Chuyên gia cảnh báo nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng hơn cả vốn trung – dài hạn của ngân hàng dành cho doanh nghiệp bất động sản.

Nếu siết quá mạnh, nguy cơ vỡ nợ là thấy rõ

Vốn cho trái phiếu doanh nghiệp bất động sản linh hoạt hơn vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp bất động sản. Chẳng hạn, trái phiếu không trả gốc hàng tháng, chỉ trả lãi. Trái phiếu doanh nghiệp có thể đảo nợ được nhưng tín dụng ngân hàng không đảo nợ được. “Tôi cho rằng việc đến hạn có thể phát hành trái phiếu đảo nợ là việc hợp lý, vì thời lượng trái phiếu quá ngắn. Có những dự án 5-7 năm, trong khi kì hạn trái phiếu có 3 năm” – ông Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.

Cũng theo vị chuyên gia, việc siết quá mạnh trái phiếu doanh nghiệp, nguy cơ vỡ nợ là thấy rõ.

“Tôi thấy có vấn đề ở chỗ cơ quan chức năng đã không giám sát thường xuyên, đùng cái xảy ra vài sự cố thì quay lại giám sát chặt. Việc đình lại toàn bộ đã tác động lớn, các dự án mới không phát triển được, các dự án cũ không tiếp tục được" - TS Lê Xuân Nghĩa nói.

TS Lê Xuân Nghĩa

TS Lê Xuân Nghĩa

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện có khoảng 540.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn. “Nếu siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng. Khi thị trường này đóng băng thì chuyện gì xảy ra cho các ngân hàng thương mại?” – ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Ông cho rằng không phải tất cả các ngân hàng thương mại sẽ gặp khó nhưng một số ngân hàng tình trạng đang không khả quan.

6 giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

TS Lê Xuân Nghĩa đưa ra 6 giải pháp nên làm ngay đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó, quan trọng nhất của thị trường là minh bạch, nhà đầu tư phải tự chịu rủi ro.

Thứ nhất, hiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị chương trình thanh tra hàng loạt công ty kiểm toán và công ty chứng khoán. Theo ông, việc thanh tra hàng loạt là không tinh tế, đáng lẽ làm thường xuyên chứ không phải giờ mới tung lực lượng đi thanh tra.

Thứ hai, cần xây dựng các định chế xây dựng thị trường, nếu thị trường xuống thì có định chế mua vào để thị trường lên, nếu thị trường lên quá nóng thì bán ra cho thị trường đi xuống.

Thứ ba, cần có chế tài mạnh chứ không nên hình sự hóa.

Thứ tư, cần tăng cường giám sát, các báo cáo tài chính doanh nghiệp phải trung thực.

Thứ năm, về đề xuất giám sát mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng thông lệ quốc tế, hiện không nước làm như vậy. “Đến cả ngân hàng còn chẳng giám sát nổi, nói gì đến trái phiếu", ông nói.

Thêm vào đó, việc yêu cầu cần có tài sản thế chấp, ông cho rằng có thể yêu cầu áp dụng trong giai đoạn đầu, nhưng về dài hạn, việc cơ quan nào sẽ quản lý tài sản thế chấp, thu hồi tài sản thế chấp là bài toán khó. “Ngân hàng hiện còn gặp khó việc thu hồi tài sản đảm bảo, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đưa ra cả Quốc hội mà các ngân hàng còn ngắc ngoải chưa thu hồi được tài sản đảm bảo” – ông Nghĩa nêu thực trạng.

Thứ sáu, theo vị chuyên gia, là cần có bảng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu ở Việt Nam.