Chuyến đi nhiều toan tính

ANTĐ - Trong lúc tình hình Afghanistan căng thẳng vì vụ lính Mỹ xả súng bắn thường dân, chuyến thăm Mỹ kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Anh David Cameron vừa thể hiện sự ủng hộ các chính sách của Washington vừa giúp hai nhà lãnh đạo thảo luận những chủ đề chính trị  như tình hình Afghanistan, Syria, mối đe dọa hạt nhân của Iran và các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Đồng minh thân thiết nhất 

Mối quan hệ Anh-Mỹ là một trong những quan hệ đồng minh lớn nhất mà thế giới từng biết đến, Tổng thống Mỹ Obama đã gọi đây là mối quan hệ bất biến trải qua nhiều sự thay đổi và biến động của lịch sử. Tuy nhiên, trong quá khứ, quan hệ đồng minh đặc biệt giữa Mỹ-Anh từ khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống trở nên nguội lạnh mà bằng chứng rõ nhất là việc ông Obama chỉ dành cho Thủ tướng Anh lúc đó là Gordon Brown vài phút trong… nhà bếp của Liên Hợp quốc sau khi liên tiếp từ chối gặp mặt.

Việc ông Cameron trở thành “chủ nhân” nhà số 10 Downing đã tạo nên bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao hai nước với dấu ấn khó quên là chuyến thăm Anh của Tổng thống Obama cuối tháng 6-2011. Không chỉ mô tả "Anh là đồng minh thân thiết nhất" của mình, Washington cảm thấy hối tiếc về sự hời hợt của mối quan hệ này trong thời gian qua và hy vọng chuyến thăm Mỹ của ông Cameron sẽ tạo cơ hội để củng cố cơ sở vững chắc hơn cho mối quan hệ song phương". Thiện chí trên đã lý giải tại sao ông Cameron vốn chỉ là người đứng đầu một Chính phủ đã được chào đón bằng 19 phát súng đại bác - nghi thức ngoại giao cao nhất của Mỹ dành cho các nguyên thủ nước ngoài. Đặc biệt, Thủ tướng Cameron cũng trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời bay cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama trên siêu chuyên cơ nổi tiếng thế giới Air Force One. 

Ai cũng có lợi

Theo các nhà bình luận chính trị, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Anh không chỉ mang tính biểu tượng cho mối quan hệ song phương mà còn phục vụ cho lợi ích riêng của hai nhà lãnh đạo. Không phải ngẫu nhiên khi ông Obama có nhã hứng mời ông Cameron đến tận Ohio để xem bóng rổ sau chuyến viếng thăm không có kết quả của Thủ tướng Isarel Netanyahu hồi tuần trước. Đây vốn là bang có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả bầu cử Tổng thống tháng 11 tới nên sự xuất hiện ông Cameron trên sân bóng là một lựa chọn khôn ngoan để xây dựng hình ảnh nguyên thủ toàn cầu. 

Đặc biệt, chuyến thăm lần này còn giúp thu hẹp bất đồng về kinh tế giữa hai nước. Ngay từ khi lên nhậm chức năm 2008, ông Obama đã kêu gọi các đồng minh trong nhóm G20 kích thích kinh tế nhiều hơn. Nhưng Anh vốn phải đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã ban hành các gói cắt giảm chi tiêu lớn nhất trong lịch sử nước này. Với việc tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm 1,1%, ông Obama hoàn toàn có đủ tự tin để thuyết phục Anh đi theo phương thức kích thích tăng trưởng của mình. Sự bắt tay của hai thị trường tài chính lớn nhất thế giới là New York và London chắc chắn sẽ giúp ông Obama xóa bỏ được hiềm khích bấy lâu với các đại gia phố Wall vì yêu cầu tăng thuế đánh vào tầng lớp giàu có. 

Về phần mình, chuyến thăm Mỹ lần này sẽ tạo thêm lợi thế cho đương kim Thủ tướng Anh sau khi ông hết nhiệm kỳ năm 2015. Những bức ảnh ghi lại sự thân mật giữa ông Cameron và Tổng thống Mỹ sẽ là "vũ khí lợi hại" giúp ông Cameron tái đắc cử nhờ lá phiếu của cử tri nữ - những người vốn thể hiện sự yêu thích đặc biệt đối với ông Obama. 

Trong bối cảnh vai trò của Anh taị EU đang bị bộ đôi Đức - Pháp lấn lướt, London cần củng cố quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ để khẳng định lại vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, theo Simon Jenkins, một nhà báo lão làng của Anh cho rằng, Thủ tướng Cameron hoàn toàn có thể điện đàm với người đứng đầu Nhà Trắng về các vấn đề Iran, Syria, Afghanistan chứ không nhất thiết phải đến Mỹ tới 3 ngày. Đặc biệt, các đối thủ chính trị trong nước đã tận dụng cơ hội này để mỉa mai "sở thích du lịch" của Thủ tướng khi ông đã thực hiện hơn 50 chuyến công du nước ngoài kể từ khi nhậm chức cho dù  công việc trong nước vẫn ngổn ngang với các vấn đề về ngân sách, thuế khóa, chính sách năng lượng, lương các chủ ngân hàng, các quy định tài chính...


Cứu gỡ kinh tế toàn cầu?

Thủ tướng Anh D.Cameroon cho biết, Anh có thể hợp tác với Mỹ về việc xem xét khả năng sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược của mình nhằm góp phần hạ nhiệt giá nhiên liệu đang tăng cao hiện nay. Ông Cameroon cho rằng, giá dầu thô thế giới tăng cao đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng cũng như sự phục hồi của các nền kinh tế. 

Các phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng, 2 nước đồng minh Anh - Mỹ sẽ  sớm có những động thái nhằm ngăn chặn giá xăng dầu leo thang ngày một cao hơn. Động thái này hy vọng giúp hạ nhiệt giá dầu trên thị trường thế giới hiện đang đứng ở mức cao 104 USD/thùng. Các chuyên gia nghiên cứu thị trường năng lượng cho rằng việc làm này của Mỹ cũng chưa giúp giảm được ngay giá dầu trong tháng 3, nhưng về lâu dài nó sẽ phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước chưa đưa ra quyết định cụ thể nào về vấn đề này. Vấn đề tăng giá xăng dầu trở thành đề tài nóng trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45, các đối thủ của Đảng Cộng hòa cho rằng chính sách hiện nay của ông Obama không thúc đẩy được nền kinh tế Mỹ phát triển và đã thất bại trong việc cải thiện tình hình thất nghiệp ở quốc gia này.

Tổng thống Obama bị chỉ trích đã không thực hiện các biện pháp cần thiết để phát triển nguồn dự trữ xăng dầu của Mỹ, còn Tổng thống Obama cho rằng Mỹ hiện đang sản xuất dầu nhiều nhất trong 8 năm qua, kể cả khi chính quyền Washington cho khoan hết các mỏ dầu của Mỹ cũng không giải quyết được vấn đề này. Theo ông Obama nếu Mỹ có sản xuất tối đa các nguồn dự trữ dầu hiện có, nước Mỹ vẫn phải  phụ thuộc vào dầu mỏ của bên ngoài. Ông Obama cảnh báo nhu cầu năng lượng của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ ngày càng tăng, cũng với tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông sẽ làm cho giá dầu thế giới sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao. 

Thủ tướng Anh Cameron cho biết, ông và Tổng thống Mỹ đã thảo luận với các tập đoàn kinh tế lớn nhằm tạo thêm nhiều việc làm giúp khôi phục kinh tế toàn cầu và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.