Chuyên gia: Hà Nội cần dự trù nhiều kịch bản khôi phục sản xuất, kinh doanh để không bị động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng những rủi ro liên quan đến dịch bệnh là rất khó lường, dù chính quyền đã rất nỗ lực trong kiểm soát. Vì vậy, việc khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh cần dựa trên những kịch bản cụ thể để không bị động, bất ngờ.

Không đặt kịch bản “zero Covid”

Theo TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện này cái bất định rủi ro liên quan đến dịch bệnh vẫn còn phía trước, vì ngay cả khi chúng ta đã khống chế được dịch, người dân đã được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn có những nguy cơ về các biến thể khác, hay một dịch bệnh khác. Vì vậy, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn cần phải có những kịch bản khác nhau trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo ông, trong nhiều kịch bản thì kịch bản tương đối chắc chắn nhất là tiêm chủng, từ đó tiến tới khống chế dịch theo từng giai đoạn và cùng với các giai đoạn đó sẽ xây dựng các kế hoạch nới lỏng dần, mở cửa trở lại nền kinh tế.

TS Võ Trí Thành

TS Võ Trí Thành

Tuy nhiên, khi chưa tiêm chủng đầy đủ thì việc giãn cách vẫn là cần thiết, nhưng phải đưa ra các giải pháp để làm sao các biện pháp giãn cách ít gây thiệt hại nhất.

“Một khi còn dịch và chưa tiêm chủng đầy đủ thì giãn cách là cần thiết. Giãn cách thì phải chịu “đau” kinh tế, nhưng có cách nào khôn khéo nhất, để “nỗi đau” đó ít nhất, giảm thiệt hại nhất cho người dân và doanh nghiệp không? Và đã giãn cách thì phải xác định đạt được mục tiêu gì?” – vị chuyên gia đặt câu hỏi .

Theo vị chuyên gia, hiện nay diễn biến dịch bệnh ở Hà Nội chưa phải là xấu, nhưng Thành phố vẫn phải đặt ra những kịch bản xấu nhất và phải dựa trên những dữ liệu đầy đủ và có những tư vấn tốt về mặt khoa học, kinh tế, y tế.

Việc làm sao vừa chống dịch tốt, vừa đảm bảo phát triển kinh tế là một bài toán rất khó, phức tạp, nhất là với một thành phố lớn như Hà Nội. Nhưng nếu thiếu những kịch bản, thiếu những nhìn nhận đủ dài, thì sẽ dẫn đến manh mún, “ăn đong”, dẫn đến những chính sách vừa đưa ra đã nhận lại phản ứng và phải điều chỉnh.

“Do đó, các nhà quản lý phải quyết liệt, phải đau đáu, mỗi một chính sách đưa ra phải phân tích xem được cái gì và có thể gây ra cái gì, có cách nào tốt hơn không, đỡ thiệt hại hơn không, người dân có chịu được không? Chứ cứ ngăn ra để giãn cách, cứ chặn đường thì ai cũng làm được.

Cái này cần có sự sự hợp lực của các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, y tế... dựa trên những dữ liệu đầy đủ. Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều những chuyên gia như thế, tôi nghĩ Thành phố nên tận dụng” – TS Võ Trí Thành nói.

Các doanh nghiệp trên địa bàn "vùng xanh" Thạch Thất quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh

Các doanh nghiệp trên địa bàn "vùng xanh" Thạch Thất quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng các kịch bản mà Hà Nội xây dựng cần trên cơ sở học tập, rút kinh nghiệm từ một số địa phương trong nước và quốc tế. “Trên thế giới, một số nước cũng đang mở cửa trở lại nền kinh tế rồi. Trong nước, TP.HCM cũng đã đi trước, Hà Nội có thể xem xét, nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Tất nhiên, các phương án sẽ là không đồng nhất giữa các nước, giữa các địa phương” – TS Nguyễn Minh Phong nói.

Vị chuyên gia cho rằng bất kỳ kịch bản nào thì Hà Nội vẫn phải đảm bảo 2 mục tiêu là y tế và kinh tế, trong đó trước tiên vẫn là đảm bảo y tế.

“Do đó, Hà Nội sẽ không thể mở cửa toàn bộ ngay được mà phải từng bước: Một là đẩy mạnh tiêm chủng cho dân cư trên địa bàn; Hai là đánh giá lại các vùng xanh, cam có thể mở cửa ở mức độ cao hơn hiện nay, cho nhiều ngành được quay trở lại sản xuất, kinh doanh hơn, lưu thông nhiều hơn” – TS Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.

Tiếp tục các chính sách “trợ lực” cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, việc phân 3 vùng xanh, cam, đỏ để áp dụng các biện pháp giãn cách phù hợp, từ đó khôi phục dần hoạt động sản xuất kinh doanh như Hà Nội đang làm phần nào có ý nghĩa trong việc tập trung nguồn lực, áp dụng cách thức giãn cách cho phù hợp; cùng với đó là cung cấp thông tin để doanh nghiệp, người dân có những ứng xử phù hợp.

TS Nguyễn Minh Phong

TS Nguyễn Minh Phong

Dù các vùng này được đánh giá an toàn hơn nhưng theo TS Nguyễn Minh Phong, Hà Nội vẫn cần đặt vấn đề phòng, chống dịch lên hàng đầu, doanh nghiệp, người lao động, người dân cần đảm bảo các yêu cầu về nghiêm ngặt về phòng, chống dịch.

Cần tuyên truyền để người dân hiểu yêu cầu về phòng, chống dịch là để đảm bảo an toàn cho họ, cho gia đình họ chứ không phải để đối phó với chính quyền.

“Đặc biệt, phải đặt kịch bản nếu mở cửa mà bùng phát dịch thì phải có phương án ngay, chứ không để bất ngờ, bị động vừa thiệt hại về mặt con người, vừa thiệt hại về tài chính” – vị chuyên gia đề xuất.

Cũng theo các chuyên gia, để hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay Nhà nước đang có những giải pháp hỗ trợ về tài chính (giãn, hoãn, miễn, giảm thuế phí, tiền thuê đất...) và về tín dụng (miễn, giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ). Dù các giải pháp đã tương đối đầy đủ nhưng chính quyền vẫn cần tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để có những giả pháp đúng, trúng.

TS Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh ngân sách đang rất khó khăn thì không thể cứ “vung tiền” cứu doanh nghiệp, thay vào đó cần có những cơ chế để doanh nghiệp “dễ thở”, dễ tiếp cận chính sách.