Chuyên gia Việt “hiến kế” về Tiền tệ kỹ thuật số cho ngành bán lẻ Singapore

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - X-Vision - nhóm nghiên cứu với nhiều chuyên gia Việt Nam - mới đây đã “hiến kế” cho Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore các giải pháp về Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC) cho ngành Bán lẻ. Có lẽ tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên, có một nhóm nghiên cứu độc lập về Blockchain như vậy được tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực…

Cụ thể, các giải pháp được đề xuất chính là công trình của X-Vision, gửi tham gia Chương trình Thách thức CBDC toàn cầu (Global CBDC Challenge) do Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) tổ chức.

Những thách thức đến từ 3 “thành trì” của CBDC

Mang thể thức một cuộc thi, Chương trình Global CBDC Challenge là hoạt động nhằm tìm kiếm các giải pháp CBDC bán lẻ sáng tạo để nâng cao hiệu quả thanh toán và thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính Singapore. Tham gia vào đó, các công ty FinTech, tổ chức tài chính và nhà cung cấp giải pháp trên toàn thế giới được “thử sức” với 12 báo cáo chuyên đề tập trung theo ba lĩnh vực chính là Công cụ CBDC; Phân phối CBDC và Cơ sở hạ tầng CBDC.

Trước “đầu bài” này, nhóm chuyên gia gồm 12 thành viên đến từ Diễn đàn Phổ cập Blockchain (đăng ký với tên gọi X-Vision) đã cộng tác, làm việc liên tục trong vòng một tháng để đưa ra một Báo cáo giải quyết các vấn đề nêu ra của MAS đối với CBDC cho ngành bán lẻ Singapore. Có lẽ tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên, có một nhóm nghiên cứu độc lập về Blockchain như vậy được tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực: kinh tế, tài chính, công nghệ, tiền kỹ thuật số, marketing...

Nhóm xác định, CBDC bán lẻ được xây dựng cho các hệ thống tài chính thế hệ tiếp theo với việc tăng hiệu quả thanh toán, cải thiện sự minh bạch và hỗ trợ động lực số hóa rộng rãi hơn trong nền kinh tế. Từ đó, thiết kế và công nghệ làm nền tảng cho các giải pháp CBDC bán lẻ cần đáp ứng một số mục tiêu chính sách công như: Hiệu quả về chi phí để thực hiện, đáp ứng được cả nhu cầu thanh toán hiện tại và dự kiến trong tương lai của người tiêu dùng;

Có thể tiếp cận được với đầy đủ người dùng (bao gồm cả người có thu nhập thấp và những người ít hiểu biết về công nghệ); Phải góp phần vào khả năng phục hồi và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính, đồng thời phù hợp với sự ổn định tài chính và tiền tệ.

Phần “hiến kế” của nhóm chuyên gia blockchain tại Việt Nam đã cung cấp ý tưởng, giải pháp cho cả 12 vấn đề trên 3 góc nhìn mà MAS cần: khai thác các thiết bị đầu cuối tương tác của CBDC, kênh phân phối CBDC và hạ tầng CBDC. Các vấn đề được chia làm 6 mức từ ý tưởng tới sản phẩm cụ thể. Đặc biệt, mặc dù MAS yêu cầu mỗi nhóm dự thi chỉ cần giải quyết một vấn đề, nhưng sau quá trình thảo luận, nhóm X-Vision quyết định đề xuất ý tưởng cho toàn bộ 12 vấn đề.

Theo thông tin từ MAS, tính đến ngày 30/07, BTC đã nhận được 600 lượt đăng ký tham gia và 300 đề xuất giải pháp của các công ty, tổ chức đến tù 80 quốc gia.

Ông Nguyễn Đoan Hùng - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Việt Nam, thành viên của nhóm - đánh giá: “Giải quyết 12 câu hỏi này đòi hỏi cần có một phối hợp kiến thức giữa kinh tế vĩ mô, ngân hàng và bảo mật và đương nhiên là các cách xử lý ứng dụng của blockchain hay cryptocurrency (tiền kỹ thuật số)”.

