Chuyên gia khuyến cáo cách giảm lo âu khi đại dịch Covid-19 kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sống trong thời kỳ đại dịch Covid-19 kéo dài, biến thể này chưa hết, lại xuất hiện các biến thể khác ngày càng phức tạp hơn sẽ nảy sinh những thách thức mới đối với nhiều người. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tác động của việc sống chung với đại dịch Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của con người là rất đáng kể.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Lancet đã cho thấy sự gia tăng của chứng lo âu và các rối loạn, trầm cảm nghiêm trọng mà con người gặp phải ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở phụ nữ và thanh thiếu niên. Nhưng chính xác thì sự lo lắng liên quan đến đại dịch Covid-19 kéo dài là gì và bạn nên làm gì nếu thấy có dấu hiệu của những triệu chứng đó?

Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần khi đại dịch Covid-19 kéo dài

Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần khi đại dịch Covid-19 kéo dài

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Queensland đã ghi nhận thêm 76 triệu trường hợp rối loạn lo âu và 53 triệu trường hợp rối loạn trầm cảm nghiêm trọng trong thời gian dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới vào năm 2020. Cùng với đó, sự gia tăng của chứng rối loạn lo âu trên toàn thế giới tăng đến 26%. Bà Alize Ferarri - đồng tác giả của nghiên cứu giải thích, hậu quả kinh tế - xã hội khi phải làm việc ở nhà có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ, khiến họ có nguy cơ cao hơn gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần. “Trách nhiệm chăm sóc gia đình gia tăng trong đại dịch phần lớn do người phụ nữ, và hơn nữa, phụ nữ cũng chính là đối tượng có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, vốn gia tăng ở các giai đoạn khác nhau của đại dịch” - bà Alize Ferarri nói.

Theo nhà tâm lý học nghề nghiệp Suzanne Guest, “lo âu” là một thuật ngữ chung chỉ một số rối loạn được thúc đẩy bởi sự sợ hãi và hành vi liên quan với điều này, tuy nhiên nhiều rối loạn do sự lo âu gây ra như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, ám ảnh rối loạn hoảng sợ và mệt mỏi. Tiến sĩ Clare Plumbly, nhà tâm lý học lâm sàng, chuyên gia về các chứng lo âu và tổn thương cho rằng, lo âu là một phần của “cuộc chiến” hay những phản ứng của cơ thể và được tạo ra để giúp chúng ta tránh khỏi nguy hiểm. Khi nó trở nên nghiêm trọng, các triệu chứng của lo âu có thể gây cản trở đến các hoạt động hàng ngày. Nó có thể có các biểu hiện lo lắng khác nhau về các vấn đề hàng ngày, lo lắng về việc bản thân có thể bị nhiễm bệnh hay bị ảnh hưởng bởi các tình huống xã hội khác.

Những triệu chứng chính mà nhiều người nghĩ tới khi nói đến chứng lo âu là những thay đổi trong cách suy nghĩ, là khi bạn có thể cảm thấy lo lắng về những tình huống mà đối với những người khác nó có vẻ là phi lý, không thể xảy ra trên thực tế. Caroline Plumer - nhà trị liệu và nhà tâm lý học tại Anh cho biết: “Các triệu chứng cảm xúc có thể bao gồm tổng thể cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi. Ngoài ra, cũng có những xu hướng lo âu khác, khiến cho đầu óc luôn quay cuồng suy nghĩ và bắt đầu tưởng tượng ra các tình huống xấu nhất ngay cả khi khả năng những điều đó có thể xảy ra là vô cùng thấp”. Bạn cũng có thể trải qua những thay đổi trong hành vi của mình do hậu quả của sự lo âu như không muốn giao tiếp xã hội, tỏ ra thái quá, luôn cần tìm kiếm sự trấn an từ người khác và kiểm tra hành vi. “Về mặt thể chất, chúng tôi thấy các triệu chứng như nhịp tim tăng, đổ mồ hôi, run rẩy, nhịp thở nhanh hơn, cảm thấy buồn nôn và rối loạn giấc ngủ” - bà Suzanne Guest phân tích thêm.

