Chuyện của nữ nhân viên Liên hợp quốc xông pha ở nhiều “điểm nóng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làm việc tại đất nước mà giao tranh vẫn diễn ra hàng ngày như Yemen, Sonia Almassad có nhiệm vụ đảm bảo rằng viện trợ của Liên hợp quốc sẽ đến tay những người cần. Người phụ nữ can đảm này đã chia sẻ câu chuyện của mình nhân dịp Ngày Nhân đạo Thế giới 19-8.
Sonia Almassad trên hành trình làm công tác nhân đạo quốc tế ở Yemen

Sonia Almassad trên hành trình làm công tác nhân đạo quốc tế ở Yemen

Là phụ nữ duy nhất làm việc tại Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc ở Yemen, cô Sonia Almassad từ nửa đầu năm 2020 đến nay đã dẫn đầu một nhóm gồm 5 người đàn ông có trụ sở tại Hudaydah, một trung tâm viện trợ quan trọng tại vùng chiến sự này.

“Trong cuộc chiến giữa Lebanon và Israel năm 2006, tôi tham gia cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc, UNHCR với tư cách là tình nguyện viên, ở biên giới giữa Syria và Lebanon. Tôi đã thấy các gia đình và trẻ em đã phải chịu đựng nhiều như thế nào. Sau đó, tôi gia nhập cơ quan di cư của Liên hợp quốc, IOM để làm việc với những người tị nạn Iraq. Đó là một chương trình rất hay, mang đến cho mọi người một cơ hội mới và một khởi đầu mới, nhưng khi bạn nghe câu chuyện của họ, họ có những vết sẹo không bao giờ lành: Những gia đình bị bắt cóc và tra tấn, những phụ nữ bị hãm hiếp và những người mất con”, Sonia Almassad kể.

Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu ở quê hương Syria, Sonia Almassad đã làm việc cho IOM với tư cách là điều phối viên thực địa. Sau đó, Sonia Almassad chuyển đến Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo Liên hợp quốc nên nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn. Ở Syria, cô tổ chức kế hoạch cung cấp viện trợ cho các khu vực bị bao vây, đánh giá nhu cầu và đàm phán với Chính phủ, với các nhóm vũ trang và với các tổ chức cơ quan để các đoàn xe viện trợ vận hành suôn sẻ.

Để tiếp cận người dân trong khu vực bị bao vây không hề đơn giản, không dễ để xây dựng lòng tin của họ. Và với tư cách là một người Syria, Sonia Almassad cũng phải tự bảo vệ tính mạng của mình. Cô phải giấu dưới tên một người đàn ông là Mohamed. “Tôi nói với mọi người rằng tôi là một phiên dịch viên, làm việc cho một nhà đàm phán trong khi thực tế, tôi là người thực hiện đàm phán. Khi tôi đến cùng một đoàn xe cứu trợ, mọi người đều hỏi về Mohamed. Tôi có thể nói rằng Mohamed bị ốm, hoặc đang ở nước ngoài. Mỗi ngày Mohamed đều ở một nơi khác nhau!”, Sonia Almassad chia sẻ.

Mỗi cuộc đàm phán, yếu tố an toàn là điều quan trọng nhất. Những nhóm đàm phán như Sonia Almassad phụ trách phải cố gắng có được sự bảo đảm từ mọi cấp, bao gồm Chính phủ Syria, Mỹ và Nga, để các đoàn xe viện trợ trong quá trình di chuyển không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động quân sự. Bản thân họ phải có riêng các nhóm vũ trang để không có ai bị bắt cóc.

Đây là công việc mà Sonia Almassad tin tưởng với mong muốn làm những điều tốt đẹp cho mọi người. Tại Yemen, họ thương lượng để có quyền truy cập khắp các vùng của đất nước. “Thách thức lớn nhất đối với tôi là nhìn thấy người dân thực sự trong tình huống nguy cấp nhưng chúng tôi không thể đáp ứng theo đúng cách vì thiếu vốn và thiếu khả năng tiếp cận. Thật khó khăn khi thấy những người thực sự cần sự giúp đỡ nhưng bạn không thể hỗ trợ họ”.

Là nữ chỉ huy nhóm đàm phán là một trải nghiệm thú vị với Sonia Almassad. Trong văn hóa Yemen, để một phụ nữ đứng ra đàm phán là rất bất thường. Nhưng Sonia

Almassad nói với nhóm làm việc toàn đàn ông của mình rằng Yemen từng có nữ hoàng Arwa trị vì 50 năm, vì vậy họ nên để phụ nữ nắm quyền. “Hiện giờ các đồng nghiệp của tôi đang thay đổi thái độ, chính họ cũng kể về vợ và con gái họ”, cô vui vẻ kể.

Trong chuyến xe đầu tiên của Sonia Almassad với OCHA ở Syria vào tháng 10-2016, họ đến thành phố Douma. Họ đã được đảm bảo quyền tiếp cận, nhưng khi vào thành phố, họ bị tấn công bằng súng cối. “Chúng tôi phải chạy trốn xuống một tầng hầm, rồi vội liên lạc với các đối tác người Nga và người Mỹ. Chúng tôi đợi một vài giờ cho đến khi vấn đề được giải quyết, sau đó xe tải hạ hàng”, Sonia Almassad nói.