Chuyên gia lo ngại lạm phát từ “cuộc đua” phá giá đồng tiền trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc các gói kích thích sắp triển khai trong nước không đáng ngại bằng “cuộc đua” phá giá đồng tiền có thể xảy ra thời gian tới, có nguy cơ dẫn đến lạm phát rất tệ hại.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hiên nay nhiều nước trên thế giới đang bị 2 lạm phát chồng lên nhau là lạm phát chi phí đẩy (nguyên liệu tăng giá, cung thấp do đứt gãy chuỗi cung ứng) và lạm phát cầu kéo (do bơm tiền).

“Năm 2022, tôi cho rằng, lạm phát chi phí đẩy trên thế giới sẽ có xu hướng giảm, song lạm phát cầu kéo sẽ tăng” – ông dự đoán.

Tại Việt Nam, nhiều người đang lo ngại lạm phát năm 2022 sẽ tăng mạnh, một phần do ảnh hưởng của nhập khẩu lạm phát, một phần do ảnh hưởng các gói kích thích sắp được thực hiện.

Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc các gói kích thích sắp triển khai trong nước không đáng ngại bằng “cuộc đua” phá giá đồng tiền có thể xảy ra thời gian tới. Lúc đó, lạm phát cầu kéo (do các nước phá giá tiền tệ) sẽ rất tệ hại.

“Mặc dù vậy, với kinh nghiệm điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tôi cho rằng, lạm phát năm 2022 sẽ không đáng ngại, chỉ quanh 3% vì quy mô gói kích thích không lớn, và thực hiện trong nhiều năm. Gói hỗ trợ lãi suất dự kiến 30.000 - 40.000 tỷ đồng cũng không đủ sức gây ra lạm phát cầu kéo vì quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng” – vị chuyên gia nhận định.

TS Lê Xuân Nghĩa

TS Lê Xuân Nghĩa

Cũng theo ông, việc “chậm nhịp” trong đưa ra các gói hỗ trợ nền kinh tế khiến dư địa thời gian với chính sách giảm lãi suất ở nước ta không còn nhiều nữa. Vì vậy, năm 2022, có thể mặt bằng lãi suất cũng sẽ được giữ ổn định như năm nay, nếu có biến động cũng không đáng kể, chỉ xoay quanh 1%. Áp lực tăng lãi suất năm tới (nếu có) là do nhu cầu tín dụng tăng, cộng với việc Ngân hàng Nhà nước dừng chính sách giãn, hoãn nợ.

Về chính sách tiền tệ năm 2022, theo TS Lê Xuân Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước cần tập trung hoàn thiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thị trường hơn.

“Hạn chế lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2021 là việc điều hành tín dụng vẫn theo cơ chế xin - cho (cấp room tín dụng). Mặc dù Ngân hàng Nhà nước giải thích việc cấp room tín dụng là để kiểm soát tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, nhưng tôi cho rằng nên sử dụng các công cụ thị trường hơn, không nên sử dụng “giấy phép con” này. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc cấp room tín dụng không còn cần thiết” – ông nói.

Đồng thời, theo ông, cơ quan quản lý cũng cần xem xét giảm dần các gói giãn, hoãn, yêu cầu các ngân hàng tăng trích lập dự phòng, nhận diện nợ xấu.

“Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục kiên định quan điểm thận trọng sử dụng chính sách tiền tệ nhằm phục hồi nền kinh tế. Theo tôi, các gói hỗ trợ trực tiếp thời gian tới chỉ nên ưu tiên hỗ trợ cho người lao động. Riêng với doanh nghiệp, ngoài gói hỗ trợ lãi suất, cần có nguồn lực tài chính trực tiếp từ ngân sách để bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay” – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Ông cho biết, thời gian qua, rất nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc… không hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp bằng tiền, nhưng có cách làm rất hiệu quả, đó là Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Những doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh phải là những doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao.

Theo ông, các quốc gia này coi thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu cho doanh nghiệp, quan trọng không kém thị trường chứng khoán.