Chuyên gia: Hà Nội cần cơ chế đặc thù để hút người tài, chuyển đổi số ngay từ những vấn đề nóng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Góp ý với Hà Nội, các chuyên gia như GS.TS Trần Đình Thiên, TS Lê Doãn Hợp, TS Nguyễn Sỹ Dũng… cho rằng, thành phố cần có cơ chế để khai thác hết tiềm lực vốn có, chuyển đổi số, đề cao yếu tố văn hóa…
Các đại biểu dự buổi tọa đàm

Các đại biểu dự buổi tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị - hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh và phát triển” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chiều 6-12, Ban tổ chức cho biết, kể từ năm 1975 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 5 Nghị quyết về vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW với tầm nhìn mới, tư duy mới và nhất là tâm thế phát triển mới để Thủ đô Hà Nội đã đưa ra 4 nhóm quan điểm; tầm nhìn, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Thủ đô; 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành Thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới; “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Tại cuộc tạo đàm, GS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, một trong những điểm mới được xác định tại Nghị quyết 15-NQ/TW là đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Theo ông Thiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) mà Hà Nội đặt ra trong Nghị quyết 15-NQ/TW không quá cao. Hà Nội chính là nơi tập hợp nhiều nguồn lực nhất của cả nước. Do đó, để đạt được các mục tiêu, thành phố cần phải có chiến lược để khai thác hết tiềm lực vốn có cho phát triển.

Góp ý vào vấn đề văn hóa, TS Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông nhấn mạnh, Hà Nội cần xác định đây là một nguồn lực to lớn cho sự phát triển. Trong đó, cần xây dựng văn hóa con người và tập trung tuyên truyền về 3 vấn đề văn hóa cốt lõi nhất gồm: văn hóa gia đình - nền tảng của xã hội, văn hóa doanh nghiệp - nền tảng kinh tế của đất nước, văn hóa công sở và đạo đức công vụ - là nền tảng chính trị của quốc gia.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp phát biểu tại tọa đàm

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp phát biểu tại tọa đàm

“Trong tình hình hiện nay, phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế. Nếu không có văn hóa lành mạnh sẽ không có kinh tế bền vững; bởi văn hóa, đạo đức xuống cấp thì mọi thành tựu về kinh tế, vật chất đạt được không còn nhiều ý nghĩa” - ông Lê Doãn Hợp nói, đồng thời cho rằng việc Hà Nội xác định và tập trung phát triển công nghiệp văn hóa là đang đi đúng với xu thế.

TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích về chuyển đổi số và mong muốn Hà Nội cần số hóa ngay để giải quyết những vấn đề nóng bỏng hiện nay, trong đó có vấn đề giao thông. Theo ông Dũng, xây dựng một hệ thống đô thị thông minh, giao thông thông minh áp dụng công nghệ số là rất quan trọng.

Đi sâu vào phân tích về cơ chế để thu hút người tài cho Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi góp ý, để phát triển mạnh hơn, Hà Nội đang cần một nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế nên bên cạnh vấn đề cơ chế lương bổng để thu hút người tài, điều quan trọng không kém là phải mô hình, thể chế cho người tài được phát huy năng lực.

“Vấn đề ở đây là phải tạo dựng được một cơ chế, chính sách thông thoáng, không chỉ dừng lại ở chế độ đãi ngộ, mà đặc biệt phải chú trọng hơn nữa việc tạo dựng một môi trường làm việc để những nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các tài năng có thể phát triển được. Hà Nội phải tiếp tục hoàn thiện đề án về thu hút nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là yếu tố có khả năng tạo ra những đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô” – ông Hồ Quang Lợi góp ý.