Chuyển đối số thúc đẩy kết nối toàn cầu, giúp người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một loạt sáng kiến mới được nhất trí triển khai thực hiện trong giai đoạn 3 năm tới, bao gồm việc tạo ra một môi trường phát triển mạnh mẽ cho hệ sinh thái đổi mới kỹ thuật số, để giúp đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), qua đó nhằm thu hẹp khoảng cách kết nối toàn cầu, để tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng.

Sớm thu hẹp khoảng cách kết nối toàn cầu

Với chủ đề “Kết nối những người chưa kết nối để đạt được phát triển bền vững”, Hội nghị phát triển viễn thông thế giới (WTDC) diễn ra mới đây tại Thủ đô Kigali của Rwanda đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm đặt ra nhiệm vụ hàng đầu về sử dụng kỹ thuật số trong 7 năm còn lại của Thập kỷ hành động của Liên hợp quốc. Những biện pháp này nhằm góp phần đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), qua đó tăng tốc kết nối toàn cầu. SDGs còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Hội nghị phát triển viễn thông thế giới - WTDC công bố một loạt sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách kết nối toàn cầu

Hội nghị phát triển viễn thông thế giới - WTDC công bố một loạt sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách kết nối toàn cầu

Hội nghị WTDC (World Telecommunication Development Conference) là một trong những sự kiện lớn của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) trong lĩnh vực phát triển (ITU-D), được tổ chức 4 năm một lần. Hội nghị WTDC được tổ chức để đánh giá việc thực hiện các kế hoạch giai đoạn trước, xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển viễn thông và đề ra các chương trình hoạt động, những ưu tiên giai đoạn tiếp theo, thảo luận về tổ chức và cải cách phương pháp làm việc trong ITU-D.

Hội nghị WTDC năm nay đã để lại dấu ấn đậm nét khi đạt được thỏa thuận, công bố một loạt sáng kiến mới được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 nhằm thu hẹp khoảng cách kết nối toàn cầu. Các sáng kiến này được nêu trong Kế hoạch hành động Kigali, trong đó chú trọng giải quyết các nhu cầu cụ thể của từng khu vực chính trên thế giới nhằm thúc đẩy và tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số.

Trong sáng kiến được quan tâm, đánh giá cao, mọi trường học sẽ được kết nối Internet và mọi thanh niên đều được tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Hội nghị WTDC cũng thông qua Liên minh kỹ thuật số Partner2Connect, nền tảng chính để thúc đẩy quan hệ đối tác mới về kết nối có ý nghĩa và chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn cầu, tập trung vào các cộng đồng khó kết nối nhất.

Kế hoạch hành động Kigali vạch ra một lộ trình phát triển kỹ thuật số phù hợp chặt chẽ với các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đề ra cho năm 2030, bao gồm các nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển bền vững và công nhận tiềm năng to lớn mà công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tạo ra sự thay đổi tích cực, có ý nghĩa và lâu dài. Sáng kiến còn có nội dung đề cập đến việc tạo ra một môi trường phát triển mạnh mẽ cho hệ sinh thái đổi mới kỹ thuật số.

Trong khi đó, Liên minh vì Bền vững môi trường số hóa (CODES) do Liên hợp quốc bảo trợ với sự tham gia của 1.000 đại diện từ hơn 100 quốc gia đã triển khai kế hoạch hành động để điều hướng quá trình số hóa theo cách thúc đẩy phát triển bền vững về môi trường và xã hội. Liên minh CODES đặt mục tiêu hỗ trợ tái điều hướng và ưu tiên ứng dụng các công nghệ số hóa để đạt được các mục tiêu đã nêu trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc, tháo gỡ cuộc khủng hoảng 3 lớp mà hành tinh đang phải đối mặt gồm biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học cùng với ô nhiễm và rác thải.

Chuyển đổi số phục vụ người dân ấm no, đất nước cường thịnh

Chuyển đổi số được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nhân dân cũng rất quan tâm vấn đề này vì chuyển đổi số tác động toàn dân.

Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6-2022 đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo Chương trình, Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025 phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động với 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). Phấn đấu Việt Nam sẽ gia nhập nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII).

Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu đến năm 2025 là hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Theo Chương trình, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về EGDI. Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là trên 80%. Việt Nam sẽ thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về GCI.

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số phải tham gia vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, phát triển bền vững. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, mục tiêu lớn nhất của chuyển đổi số là phục vụ cho cuộc sống của người dân ngày một ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng.