Chuyển hướng chiến lược quyết định thành công trong phòng chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đánh giá cao về việc chuyển hướng chiến lược theo Nghị quyết 128/NQ-CP giúp kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Angela Pratt nhấn mạnh, các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.
Với chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng đắn, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới

Với chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng đắn, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới

Kết quả của chiến lược đúng đắn

Đến thời điểm này có thể khẳng định Việt Nam đã kiểm soát ngày càng vững chắc hơn dịch Covid-19, kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng, nổi bật so với thế giới trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Mọi mặt đời sống của người dân trở lại bình thường, trẻ em được vui chơi, đến trường học tập an toàn. Những số liệu thống kê là những minh chứng sống động cho điều này.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm 2022 rất ấn tượng. Trong đó, GDP quý III-2022 tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng quý cao nhất trong vòng 10 năm qua ở nước. Mức tăng trưởng GDP bình quân 9 tháng đầu năm 2022 cũng đạt 8,83%, là mức tăng trưởng rất cao. Tăng trưởng trong quý III năm nay lên tới 13,67% là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi rất nhanh.

Từ đầu năm 2022 tới nay, chúng ta gặp nhiều khó khăn khi giá vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng rất cao, nhưng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.

Về dịch vụ, với chính sách mở cửa du lịch, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn với hơn 1.800.000 lượt du khách nước ngoài tới Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, song đã gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước và lượng du khách quốc tế đang không ngừng tăng. Các ngành vốn gặp vô vàn khó khăn lúc dịch hoành hành như vận tải, dịch vụ trong nước đều phục hồi mạnh mẽ.

Vào thời điểm này cách đây một năm, có lẽ không mấy ai nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được những thành tích kinh tế-xã hội ấn tượng như trên. Vào cuối tháng 9-2021, Tổng cục Thống kê công bố kết quả tăng trưởng GDP cho thấy giảm rất sâu với -6%, nhiều lĩnh vực dịch vụ, nhất là du lịch hầu như “đóng băng”; đi lại còn bị hạn chế.

Tại thời điểm cam go này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là một quyết sách sáng suốt, táo bạo, dũng cảm, thay đổi căn bản tư duy trong chiến lược phòng, chống dịch, quyết sách căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn trong nước, quốc tế, các bằng chứng khoa học, bám sát dự báo tình hình dịch bệnh, khả năng tiếp cận, cung ứng và tỷ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh, sự sẵn có của thuốc điều trị với mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vừa đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Thực tế cho đến nay đã chứng minh Nghị quyết 128 là kịp thời, đúng đắn, tại thời điểm quyết định thành công: dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường. Có thể khẳng định, nhân tố quyết định để có được sự phục hồi mạnh mẽ hiện nay trong khi vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh là những chuyển hướng chiến lược. Đầu tiên là chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 và sau đó là sự ra đời của Nghị quyết 128/2021/NQ-CP của Chính phủ ngày 11-10-2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, trong đó Nghị quyết 128 được đánh giá là sự chuyển hướng chiến lược, mang ý nghĩa quyết định.

Không thể chủ quan, mất cảnh giác

Đánh giá về sự chuyển hướng chiến lược đúng đắn của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, khẳng định: Nghị quyết 128 là dấu mốc vô cùng quan trọng của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19, là sự chuyển đổi rất quan trọng từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan bằng mọi giá và bây giờ chuyển sang trạng thái chung sống với Covid-19, hoặc quản lý bền vững để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát Covid-19 cộng với việc mở cửa nền kinh tế, xã hội.

Theo bà Angela Pratt, Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra Nghị quyết 128. Trước hết, Việt Nam đã bao phủ tỷ lệ tiêm chủng rất cao và tỷ lệ này gia tăng theo thời gian. Với hơn 260 triệu liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm tính tới nay, Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.

Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát lây lan của virus ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch nhờ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp tại nơi công cộng… Theo WHO, đó là một bài học kinh nghiệm nữa được rút ra ngay từ đầu đại dịch và có thể ứng dụng trong các giai đoạn tiếp theo trong việc kiểm soát và quản lý Covid-19.

Tiến sĩ Angela Pratt cũng đánh giá cao việc hình thành Nghị quyết 128 khi cho rằng nghị quyết này đã được đưa ra thông qua một quá trình có sự tham vấn rất sâu rộng với sự lãnh đạo của Chính phủ có sự tham gia của các bộ ngành, các đối tác, chính quyền địa phương, các đối tác quốc tế. “Đây là một trong những bài học quan trọng nhất chúng ta học được trong phòng chống Covid-19 bởi vì ngành y tế không thể một mình đương đầu với Covid-19 được mà cần sự chung tay chung sức của toàn xã hội” - bà Angela Pratt nêu rõ. Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định Nghị quyết 128 là văn bản vô cùng quan trọng giúp Việt Nam cân bằng phát triển xã hội nói chung cũng như áp dụng các biện pháp y tế công cộng. Những điều Việt Nam đưa vào Nghị quyết cũng là những điều mà WHO đã khuyến cáo.

Dù đã được kiểm soát, song dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. WHO đánh giá, thế giới hiện vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và bùng phát trở lại. Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Vì vậy, chúng ta không thể một phút giây nào chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà cần tiếp tục quyết liệt triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 cũng phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Phòng bệnh phải từ sớm, từ xa, ngay từ tuyến cơ sở; tiếp tục thực hiện và phát huy một cách hiệu quả nhất Nghị quyết 128 trong tình hình mới.