Chuyện khó quên nơi tâm lũ Quảng Bình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày đầu tháng 11-2020, khi siêu bão Goni (cơn bão số 10) vừa dứt, cơn bão 11 lại tiến vào Biển Đông, đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô khẩn trương từ Hà Nội vào tỉnh Quảng Bình để chia sẻ phần nào khó khăn, vất vả với bà con vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão. Với tôi, đây là một chuyến đi đặc biệt có nhiều kỷ niệm không thể nào quên!

Do đi vào vùng lũ lụt hoành hành nên đội hình của đoàn rút gọn tối thiểu. Trên xe có Thiếu tá Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô, quay phim kiêm lái xe Minh Quân, tôi chụp ảnh, viết bài.

Chiếc xe nhỏ nhưng mang món quà thiết thực là tiền mặt do bạn đọc Báo An ninh Thủ đô từ khắp mọi miền gửi ủng hộ đồng bào để phần nào tái thiết cuộc sống sau bão lũ. Đó là sự ủng hộ của các doanh nghiệp hay chỉ là một chút tiền dành dụm của một cán bộ đã nghỉ hưu. Tình thương dành trong đó là cả những gì thiêng liêng không thể mua được bằng tiền, nó được đo bằng tấm lòng. Và Tòa soạn An ninh Thủ đô bao năm qua luôn tự hào được bạn đọc tin tưởng làm cầu nối đến khắp đất nước để chuyển tấm lòng ấy nguyên vẹn đến những số phận còn vất vả.

Từ TP Đồng Hới tới huyện Quảng Ninh (một trong những huyện bị ngập nặng của tỉnh Quảng Bình) mất hơn 30 phút xe chạy. Nước lũ vừa mới rút khỏi nhà dân. “Nhìn vệt mép nước quá nửa tường nhà kia mới biết nước lũ hung dữ thế nào. Ở đây, nhà nào cũng phải cố xây được 2 tầng. Tầng 1 thật cao để sống chung với lũ, tầng 2 là nơi tránh lũ khi mưa bão. Ngày hôm qua, biển còn lặng, thế mà hôm nay trở về với đất liền chỉ còn là những mảnh chắp vá trôi dạt. Để chiều chiều, có những người vợ, người mẹ dắt díu đàn con thơ ra bờ biển, nhìn về khoảng trời xa xăm và mênh mông ngoài kia, chờ đợi bóng ai đó trở về. Thấy thương lắm những bóng người đợi chờ mòn mỏi, bóng hắt lên khi chiều buông…

Bà con xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đọc báo An ninh Thủ đô

Bà con xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đọc báo An ninh Thủ đô

Sau đoạn đường lầy lội, đoàn công tác đã đến Nhà văn hóa thôn Bắc Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Nơi mà vết nước trên tường nhà văn hóa cao quá đầu người vẫn còn ướt nguyên. Trước đó vài ngày, nước lũ đã tràn vào nhà dân, nhiều hộ bị ngập sâu, nhiều xã, thôn bị cô lập hoàn toàn và phương tiện di chuyển chủ yếu là thuyền, ca nô. Tài sản quý giá nhất là con trâu, con bò, mấy con gà, từng bao tải thóc cũng bị cuốn trôi... Hàng trăm suất quà đã được Thiếu tá Chu Quốc Dũng trao tận tay những hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề nhất… Tiếp đó, đoàn công tác cũng đến tặng quà ủng hộ các gia đình khó khăn vì bão lũ ở thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn…

Tại đây, chúng tôi được nghe những người phụ nữ chân chất kể chuyện bão lũ vừa qua và họ khóc khi kể về những đàn gà, đàn vịt mình tự tay chăm bẵm đã chết vì nước lũ. “Đồng bào miền Trung kiên cường lắm, sống chung với lũ quen rồi. Nhưng mỗi lần phải chứng kiến cảnh những gì mà mình vun đắp, căn nhà dành dụm mãi mới xây được, đàn vịt vừa độ lớn chuẩn bị đem bán để dành dụm tiền cho con ăn học bỗng chốc bị dòng nước đục cuốn trôi thì đau xót lắm” người cán bộ công an lão thành với mái tóc đã bạc trắng nói nhỏ với tôi. Tôi chỉ thấy mắt mình cay cay…

Thiếu tá Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô tặng quà, chia sẻ với bà con bị ngập lụt ở xóm 4, thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn tháng 11-2020

Thiếu tá Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô tặng quà, chia sẻ với bà con bị ngập lụt ở xóm 4, thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn tháng 11-2020

Trên đường trở ra, hạ cửa kính xe anh em hỏi nhau: “Có thấy mùi gì không?”. “Mùi bùn đất!”. “Chưa đủ, đây là mùi bùn đất cùng vôi vữa ngâm nước lâu ngày, cả mùi cây cỏ, gà vịt chết… Những căn nhà vừa nhìn qua ấy không có người ở đâu, vì ngâm nước lâu ngày, tường có thể sập đổ lúc nào không hay. Những bàn chân đồng bào nhăn nheo vì ngâm nước quá lâu… Đó là những chi tiết phải ăn vào tâm trí mới hiểu được đồng bào khó khăn thế nào… Thế nên cứ mỗi khi miền Trung thân yêu đón bão lũ. Cả nước, mỗi người lại san sẻ một chút của mình, một bao gạo, một thùng mì tôm, một bộ quần áo. Nhiều đứa trẻ đập lợn lấy tiền dành dụm của mình để gửi chút yêu thương ra miền Trung xa xôi - nơi mà có lẽ chưa bao giờ chúng được đặt chân đến. Nhưng chúng yêu, chúng quý bởi vì đó là một phần của đất nước mình, giống như một phần máu thịt, như tiếng “đồng bào” thiêng liêng trong sách giáo khoa mà ai cũng học từ vỡ lòng nhưng trong cuộc sống vội vã đôi khi lại quên mất...”.

Nhà báo Phú Khánh

Nhà báo Phú Khánh

Những câu chuyện và bài học từ chuyến đi đã cho tôi câu trả lời về việc vì sao miền Trung luôn kiên cường đến thế - đó chính là vì miền Trung không đơn độc, cả nước Việt Nam vẫn luôn bên cạnh và sẵn sàng dành cho miền Trung những gì quý nhất! Tôi cũng hiểu thêm rằng, người làm báo còn có trách nhiệm lan tỏa tình thương và lòng nhân ái như lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.