Việt Nam nên nghiên cứu CBDC ở cấp độ cao và tập trung hơn

Được biết, người khởi xướng và quy tụ các chuyên gia của nhóm X-Vision là ông Phan Đức Trung, Chủ tịch công ty Decom Holdings chuyên về đầu tư và tìm kiếm giải pháp DeFi, với bề dày hơn 20 năm làm việc trong các định chế tài chính ngân hàng, đầu tư, chứng khoán và tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Chương trình Global CBDC Challenge do Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) tổ chức
Chương trình Global CBDC Challenge do Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) tổ chức

Theo ông, Singapore là quốc gia đã tiến hành nghiên cứu CBDC rất bài bản, phân tách đầy đủ thành Wholesale/ Retail CBDC (Bán buôn/bán lẻ) từ năm 2016 với một dự án có tên giuh Ubin, phối hợp cùng đối tác R3 và nhiều công ty công nghệ khác như Accenture, IBM, ConsenSys và Microsoft. Và theo một báo cáo do PwC công bố tháng 4/2021, MAS được xếp hạng đứng TOP 3 toàn cầu về triển khai CBDC.

“Việc MAS phát động cuộc thi toàn cầu cùng các đối tác đã tham gia nghiên cứu CBDC cho thấy chính phủ Singapore rất thận trọng. Họ vẫn thu hút nhân lực trong ngành blockchain thay vì dựa vào những kết quả đã nghiên cứu được trừ 5 năm trước. Có thể thấy, họ nhận thức rất cao về sự luôn cập nhật của công nghệ và những thách thức khi ứng dụng nó vào cuộc sống”, ông Trung cho biết.

Theo thông tin từ MAS, tính đến ngày 30/07/2021, BTC đã nhận được 600 lượt đăng ký tham gia và 300 đề xuất giải pháp của các công ty, tổ chức đến tù 80 quốc gia.

Từ câu chuyện của Singapore, cũng như nhìn nhận CBDC là một xu hướng phát triển tiền tệ của mọi quốc gia, Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất Việt Nam nên sớm nghiên cứu CBDC ở cấp độ cao và tập trung hơn.

Làm rõ hơn về điều này, ông Huy Nguyễn – thành viên của Nhóm, Nguyên Giám đốc công nghệ cao cấp tại Google, hiện là đồng sáng lập và CTO của KardiaChain. – cho biết: “Sau hơn 10 năm công tác, nghiên cứu và giảng dạy tại một trong những nơi có thể gọi là "cái nôi" của công nghệ như Google, tôi nhận thấy đây chính là cơ hội để chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Vì đây là công nghệ mới, khoảng cách công nghệ không quá xa và chúng ta có thể dễ dàng rút ngắn. Chúng ta có nguồn lực, kinh nghiệm của các chuyên gia và những sản phẩm thành công và được khẳng định trên thế giới”.

“Mục tiêu của Nhóm là tiếp tục quy tụ những chuyên gia trong lĩnh vực này cùng nhau nghiên cứu CBDC nói riêng hay các ứng dụng giải pháp blockchain trong tương lai, từ đó tìm ra một giải pháp khả thi CBDC cho Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số cho đất nước”, ông Phan Đức Trung đại diện X-Vision cho biết.

Được biết, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 942 ngày 15/6/2021 về phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử tới năm 2030 đã giao cho Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 nghiên cứu, xây dựng và thí điểm tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ chuỗi khối blockchain.

Đây được coi là một bước tiến lớn, bắt nhịp với xu hướng nghiên cứu, phát triển và thí điểm CBDC đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu độc lập bao gồm các chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về blockchain, am hiểu về tài chính ngân hàng như Phó chủ tịch UBCK Nhà nước Việt Nam, nguyên GĐ Dự khuyết Ngân hàng Thế giới ông Nguyễn Đoan Hùng, ông Phan Đức Trung có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bà Lynn Hoang, Giám đốc Binance Việt Nam, Trưởng nhóm Fintech thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, chuyên gia Blockchain của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam; ông Huy Nguyễn hiện là đồng sáng lập và CTO của KardiaChain, nguyên Giám đốc công nghệ cao cấp tại Google, TS Đặng Minh Tuấn, tiến sỹ chuyên ngành Toán và Mật mã, và nghiên cứu Blockchain.