Chuyện gì xảy ra với iPhone 5?

ANTĐ - Hôm nay, vị tân Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple, lần đầu tiên thay thế Steve Jobs đứng trên bục giới thiệu sản phẩm mới, là chiếc điện thoại iPhone 4S chứ không phải iPhone 5 như nhiều người dự đoán.

Không ít fan hâm mộ của iPhone đặt câu hỏi “Điều gì đã xảy ra với iPhone 5?”

Chiêu bài cũ?

Điều đầu tiên, chiếc iPhone 4S có bề ngoài chẳng khác gì so với “anh trai” của nó, ngoại trừ được “vị phụ huynh” trang bị cho hành trang tốt hơn để đến với người tiêu dùng. iPhone 4S được khẳng định là chạy nhanh hơn tới 7 lần chiếc iPhone 4.

Tuy rằng, có một số người chẳng bất ngờ với việc chiếc 4S được đưa ra chứ không phải là chiếc  iPhone 5, bởi trước kia sau khi ra mắt iPhone 3G, người dùng cũng đã háo hức với sự có mặt của iPhone 4, nhưng thay vào đó là chiếc 3GS. Báo chí tốn không ít lời ca tụng, phỏng đoán hình dáng, chức năng của chiếc iPhone 5; có lẽ vì thế mà Apple lại càng “kiêu”, “iPhone 5? Từ từ đã”.

Tin đồn về một “thời kỳ mới của smartphone” rộ lên cũng được gần 1 năm nay. Nào là những mô hình dự đoán được thiết kế; nào là màn hình 4 inch, độ mỏng tuyệt đối. Tiếp đó lại là hàng loạt các phụ kiện được sản xuất đón đầu, mà cái lạ là chẳng ai biết thực chất chiếc iPhone 5 mỏng dày ra sao? Nó khuấy động cả một trào lưu “chơi điện thoại” của giới đam mê công nghệ, mà họ chính là những người đi tìm trong trò “bịt mắt bắt dê”.

“iPhone 5 chưa ra mắt cũng chẳng sao, trước sau gì chẳng có” - có lẽ fan hâm mộ tự an ủi lòng mình như vậy nhưng rồi họ sẽ lại sớm bán tháo những chú iPhone 4 vẫn còn mới coong của mình để được trải nghiệm chiếc iPhone 4S, và rồi chu kỳ lại lặp đi lặp lại như vậy.

iPhone 5 chưa ra, phụ kiện đã có 

 iPhone 5 chưa ra, phụ kiện đã có

Ngẫm với iPhone

Việt Nam ta có câu “người mua thua kẻ bán”, và câu nói đó từ xưa tới nay vẫn chẳng sai bao giờ. Các cửa hàng “quả táo” và các trang web mua bán rao vặt trực tuyến cũng bắt đầu săn đón khách bán lại iPhone 4. Giá bán cũng rậm rịch giảm để đợi tới giữa tháng 10 này, các lô hàng xách tay sẽ chen chân nhau nhập cảnh Việt Nam.

Có thể nói cái thú vui chạy đua cùng công nghệ thì Việt Nam ta chẳng kém ai. Không phải hỏi thì ai cũng biết, số lượng iPhone ở Việt Nam cũng lên tới 7 con số mà chủ yếu là hàng xách tay từ nước ngoài mang về. Còn các nhà mạng phân phối như Viettel, Vinaphone ngậm ngùi đứng nhìn các “tiểu thương” lạng lách mang các mẫu mới về trước vì còn phải đàm phán, thương lượng dài dài thì mới được Apple chấp thuận.

Kinh tế vẫn còn khó khăn là vậy nhưng khi “thượng đế” đã có nhu cầu thì khó khăn cũng bay biến. Từ tư thương, doanh nghiệp nhỏ cho tới nhà mạng đua nhau nhập, nhập và nhập. Họ nhập đến mức mà năm 2010, Bộ Thông tin và truyền thông phải có văn bản yêu cầu các công ty viễn thông hạn chế nhập khẩu iPhone. Tranh cãi xảy ra rằng nếu yêu cầu hạn chế nhập khẩu thì cơ quan chức năng cũng phải tăng cường kiểm tra, xiết chặt hàng xách tay, nhập lậu.

Nhưng rồi tranh cãi vẫn chỉ là tranh cãi, iPhone thì cứ ùn ùn kéo về để thỏa mãn “thượng đế”, kệ cho nhập siêu năm 2010 chẳng dưới 12 tỷ USD mà chỉ riêng nhà mạng đóng góp vào con số đó không thấp hơn 10 triệu USD (con số nhập iPhone 3G đợt đầu của Viettel và Vinaphone); chưa kể con số hàng xách tay trốn thuế vẫn tràn lan tại các cửa hàng di động trên toàn quốc.

Có chăng người dân nên suy xét lại thói quen tiêu dùng của mình, sử dụng đúng nhu cầu thay vì chạy đua với công nghệ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần phải có các biện pháp cứng rắn hơn nữa để hạn chế tối đa việc trốn thuế của các cá nhân buôn bán và công ty nhập khẩu!