Chuyện khó tin: Lái xe ô tô say rượu, rối rít cảm ơn Cảnh sát giao thông vì được xử lý nồng độ cồn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyện nghe rất khó tin, nhưng là thực tế trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn của Đội Cảnh sát giao thông số 3 - Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội. Một lái xe ô tô nhậu say tới mức không còn biết gì khi được lực lượng làm nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn đã rối rít cảm ơn, vì cho rằng nếu không có các cán bộ chiến Cảnh sát giao thông thì không biết chuyện gì xảy ra.

Đưa người vi phạm về tận nhà an toàn

“Thực tế trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn của Đội Cảnh sát giao thông số 3, có nhiều trường hợp say tới mức không còn biết gì, hoặc nồng độ cồn quá cao, vượt quá mức kịch khung quy định. Và trong số đó, cũng có những trường hợp chúng tôi cử cán bộ đưa người vi phạm về tận nhà để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho họ” - Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3 thông tin.

Lý giải về việc này, Trung tá Phạm Anh Tuấn cho biết, qua công tác điều tra cơ bản, đơn vị nắm được việc nhiều người dân đi uống rượu về rất khuya, do vậy cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 3 cũng lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn đến 24h. Đối với những trường hợp về khuya trong tình trạng say xỉn, nhận định là uống rất nhiều nên cán bộ chiến sĩ đã đề nghị gọi người nhà lên đón.

Có những trường hợp vi phạm vượt quá mức kịch khung quy định

Có những trường hợp vi phạm vượt quá mức kịch khung quy định

Tuy nhiên, có một số người lại muốn thuê lái xe ôm chở về. “Thực tế lúc này người vi phạm đã uống quá say, có thể nói là không ý thức được hành vi nữa nên nếu thuê lái xe ôm chở về cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh các loại tội phạm như trộm cắp, thậm chí giết người cướp tài sản. Do vậy, để phòng ngừa và bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người vi phạm, chúng tôi đã cử cán bộ chiến sĩ đưa họ về tận nhà” - Trung tá Phạm Anh Tuấn cho biết.

Trước đó, trong quá trình làm nhiệm vụ tại tuyến đường Lê Văn Lương, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 3 đã ra hiệu lệnh dừng một chiếc xe ô tô vì nghi lái xe vi phạm nồng độ cồn. Khi xuống xe, người này trong tình trạng mặt đỏ, hơi thở nồng nặc mùi men và cũng không còn làm chủ được hành vi.

Người đàn ông làm nghề phụ hồ này bị kiểm tra trong tình trạng mặt đỏ, người nồng nặc hơi men

Người đàn ông làm nghề phụ hồ này bị kiểm tra trong tình trạng mặt đỏ, người nồng nặc hơi men

Ngay sau đó, tổ công tác đã đo nồng độ cồn, yêu cầu ký biên bản vi phạm và cẩu phương tiện về trụ sở, mặt khác cũng cử cán bộ đưa người vi phạm về tận nhà. Điều khó tin là sáng hôm sau khi tỉnh rượu, người lái xe đã đến trụ sở Đội để hoàn tất việc xử lý vi phạm và liên tục nói lời cảm ơn tới lực lượng làm nhiệm vụ.

Anh này cho rằng, nếu không có các cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã kịp thời dừng xe xử lý, thì không biết hậu quả sẽ thế nào, tất cả đều rất khó lường, ví dụ như vụ việc lái xe Audi sử dụng rượu bia gây tai nạn tại Bắc Giang tối 2-6 vừa qua đã khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng. Bản thân lái xe cũng phải chịu trách nhiệm hình sự và đối diện với bản án lương tâm đến hết cuộc đời… Dù bị xử phạt số tiền 35 triệu đồng nhưng người lái xe rất vui vẻ.

Việc làm của cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 3 - Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội tuy nhỏ, nhưng không chỉ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân mà còn phòng ngừa phát sinh tội phạm.

Khéo léo nhưng kiên quyết

Theo Trung tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3, trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, không ít trường hợp vì uống quá chén nên đã có thái độ, lời nói, ứng xử không phù hợp với lực lượng làm nhiệm vụ.

“Khi say, người vi phạm có thể không làm chủ được bản thân nên đã có lời nói, ứng xử chưa đúng mực. Nếu như không khéo léo rất dễ dẫn đến việc họ kích động, chống đối nên cán bộ chiến sĩ được quán triệt 100% khi tiếp xúc với những trường hợp vi phạm nồng độ cồn phải bình tĩnh, khôn khéo và tìm mọi cách động viên, thuyết phục họ ký vào biên bản, khi tỉnh rượu họ sẽ ý thức được hành vi của mình” - Trung tá Đặng Hồng Giang nhìn nhận.

Sau hơn 1 tháng triển khai xử lý vi phạm giao thông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo Kế hoạch của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát giao thông số 3 đã xử lý gần 120 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Đơn vị kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm mà không có "vùng cấm"

Đơn vị kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm mà không có "vùng cấm"

Đáng chú ý, thời gian đầu triển khai, qua kiểm tra, xử lý, đơn vị phát hiện đa phần người vi phạm là cán bộ, nhân viên văn phòng, thậm chí có cả công chức Nhà nước. Ngay sau đó, song song với việc tuyên truyền, Đội đã phối hợp với Công an quận Đống Đa tham mưu cho Đảng ủy, UBND quận yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn cam kết thực hiện khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Một thực tế mà Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh trong loạt bài liên quan đến xử lý vi phạm nồng độ cồn là người vi phạm thường tìm mọi cách để “xin xỏ”, đặc biệt là gọi điện thoại cho người thân quen can thiệp.

“Cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ như chúng tôi cảm thấy rất bức xúc. Rõ ràng ai cũng hiểu được việc sử dụng rượu bia rồi lái xe rất nguy hiểm, đã có quá nhiều những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, tuy nhiên họ vẫn cố tình can thiệp, gây ảnh hưởng tới nhiệm vụ của chúng tôi” - Thiếu tá Lã Sơn Tùng, Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát, Đội Cảnh sát giao thông số 3 cho biết.

Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ cũng như an toàn cho người tham gia giao thông, cán bộ chiến sĩ cũng được quán triệt phải xử lý nghiêm, không nhân nhượng, không có “vùng cấm”.

Cũng trong thời gian thực hiện Kế hoạch, do địa bàn quản lý của đơn vị nằm trong trung tâm Thủ đô, nên việc vi phạm xe chở quá khổ quá tải, cơi nới thành thùng ít xảy ra. Song, đơn vị cũng đã đề nghị các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thực hiện cam kết không vi phạm, đồng thời thực hiện việc tự cắt thành thùng cơi nới, đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đã đăng ký.

Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô sẽ coi đây là kế hoạch xuyên suốt chứ không chỉ riêng cao điểm. Mục tiêu cao nhất của lực lượng này là xử lý mạnh tay để răn đe, nâng cao ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng của mỗi người tham gia giao thông.

Tin cùng chuyên mục