Lời khuyên của chuyên gia

Đại dịch Covid-19 khiến không ít người có lý do để lo sợ, vì mất đi sự kết nối với gia đình, bạn bè và lo lắng cho sự an toàn của người thân. Ngoài ra, đại dịch còn gây ra vô vàn những ảnh hưởng khác, trong đó là sự phải đối mặt với tình trạng mất việc làm và mất an toàn tài chính. “Tôi cho rằng, chúng ta cần phải chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng tương tự và quan trọng như việc chăm sóc sức khỏe thể chất. Những điều giúp chúng ta khỏe mạnh về mặt tinh thần bao gồm chế độ ăn uống và tập thể dục, ngoài ra là có giấc ngủ ngon, tiếp xúc xã hội, thói quen, vai trò và ranh giới rõ ràng” - Suzanne Guest nói.

Chuyên gia Caroline Plumer gọi những trải nghiệm trong suốt hơn 2 năm qua là “chấn thương tập thể” và chấn thương này cần một thời gian dài để hồi phục. “Lo lắng phát sinh từ sự không chắc chắn vì nó khiến chúng ta cảm thấy kém an toàn hơn. Mối liên hệ giữa con người rất dễ chữa lành sau chấn thương vì oxytocin được giải phóng khi chúng ta có những tương tác tích cực với những người chúng ta yêu thích. Nhưng đại dịch đã khiến chúng ta xa cách những người thân yêu của mình trong một thời gian dài nên chúng ta đã bỏ lỡ những lợi ích của điều này” - Caroline Plumer giải thích.

Khi trải qua những cảm giác lo âu đầu tiên, chuyên gia Plumer khuyên bạn nên cố gắng hợp lý hóa một số suy nghĩ của mình - “Ví dụ, nếu bạn đang trải qua chứng lo âu xã hội và tự nhủ “bạn bè của tôi không thực sự thích tôi”, thì hãy tìm bằng chứng về điều đó. “Rất có thể, tất cả các bằng chứng sẽ cho thấy điều ngược lại và những gì bạn đang nói với bản thân chỉ là hoàn toàn dựa trên cảm giác - có thể là một cảm giác bao trùm, nhưng vẫn chỉ là một cảm giác mà thôi”.

Nói chuyện với người mà bạn cảm thấy thoải mái cũng có thể hữu ích và họ cũng có thể giúp bạn hợp lý hóa sự lo âu của mình. Plumbly cho biết phương pháp tiếp cận từng bước được khuyến khích đối với các triệu chứng lo âu mới. Đối với các triệu chứng nhẹ, chuyên gia khuyên nên tìm hiểu thêm về tình trạng bệnh và đọc các cuốn sách bổ ích. Nếu sau đó vẫn cần hỗ trợ thêm, hãy đi khám bác sĩ để tìm được giải pháp trị liệu phù hợp. Để biết khi nào là lúc cần tìm kiếm sự giúp đỡ, Plumbly khuyến cáo: “Nếu bạn đang phải vật lộn để kiểm soát những lo lắng của mình và những suy nghĩ của bạn đang trở nên thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hoặc cảm nhận của bạn về bản thân, thì chắc chắn đã đến lúc bạn cần nhận được trợ giúp y tế”.

“Chúng ta cần phải chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng tương tự và quan trọng như việc chăm sóc sức khỏe thể chất. Những điều giúp chúng ta khỏe mạnh về mặt tinh thần bao gồm chế độ ăn uống và tập thể dục, ngoài ra là có giấc ngủ ngon, tiếp xúc xã hội, thói quen, vai trò và ranh giới rõ ràng”.

Suzanne Guest (Nhà tâm lý học nghề nghiệp)