Chuyển đổi số tạo ra dữ liệu như một loại "đất đai" mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại VFTE 2021, bài toán chuyển đối số được thảo luận trong từng ngành từ du lịch, Logistic, nông nghiệp, y tế... cho đến việc làm thế nào để thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số để đẩy mạnh giao thương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng tại Diễn đàn VFTE

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng tại Diễn đàn VFTE

Ngày 11/12, Bộ TT-TT tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ - VFTE với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế".

Diễn đàn VFTE 2021 là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư. Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng để huy động nguồn lực nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chương trình Diễn đàn gồm 2 phiên tham luận chính bàn về các giải pháp, nền tảng chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững trong và sau đại dịch COVID-19.

Cụ thể, trong phiên thảo luận sáng 11/12 với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển” các diễn giả đã tập trung bàn về các giải pháp đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển bền vững, đồng thời phân tích nhu cầu chuyển đổi số trong các ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế, năng lượng.

Trong phiên buổi chiều, VFTE tiếp tục thảo luận với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số giải bài toán chuyển đổi số quốc gia”.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các diễn giả tập trung bàn về giải pháp chuyển đổi số xây dựng bình thường Xanh, An toàn trên môi trường số...

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn VFTE lần thứ 3, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, doanh thu của các doanh nghiệp số vẫn tăng trưởng gần 10%. Các doanh nghiệp, nền tảng số là tài nguyên, dữ liệu của Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã thể hiện vai trò của hai sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam là Voso của Viettel, Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ bán nông sản của các hộ sản xuất nông sản…. đều là các sản phẩm Make in Viet Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, với nhiều doanh nghiệp số năng động, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý.

Công nghệ số tạo ra 3 xu thế: phi trung gian hóa, phi tập trung hóa, phi vật chất hóa. Điều này giúp cho kinh tế hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh.

Nói thêm về lợi thế của chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho hay, chuyển đổi số tạo ra dữ liệu như một loại đất đai mới. Từ trước đến nay, trong suốt chiều dài lịch sử, con người chỉ tiêu xài tài nguyên. Chuyển đổi số là sáng tạo của toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân.

Trong tương lai, một trang web quốc gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số được thiết lập, người dân có thể tìm được các bài học từ thành công, thất bại của người đi trước. Bộ TT-TT sẽ làm đầu mối để công bố các bài toán chuyển đổi số Việt Nam.

"Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chủ yếu dựa vào công nghệ số. Khoa học công nghệ của thập kỷ này cũng là công nghệ số. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tập trung vào tự động quá, thông minh hóa. Các doanh nghiệp công nghệ số cần hành động nhanh, hiệu quả" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trong khuôn khổ diễn đàn cũng đồng thời diễn ra một triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" tiêu biểu phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tại sự kiện này, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam" năm 2021 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc.