Chuyên gia đề xuất có thể điều hành giá xăng 2 ngày một lần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nên điều chỉnh giá xăng dầu 2 ngày 1 lần để giá trong nước bám sát giá xăng dầu thế giới.
Điều hành giá xăng dầu đang theo đúng Nghị định 95/2021/NĐ-CP

Điều hành giá xăng dầu đang theo đúng Nghị định 95/2021/NĐ-CP

Chia sẻ tại tọa đàm “Phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong điều hành giá xăng dầu” do Báo Công Thương tổ chức ngày 23-3, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, để giảm phụ thuộc vào xăng, chúng ta cần có một chiến lược như chuyển mạnh sang sử dụng vận tải đường sông, đồng thời đẩy mạnh sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo để giảm bớt sử dụng xăng dầu.

Đồng thời, cần phải có những biện pháp tốt hơn để sử dụng năng lượng sinh học bởi hiện đất nước của chúng ta có rất nhiều tiềm năng.

“Bên cạnh đó, về việc điều chỉnh giá cả, hiện nay chúng ta vẫn giữ điều chỉnh giá cả 10 ngày, theo tôi, nên điều chỉnh trong vòng 2 ngày. Bởi vì khoảng chênh lệch giữa giá thị trường và giá trong nước chênh lệch xa quá.

Chúng ta nên thích nghi với tình hình thực tế. Bởi trong tình hình hiện nay, diễn biến trên thị trường thế giới, mọi người cập nhật chỉ trong vòng mấy giây, trong khi chúng ta phải chờ 10 ngày mới điều chỉnh.

Do đó, theo tôi, ngoài việc phải có sự cải cách về mặt quản lý Nhà nước, chúng ta cần vận dụng tốt hơn nữa công nghệ thông tin, kinh tế số để cập nhật một cách linh hoạt hơn nữa trong điều kiện đã thay đổi trên thế giới hiện nay”- ông Lê Đăng Doanh nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Quang Khanh- Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, trước diễn biến của giá xăng dầu thế giới, nếu trong nước giá không được tăng thì doanh nghiệp thiệt, giá tăng thì người dân vất vả.

“Chúng ta cần linh hoạt hơn trong điều hành giá xăng dầu. Như TS. Lê Đăng Doanh cũng đã chia sẻ, chúng ta không nhất thiết phải giữ 10 ngày, có thể là 2 ngày. Trên nghị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã trả lời, Nghị định 95 cũng cho phép giảm thời gian điều hành. Tuy nhiên, tôi cũng được biết Bộ cũng đã báo cáo nhưng chưa được trả lời cụ thể. Khi thị trường bất thường, chúng ta có thể rút ngắn thời gian điều hành”- ông Trịnh Quang Khanh kiến nghị.

Theo đại diện Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu đem lại 2 lợi ích.

Thứ nhất là tạo tâm lý cho các thương nhân đầu mối khi nhập khẩu xăng dầu, tránh trường hợp các đầu mối cứ nhập hàng về thì giá lại tăng và người ta bị lỗ như vừa qua; Việc rút ngắn thời gian điều hành giá có thể giúp các cửa hàng kinh doanh an tâm, thời gian lỗ được rút ngắn. Thứ hai, tạo tâm lý cho người tiêu dùng, giá tăng ở mức độ người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nói: “Khi chúng ta xác định Luật Giá vẫn còn tồn tại, xăng dầu là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá và khi vẫn đặt mục tiêu kiểm soát giá xăng dầu, và bình ổn giá, mà bình ổn cần có thời gian, giữ trong một giai đoạn để thị trường ổn định, hỗ trợ mục tiêu kiểm soát CPI và người dân thì bình ổn đó trước đây là từ 35 ngày xuống 30 ngày và 15 ngày phải xuống 10 ngày… chúng tôi đã bàn rất kỹ.

Mặt khác, thậm chí chúng tôi còn mạnh dạn đề xuất xuống 7 ngày và khi thị trường hẳn rồi thì là hàng ngày, khi đó hoàn toàn là thị trường”.

Nói thêm về thời gian điều hành giá, ông Trần Duy Đông cho biết: "Nghị định 95 đã có cơ chế, khi giá xăng dầu biến động, ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế xã hội, liên Bộ báo cáo Chính phủ xem xét thời điểm điều hành phù hợp. Khi tham mưu Chính phủ, Bộ Công Thương đã báo cáo về điều hành giá nhưng phải có ý kiến của Bộ Tài chính, chứ Bộ Công Thương không quyết định được.

Chúng tôi cũng từng đề xuất, tham mưu trong bối cảnh như vậy có thể điều hành ngắn hơn nhưng ý kiến Bộ Tài chính phải bình ổn, phải tính tới CPI, bình ổn. Bộ Công Thương cũng đã phân tích hơn ưu nhược điểm, nhất là thời điểm sau và trước Tết, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu phải có các biện pháp sao cho không ảnh hưởng tới tiêu dùng, đời sống của người dân.

Do đó, trong điều hành xăng dầu, Chính phủ, liên Bộ đã phải cân nhắc nhiều yếu tố, và trong điều hành giá xăng dầu phải hài hòa lợi ích của các bên; bám sát từng giai đoạn thì có sự ưu tiên như thế nào...".