Chuyển dịch trọng tâm kinh tế

ANTĐ - Hồi phục nhanh và vững vàng hơn các trung tâm kinh tế Bắc Mỹ và châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương trong cuộc khủng hoảng toàn cầu đang nổi lên như là một trung tâm lớn nhất của nền kinh tế thế giới.

Một khu mua sắm sầm uất ở HongKong

Các nền kinh tế châu Á đang phát triển đã đi đầu trong việc đưa thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay và trọng tâm kinh tế thế giới có vẻ đang chuyển dần tới châu Á-Thái Bình Dương. Đó là đánh giá của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda.

Nhận định đó được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế châu Á đang có tốc độ tăng trưởng khả quan, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và châu Âu cũng như nguy cơ suy thoái trở lại của kinh tế thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sau khi đạt tốc độ tăng trưởng 8,3% năm 2010, các nền kinh tế châu Á được dự báo có thể tăng trưởng 7% trong năm 2011 và 2012, dẫn đầu tốc độ phục hồi kinh tế thế giới.

Trái với điểm sáng kinh tế châu Á, nền kinh tế tại hai trung tâm châu Âu và Bắc Mỹ lại khá ảm đạm. Kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng xấu khi mức tốc độ tăng GDP dự kiến năm nay chỉ còn ở mức 1,6%, thay vì con số 2,5% được chính IMF đưa ra 2 tháng trước. Triển vọng kinh tế năm 2012 của Mỹ cũng bị hạ từ 2,7% xuống 2%.

Tại châu Âu, dự báo tăng trưởng khu vực kinh tế đồng euro cũng bị hạ xuống 1,9% trong năm 2011 và 1,4% cho năm 2012. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các nước như Pháp, Tây Ban Nha, Italia… Riêng nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức không bị ảnh hưởng trong năm nay song sẽ chỉ có thể tăng 1,6% trong năm tới.

Tốc độ tăng trưởng trái chiều như trên sẽ khiến cho tỷ trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương gia tăng nhanh hơn trong nền kinh tế toàn cầu trong khi Mỹ và châu Âu lại sụt giảm. Tỷ trọng kinh tế Mỹ trong kinh tế toàn cầu đã giảm từ 25% năm 1990 xuống 20% hiện nay và châu Âu cũng sút giảm tương tự. Tỷ trọng của châu Á trong GDP toàn cầu đã tăng từ 25% năm 1990 lên 33% hiện nay.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia Glenn Stevens cho rằng trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển nhanh sang châu Á. IMF cũng dự báo, trong 5 năm tới, kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 50% và đến năm 2030, quy mô kinh tế châu Á sẽ vượt nhóm 7 nước công nghiệp lớn (G7) và trở thành khu vực kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, châu Á sẽ gặp phải không ít thách thức trên con đường tiến tới kỷ nguyên châu Á-Thái Bình Dương. Một trong những thách thức lớn nhất là làm sao duy trì tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững khi mà kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Muốn vậy, châu á nên cấu trúc lại mô hình tăng trưởng để phát triển tốt hơn nhờ vào tiêu dùng nội địa chứ không phải phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và nguồn vốn từ bên ngoài. IMF cảnh báo, dòng vốn lớn nước ngoài đổ vào châu á đang tạo ra không ít hiểm họa.

Việc chuyển dịch trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương sẽ gia tăng tầm ảnh hưởng của khu vực trên toàn cầu nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Đó là tranh giành ảnh hưởng quyết liệt ở khu vực giữa các cường quốc, cạnh tranh tài nguyên thiên nhiên, lương thực cũng như nhiều nguy cơ khác về an ninh, đói nghèo...