng chẳng có khái niệm đêm - ngày. Nhân viên y tế làm việc không ngơi tay để phân loại mẫu bệnh phẩm từ các huyện gửi về. Sau lớp khẩu trang kín mít, tất cả đều cảm nhận được sự mệt mỏi qua ánh mắt, động tác của mỗi người.

Bác sĩ Lâm Văn Tuấn - Giám đốc CDC Bắc Giang cho biết, chính ông cũng nhiều ngày chưa hề chợp mắt. “Nhiều khi tôi còn không phân biệt được ai với ai nữa, vì anh em gặp nhau lúc nào cũng trong trang phục bảo hộ kín mít. Công việc quá nhiều, Trung tâm phải huy động hết các bộ phận từ hành chính, kế toán đến lái xe, văn thư mỗi người một tay, ai tham gia được ở khâu nào thì làm khâu ấy. Người nào việc ấy, ai ai cũng tập trung với công việc đếm mẫu, chia mẫu, nhận mẫu, nhập mẫu, xét nghiệm… ” - bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Biết chắc “cuộc chiến” còn kéo dài, các nhân viên CDC Bắc Giang cố gắng chia ca làm việc khoa học nhất để mọi người có thêm chút thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức. Dù vậy, có khi đã hết ca trực, nhưng nhiều anh chị em vẫn ở lại hỗ trợ nhau làm nhiều công việc khác. Có người tan ca từ sớm nhưng phải đến nửa đêm mới về nhà và hôm sau lại đến sớm. Mệt mỏi trong guồng quay chóng mặt, nhưng tất cả đều vững niềm tin Bắc Giang sẽ sớm chiến thắng Covid-19.

Anh Đặng Đình Nguyên - cán bộ Phòng Nhập liệu (CDC Bắc Giang) và hộp cơm ăn vội lúc nửa đêm

Anh Đặng Đình Nguyên - cán bộ Phòng Nhập liệu (CDC Bắc Giang) và hộp cơm ăn vội lúc nửa đêm

Nỗi lòng người mẹ

“Nhìn clip thằng bé gắt ngủ vật vã tìm ti mẹ mà mình chỉ lặng lẽ khóc. Nhớ lắm, nhớ cảm giác ôm con vào lòng, nắn tay nắn chân, thơm trán, dụi đầu, xoa lưng... Nhớ đến đau tim. Mình biết, còn nhiều người mẹ nữa giống mình ở trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương này. Có bạn con mới hơn 7 tháng tuổi. Sáng nay nghe một bạn khóc òa vì nhớ con, mình cũng khóc theo. Đúng là các bà mẹ đang cho con bú dễ khóc thật! Thử thách này của ông trời sao xé lòng thế!” - đó là những dòng chia sẻ ngắn gọn trên facebook của một nữ bác sĩ trong những ngày phải cách ly trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh, Hà Nội). Công việc ở bệnh viện trong những ngày cách ly vô cùng vất vả, đối diện nhiều nguy hiểm, nhưng chị em không hề sợ hãi hay chán nản. Thứ mà các chị sợ nhất là lúc trời sập tối, khi nỗi nhớ con thơ quay trở lại.

“Giờ đó, con trai út 11 tháng của em có lẽ đang khóc ngằn ngặt trên tay bà vì thiếu hơi mẹ. Em đi cách ly đột ngột chưa kịp cai sữa nên cháu rất quấy. Bà cứ phải bế vác trên vai hàng tiếng đồng hồ. Mỗi đêm, thằng bé thường thức dậy vài lần đòi bú, nhưng từ hôm vắng mẹ, bà cháu đêm nào cũng “vật lộn” với nhau. Không được ti, cháu chỉ ngủ 1-2 tiếng là dậy khóc, thương cả 2 bà cháu. Những ngày đầu, sữa về nhiều, em phải vắt bỏ đi. Nhưng giờ thì sữa càng ngày càng kiệt dần, chắc tới khi hết dịch được về nhà thì sữa cũng hết…” - kể tới đây, nữ điều dưỡng D của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) nghẹn lại.

Hết dịch mẹ sẽ về…

Xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một trong số những địa phương phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Nhiều ngày qua, chị N.T.H - nhân viên của Trung tâm Y tế Thuận Thành cùng các đồng nghiệp đã dồn hết sức thực hiện nhiệm vụ của mình. Con gái nhỏ của chị H mới hơn 1 tuổi phải gửi người nuôi giúp.

Chị K.A (chị gái của H) bảo: “Từ ngày dịch bùng phát, em tôi đi và ở lại cơ quan luôn không về. Gia đình cũng chỉ biết động viên H cố gắng, an tâm làm việc. Hơn bao giờ hết, cộng đồng, cơ quan đang cần em, chuyện ở nhà mọi người sẽ lo giúp. Nhiều lần gọi điện để em nhìn con cho đỡ nhớ, nhưng cũng chỉ tranh thủ được vài câu. Có những lần nghe em tôi nói qua điện thoại “con ở nhà với bác ngoan, khi nào hết dịch mẹ sẽ về” mà tôi không cầm được nước mắt. Con bé cũng chưa hiểu gì, chỉ thấy mẹ thì vẫy tay tíu tít. Thương cháu, thương em mà không biết phải làm sao”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành cho biết: “Trong đợt dịch này, có rất nhiều cán bộ, y bác sĩ tình nguyện vào tâm dịch. Họ đều xác định sẵn sàng cống hiến, hy sinh, coi “chống dịch như chống giặc” để sớm đẩy lùi Covid-19. Ai cũng mệt mỏi, nhiều người mệt đến mức lả đi. Dù chúng tôi đã bố trí thời gian nghỉ ngơi, thế nhưng mọi người cũng chỉ nghỉ 3-4 giờ đủ để hồi sức rồi quay lại làm việc. Tất cả đang nỗ lực hết mình”.

Ban ngày nắng nóng, vất vả là vậy, nhưng chuyện làm việc đến 2-3h sáng, có khi xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm không phải hiếm. Làm việc với cường độ rất cao, nhưng do quá mệt mỏi, nhiều nhân viên y tế không muốn ăn uống gì chỉ uống sữa hoặc oresol bù nước sau đó lại quay vào làm việc. Tất cả đều dành tất cả sức lực, trí lực của mình để hợp sức chống lại Covid-19, quyết tâm sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình yên cho nhân dân.