Chuyên gia: “Nên làm lại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  TS Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường “nên làm lại” để đảm bảo chất lượng, đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường và tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường còn nhiều quy định bất hợp lý

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường còn nhiều quy định bất hợp lý

Dự thảo Nghị định “vẽ rắn thêm chân”?

Bà Nguyễn Minh Thảo- Trưởng Ban Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, dự thảo Nghị định do Bộ TN-MT chủ trì soạn thảo và được đưa vào lấy ý kiến từ tháng 7-2021.

Nhiều cơ quan, tổ chức, các hiệp hội trong và ngoài nước góp ý về các nội dung của dự thảo, tập trung chủ yếu vào 3 nội dung: Cấp giấy phép môi trường; một số quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh; đóng góp tái chế sản phẩm, bao bì.

Tuy nhiên, qua các đợt lấy ý kiến, nhiều nội dung trong dự thảo chưa được tiếp thu, trong đó nhiều nội dung khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại. Gần nhất là việc 11 hiệp hội, ngành hàng lớn đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về những bất cập và đề nghị làm rõ “cơ sở pháp lý” của một số nội dung.

Ngoài những vấn đề đã được nêu trước đó, đại diện CIEM còn chỉ ra một số bất cập về điều kiện kinh doanh trong đó có quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư (Điều 52). Trong đó, tại khoản 6 được cho là sẽ mang lại rủi ro chính sách. CIEM cũng kiến nghị bãi bỏ quy định về ghi nhãn.

Lý giải điều này, bà Thảo phân tích, tại điều 66, quy định sản phẩm hàng hoá là bao bì nhựa khó phân huỷ sinh học phải được dán nhãn hàng hoá ( gốc nhãn hoặc nhãn phụ, nhãn cảnh báo) bằng tiếng Việt ghi rõ “bao bì nhựa khó phân huỷ”.

Như vậy, chai nước, chai dầu gội đầu… từ nhựa PVC, PET cũng phải ghi nhãn “ bao bì nhựa khó phân huỷ”. Quy định này gây bất hợp lý và tốn kém không cần thiết cho doanh nghiệp và có thể tạo rào cản, mâu thuẫn với các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, CIEM cũng kiến nghị bãi bỏ quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp giấy phép môi trường (Điều 31) và điều kiện kinh doanh bất hợp lý đối với bên được uỷ quyền tái chế ( Điểm c, khoản 4- Điều 81).

Nên xây dựng lại dự thảo Nghị định

Là người trực tiếp tham gia soạn thảo nhiều Luật quan trọng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung kể lại, khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp, ban soạn thảo có đưa ra điều kiện thành lập doanh nghiệp là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bị tâm thần, không bị truy cứu hình sự thì được thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi Luật có hiệu lực, người dân muốn thành lập doanh nghiệp phải xin giấy xác nhận đã đủ 18 tuổi ở chính quyền địa phương, phải ra công an xin giấy xác nhận không bị truy cứu hình sự, thậm chí là phải đi khám ở bệnh viện để nhận giấy xác nhận không bị tâm thần.

“Tôi tham gia soạn thảo hoàn toàn vô tư nhưng khi triển khai thực hiện lại thành ra như vậy. Đây là bài học xương máu khi soạn thảo luật, vô cùng tai hại nếu không lường hết được những thủ tục hành chính có thể phát sinh”- ông Nguyễn Đình Cung nói.

Đáng tiếc, sai lầm ấy đang lặp lại ở dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ví dụ, khoản 4, điều 28 của dự thảo quy định: “Nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án nhóm III hoặc cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương dự án nhóm III phải bảo đảm đơn giản hơn dự án đầu tư, cơ sở nhóm II…”

Tuy nhiên, quy định về việc phân biệt rõ từng nhóm dự án cũng như yếu tố “đơn giản hơn” không hề được làm rõ. Theo ông Cung, quy định này là rủi ro chính sách rất lớn cho doanh nghiệp, khi hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp cơ quan quản lý “đặt tùy ý” các quy định không được làm rõ.

Bên cạnh đó, vấn đề đang gây ra bức xúc rất lớn trong dư luận cũng như cộng đồng doanh nghiệp là vấn đề sử dụng khoản tiền đóng góp cho quỹ bảo vệ môi trường.

Vị chuyên gia này cho rằng: “Đây không phải là thuế, không phải là phí, vậy là tiền của ai? Nếu là tiền đóng góp của doanh nghiệp thì phải để doanh nghiệp chi phối việc sử dụng, chứ đây không phải là tiền của Bộ TN-MT”.

Theo TS Hoàng Dương Tùng- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, dự thảo quy định mức đóng góp cho hoạt động thu gom, tái chế bắt buộc (công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR) là 1% tổng giá trị lô hàng bao gồm bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tã lót, bìm, băng vệ sinh… là quá cao.

“Dự thảo dường như đang hướng đến việc thu càng nhiều càng tốt thay vì bảo vệ môi trường”- ông Hoàng Dương Tùng nhận xét.

Từ nhiều bất cập nêu trên, các chuyên gia khuyến nghị, nghị định cần quy định đúng theo phạm vi Luật cho phép, tránh đặt ra những quy định vượt quá Luật. Đồng thời, cần phải tiếp tục sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.

Đối với công cụ EPR, cần có cơ chế phân biệt giữa các loại nguyên vật liệu, tuyệt đối không đánh đồng tất cả để thu phí.

Ông Nguyễn Đình Cung thẳng thắn nói: “Có thể cần phải xây dựng lại Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường thay vì tiếp tục sửa đổi. Với dự thảo này, nếu ban hành chỉ tăng thêm chi phí xã hội, tăng thêm quyền lực cho cơ quan Nhà nước, đó không phải là điều chúng ta cần”.